Hiện thực hóa giấc mơ du học Đức
Nhằm trang bị hành trang tri thức và kỹ năng cần thiết để học sinh tự tin xác định con đường tương lai, vừa qua, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Giáo dục Nghề nghiệp (IVES) đã tổ chức chương trình 'Định hướng nghề nghiệp cho học sinh THPT - Khối 10'.
Chương trình có sự tham gia của bà Nguyễn Thị Minh Hạnh - Phó Viện trưởng IVES; ông Tùng Nguyễn - đại diện ủy quyền IVES tại Berlin, CHLB Đức; cùng đại diện Ban Giám hiệu, giáo viên và toàn bộ học sinh khối 10 Trường THCS - THPT Lê Quý Đôn (Mỹ Đình, Hà Nội).
Chương trình được thiết kế nhằm giúp học sinh khám phá và nhận diện năng lực, sở trường, cũng như niềm đam mê của bản thân. Không chỉ dừng lại ở việc định hình sở thích nghề nghiệp, các em còn được hướng dẫn phát triển tư duy định hướng và lập kế hoạch cho tương lai - một kỹ năng quan trọng trong bối cảnh thị trường lao động ngày càng biến động.
Bên cạnh đó, chương trình cũng giới thiệu các cơ hội quốc tế đầy triển vọng, bao gồm các chương trình trại hè tại CHLB Đức, du học đại học và du học nghề tại Đức trong năm 2025. Đây được coi là cánh cửa rộng mở cho các em học sinh tiếp cận nền giáo dục hiện đại và chuyên sâu, từ đó xây dựng sự nghiệp trong các lĩnh vực tiềm năng.
Tại chương trình, các chuyên gia từ IVES đã trình bày về xu hướng nghề nghiệp trong tương lai, đồng thời giới thiệu những ngành nghề đang được đánh giá cao trên thị trường quốc tế. Các thông tin tại chương trình đã thu hút sự quan tâm của đông đảo học sinh. Nhiều em đã đặt câu hỏi với mong muốn hiểu rõ hơn về cơ hội du học tại Đức, đặc biệt là những thông tin liên quan đến hệ thống giáo dục, ngành học phù hợp và điều kiện đầu vào.
Về du học Đức, một trong những nội dung được học sinh quan tâm là: “Làm thế nào hướng nghiệp phù hợp để làm việc và phát triển ở Đức?”. Nhận định đây là câu hỏi khó, ông Tùng Nguyễn, đại diện ủy quyền IVES tại Berlin giải đáp, điều quan trọng nhất là học sinh cần xem xét thế mạnh của mình ở đâu, bằng cách đặt câu hỏi: Bản thân giỏi môn học nào nhất và có những năng khiếu gì? Từ những thế mạnh đó, học sinh sẽ xác định được nghề phù hợp, và trong những nghề đó nghề nào các em cảm thấy thích thú nhất.
Ông Tùng Nguyễn cũng cho biết, hiện nước Đức đang thiếu rất nhiều lao động, đặc biệt trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật. Giai đoạn đầu bậc THPT là thời điểm lý tưởng để học sinh xây dựng nhận thức rõ ràng về sở thích, năng lực và mục tiêu nghề nghiệp. Theo ông Tùng Nguyễn, đây không chỉ là việc chọn một ngành học, mà còn là quá trình định hình con người, phát triển tư duy và chuẩn bị hành trang để hòa nhập vào thị trường lao động toàn cầu.
Chương trình “Định hướng nghề nghiệp cho học sinh THPT - Khối 10” là hoạt động truyền cảm hứng, mở ra những cơ hội thực tế để học sinh bước đầu khám phá con đường phát triển bản thân. Qua đó, IVES và Trường THCS - THPT Lê Quý Đôn đã thể hiện sự quan tâm sâu sắc đến việc định hướng tương lai cho thế hệ trẻ, giúp các em trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng và tư duy để tự tin chinh phục những mục tiêu nghề nghiệp trong tương lai.
Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/hien-thuc-hoa-giac-mo-du-hoc-duc-183721.html