Hiện thực hóa mục tiêu đưa TP HCM thành trung tâm tài chính quốc tế
Nghị quyết số 24 -NQ/TW của Bộ Chính trị về vùng Đông Nam Bộ đặt ra nhiều mục tiêu lớn, trong đó có phát triển TP HCM trở thành trung tâm tài chính quốc tế, đóng vai trò là cực tăng trưởng của vùng.
Nhằm sớm đưa Nghị quyết đi vào cuộc sống, Hội nghị công bố Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW sẽ diễn ra vào 26/11 tại TP Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì.
Đông Nam Bộ là vùng có nền kinh tế năng động với số lượng doanh nghiệp đứng đầu cả nước. Địa bàn này cũng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất, chiếm 41,1% tổng vốn FDI của Việt Nam. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế của vùng có xu hướng chậm lại, thấp hơn cả nước và chưa phát triển xứng tiềm năng.
Do vậy, Chính phủ đang khẩn trương hoàn thiện Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị, về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Hội nghị “ba trong một” tìm ra nhân tố phát triển cho vùng
Chia sẻ tại họp báo công bố thông tin hội nghị, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương cho biết, với chủ đề “Tư duy mới - Đột phá mới - Giá trị mới”, sự kiện sẽ làm rõ các nhân tố tạo sức phát triển của vùng Đông Nam Bộ.
"Đây là hội nghị ‘ba trong một’, được tổ chức không chỉ với mục đích công bố Chương trình hành động của Chính phủ, mà còn xúc tiến đầu tư, kêu gọi sự quan tâm của các nhà đầu tư trong nước, quốc tế, về triển khai các chương trình, dự án đầu tư có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của vùng Đông Nam Bộ”.
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương
Thứ trưởng Trần Quốc Phương thông tin, dự kiến hội nghị sẽ có ba nội dung chính.
Thứ nhất là công bố Chương trình hành động của Chính phủthực hiện Nghị quyết số 24 của Bộ Chính trị, tìm ra các điểm khơi thông sức phát triển cho vùng. Bộ KH&ĐT sẽ chọn ra 3 tham luận đến từ ba Bộ/ngành có liên quan trực tiếp đến các động lực của Đông Nam Bộ để trình bày trong hội nghị.
Trong đó, Bộ Giao thông Vận tải sẽ có tham luận về phát triển kết cấu hạ tầng gắn kết Đông Nam Bộ với cảng biển, sân bay thông qua các đường cao tốc. Bộ Xây dựng tham luận về nâng cao chất lượng đô thị vùng và thực hiện các chính sách giải nén các đô thị lớn. Bộ Lao động Thương binh Xã hội tham luận về bảo đảm việc làm cho người lao động các khu chế xuất và những giải pháp ứng phó với các nguy cơ đột biến của vùng.
Ngoài ra, còn có tham luận của các đối tác nước ngoài như Ngân hàng Thế giới (World Bank), Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KORCHAM) và các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Công tác xúc tiến đầu tư được Thứ trưởng Phương cho biết, có 12 dự án đầu tư vào vùng với tổng mức dự kiến 4,2 tỷ USD.
Tùy thuộc vào quy định của các nhà tài trợ, Bộ KH&ĐT sẽ ký các hình thức hợp tác khác nhau đối với các dự án, gồm: Ký biên bản ghi nhớ với Ngân hàng ADB 5 dự án; ký biên bản hợp tác với Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) 3 dự án; ký thư quan tâm tài trợ với World Bank 3 dự án. Bộ KH&ĐT cũng sẽ trao giấy chứng nhận đầu tư, cam kết cho 8 dự án tại hội nghị.
Cũng trong khuôn khổ sự kiện, Triển lãm Ảnh nghệ thuật “Đông Nam Bộ Đột phá mới - Tầm cao mới” và gian hàng trưng bày các sản phẩm có thế mạnh của các địa phương được tổ chức trong ngày 25 – 26/11, nhằm giới thiệu vẻ đẹp tiêu biểu của đời sống văn hóa của các dân tộc đồng bào trong vùng.
“Sự kiện có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của vùng Đông Nam Bộ, mở ra cơ hội mới cho vùng đất năng động, sáng tạo, đi đầu trong đổi mới và phát triển của Việt Nam”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh.
Bốn yếu tố tạo ra trung tâm tài chính quốc tế TP HCM
Một trong các mục tiêu lớn được Bộ Chính trị đặt ra cho vùng Đông Nam Bộ là phát triển TP HCM trở thành trung tâm tài chính quốc tế, phát triển ngang tầm các thành phố lớn trong khu vực Châu Á, đóng vai trò là cực tăng trưởng của vùng, là nơi tập trung của các định chế tài chính quốc tế.
Để hiện thực hóa được mục tiêu đó, Thứ trưởng KH&ĐT cho biết, giải pháp được thực hiện trong Chương trình hành động sẽ đến từ công tác quy hoạch, xác định vị trí địa lý thuận lợi thực hiện ý tưởng.
Khi TP HCM có các cơ chế đặc thù thì mục tiêu trong tương lai trở thành trung tâm tài chính không phải không phải không thực hiện được. Trung tâm tài chính sẽ chứa đựng các hoạt động về dịch vụ, con người có tính vượt trội hiện đại, có giá trị gia tăng cao hơn.
Cùng với đó, việc huy động nguồn lực được bám theo chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, kết hợp cả nguồn lực công và tư. Trung tâm tài chính có ý nghĩa về kinh doanh nhiều hơn nên việc huy động nguồn lực ngoài Nhà nước sẽ là trọng tâm. Tuy nhiên, nguồn lực vốn Nhà nước vẫn đóng vai trò chủ chốt.
Công tác quản lý cả về thể chế và cơ quan tổ chức cần được nghiên cứu hình thành bộ máy đáp ứng yêu cầu của một khu vực năng động, hiện đại, không giống các vùng hay địa bàn khác trong vùng.
Về tổ chức xã hội có thể tham khảo kinh nghiệm các nước trên thế giới đã có nhiều mô hình về khu vực đặc thù. Công tác tổ chức yêu cầu có điểm đặc biệt hơn cả, tạo động lực cho khu vực này phát triển, đồng thời tạo ra tính lan tỏa cho các vùng lân cận.
Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, trung tâm tài chính sẽ được hình thành dựa trên các lợi thế yếu tố mang tính vượt trội của TP HCM với Đông Nam Bộ, cũng như đối với cả nước. Trung tâm tài chính quốc tế TP HCM sẽ có mức độ tập trung cao các hoạt động kinh tế của một địa phương, trong đó lĩnh vực tài chính ngân hàng chiếm tỷ trọng lớn, diễn ra nhộn nhịp.
“Mục tiêu đưa TP HCM trở thành trung tâm tài chính quốc tế đã được nêu trong các Nghị quyết trước đây về chiến lược trung và dài hạn, có tác dụng điều hòa điều phối kích thích hoạt động tài chính của Việt Nam”, Thứ trưởng KH&ĐT khẳng định.
Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW đề ra 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, gồm:
Công tác quán triệt, tuyên truyền, tạo sự thống nhất, đồng thuận của xã hội trong xây dựng, tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW.
Phát triển nhanh, bền vững tạo bước đột phá, lan tỏa trong phát triển kinh tế vùng, liên vùng.
Tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách và đẩy mạnh phát triển liên kết vùng.
Phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và hoàn thiện kết cấu hạ tầng, đô thị.
Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Sáu, bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại. Bảy, tập trung xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị.
Ngoài ra, Chương trình hành động của Chính phủ cũng đã đề ra 35 nhiệm vụ cụ thể và 29 dự án kết cấu hạ tầng và phân công cho các Bộ, ngành triển khai thực hiện, có lộ trình thời gian cụ thể.