Hiện thực hóa mục tiêu 50.000 kỹ sư bán dẫn: Việt Nam lập trung tâm đào tạo bán dẫn

Trung tâm đào tạo bán dẫn được kỳ vọng sẽ thúc đẩy quá trình đào tạo nhân lực bán dẫn trong nước và tài trợ sản xuất cho các dự án bán dẫn, tạo cơ hội cho các dự án thiết kế vi mạch từ ý tưởng đi vào thực tiễn.

 Theo dự đoán, tới năm 2030 ngành bán dẫn sẽ thiếu 1 triệu nhân sự.

Theo dự đoán, tới năm 2030 ngành bán dẫn sẽ thiếu 1 triệu nhân sự.

Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), Tập đoàn FPT và tổ chức chuyên gia công nghệ Mỹ TreSemi vừa ký hợp tác về việc thành lập trung tâm dào tạo bán dẫn Việt Nam (VSHE - Vietnam Semiconductor Hub for Education).

Việc hợp tác thành lập trung tâm dào tạo bán dẫn Việt Nam có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh xu hướng của chuỗi giá trị bán dẫn đang dần dịch chuyển sang các nước Đông Nam Á, và Việt Nam có đầy đủ điều kiện và yếu tố cần thiết để phát triển công nghiệp bán dẫn, từ hệ thống chính trị ổn định, vị trí địa lý thuận lợi đến nguồn nhân lực trong lĩnh vực kỹ thuật công nghệ dồi dào, cơ sở hạ tầng số ngày một phát triển.

Trung tâm đào tạo bán dẫn được thành lập sẽ góp phần thúc đẩy quá trình đào tạo nhân lực bán dẫn trong nước và tài trợ sản xuất cho các dự án bán dẫn, tạo cơ hội cho các dự án thiết kế vi mạch từ ý tưởng đi vào thực tiễn. Từ đó, từng bước hiện thực hóa định hướng phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam, đưa Việt Nam trở thành một đối tác tin cậy trong hệ sinh thái bán dẫn khu vực và toàn thế giới, nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu và hiện đại hóa nền kinh tế.

Cụ thể, các bên tham gia hợp tác sẽ cùng đóng góp nguồn lực góp phần hiện thực hóa mục tiêu hình thành đội ngũ 50.000 kỹ sư trong lĩnh vực bán dẫn theo đề án phát triển nguồn nhân lực kỹ thuật chất lượng cao cho lĩnh vực công nghệ bán dẫn Việt Nam giai đoạn 2024 - 2030, tầm nhìn đến 2045 do Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư triển khai xây dựng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Các bên cũng thống nhất tài trợ 300 suất học bổng theo chương trình đào tạo chuẩn quốc tế nâng cao kỹ năng (up skill training) cho sinh viên xuất sắc trong lĩnh vực bán dẫn tại 20 trường đại học hàng đầu của Việt Nam; hỗ trợ sản xuất (tapeout) cho 13 dự án thiết kế vi mạch xuất sắc trong năm 2024.

Phát biểu tại sự kiện, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT cho biết theo dự đoán của các chuyên gia về nhân lực toàn cầu, tới năm 2030 ngành bán dẫn sẽ thiếu 1 triệu nhân sự. Do đó, Việt Nam có cơ hội nắm bắt nhu cầu toàn cầu này để vươn lên trong bảng xếp hạng cả về chất lượng giáo dục lẫn cung ứng nhân sự chất lượng cao cho ngành.

"Việc thành lập trung tâm đào tạo bán dẫn Việt Nam sẽ là bệ phóng cho nước ta tiến tới hiện thực hóa mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư bán dẫn tới năm 2030; đồng thời mở ra cơ hội cho các thiết kế vi mạch tiềm năng được ứng dụng trong thực tiễn”, ông Trương Gia Bình nói.

Ngọc Lưu

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/hien-thuc-hoa-muc-tieu-50000-ky-su-ban-dan-viet-nam-lap-trung-tam-dao-tao-ban-dan-20180504224290981.htm