Hiện thực hóa phục dựng Chính điện Kính Thiên
Hoàng Thành Thăng Long phát lộ nhiều di tích quan trọng, minh chứng cho sự tồn tại của một kinh thành suốt 13 thế kỷ, qua các thời: Đại La, Đinh Tiền Lê, Lý, Trần, Hồ, Lê Sơ, Mạc, Lê Trung hưng và thời Nguyễn. Những cuộc khai quật khảo cổ trong suốt 20 năm qua, dần hé lộ cấu trúc, kiến trúc, không gian của hoàng cung xưa. Từng mét đất ở đây, từng lớp văn hóa ở đây đều gây những ấn tượng đặc biệt.
Năm 2003 – Hoàng Thành Thăng Long phát lộ nhiều di tích quan trọng, minh chứng cho sự tồn tại của một kinh thành suốt 13 thế kỷ, qua các thời: Đại La, Đinh Tiền Lê, Lý, Trần, Hồ, Lê Sơ, Mạc, Lê Trung hưng và thời Nguyễn. Những cuộc khai quật khảo cổ trong suốt 20 năm qua, đã dần dần hé lộ cấu trúc, kiến trúc, không gian của hoàng cung xưa, mở ra những giả thiết và cả những cơ hội để phục dựng lại các công trình lịch sử. Từng lớp đất đá dưới lòng đất, đại biểu cho từng lớp lịch sử, từng lớp văn hóa lâu đời của dân tộc, thiết lập lên một di sản đặc biệt, quí giá của Việt Nam cũng như thế giới – Hoàng Thành Thăng Long.
PGS.TS TỐNG TRUNG TÍN – Viện trưởng Viện Khảo cổ học, TT Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội: "“Hoàng Thành Thăng Long thì quá đặc biệt bởi vì đây là lịch sử của kinh đô. Thứ 2 là thời gian rất là dài, di tích rất là đa dạng, thứ 4 là di vật rất là nhiều, cho nên khi khai quật ở đây thì điều mà mọi người thấy hay nhất chính là phân tầng của các thời đại rất là rõ. Và chính vì cái phân tầng như vậy mà qua các thời đại chúng ta đều thấy các dấu tích kiến trúc, cung điện của hoàng cung và đi theo đó là các di vật của nhiều hoạt động của con người như: di vật liên quan đến công trình kiến trúc….cứ qua từng lớp một thì mọi người nhận ra, bóc tách ra thấy thời Lý thì kiến trúc nó như thế nào, thời Trần cũng thế, thời Lê Sơ nó như thế nào, thời Lê Trung Hưng, thậm chí là cả thời Nguyễn cũng thế”.
GS.TS.NGND NGUYỄN QUANG NGỌC – Giám đốc Trung tâm Hà Nội học và phát triển thủ đô: “Khu trung tâm Hoàng Thành Thăng Long được công nhận là di sản văn hóa thế giới, tức là nó có một giá trị nổi bật toàn cầu, được cả thế giới người ta thừa nhận. Nó là tài sản vô giá của nhân loại, mà cái tài sản vô giá đó không phải là mấy cái tòa kiến trúc mà ta đang nhìn thấy hiện nay đâu mà vì nó là kiến trúc thời Pháp. Mà kiến trúc thời Pháp thì không phải là kiến trúc điển hình gì của một cái nước Phương Đông đâu. Mà các tiêu biểu nhất, đại diện nhất mà Unesco ghi danh chính là các tòa chính điện, cái cung, các hiện vật thời xưa.”
Quay trở về thời điểm năm 2003, Hoàng Thành Thăng Long là dự án được khai quật khảo cổ trước khi thực hiện dự án xây dựng Nhà Quốc hội và Hội trường Ba Ðình (mới) tại Ba Ðình, trên khu vực nằm giữa các đường phố Hoàng Diệu, Hoàng Văn Thụ, Ðộc Lập, Bắc Sơn. Thời điểm đó, Chính phủ đã giao Viện khảo cổ học tiến hành khai quật trên diện rộng với diện tích hơn 16.000m2. Đây là một cuộc khai quật khảo cổ có qui mô tầm cỡ của Đông Nam Á thời bấy giờ và việc phát lộ di tích nền móng cùng hàng triệu di vật dưới những tầng đất đá, đã minh chứng cho sự hoạt động nhộn nhịp tại khu vực kinh thành xưa. Phát hiện này được đánh giá là một thành tựu lớn của đất nước trong năm 2003 và cũng là nền tảng khoa học quan trọng để khu di tích Hoàng Thành Thăng Long được công nhận là di sản văn hóa thế giới vào năm 2010.
PGS.TS TỐNG TRUNG TÍN – Viện trưởng Viện Khảo cổ học, TT Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội: “Từng mét đất ở đây, từng lớp văn hóa ở đây đều gây những ấn tượng đặc biệt cho các nhà khảo cổ học. Đó là sự chồng xếp của các tầng văn hóa và các di tích kiến trúc. Qua đó thấy trình độ rất cao của các vương triều, của nhân dân Đại Việt qua các thời kì. Người ta đã qui hoạch, bố cục, thiết kế trang trí tạo nên những diện mạo của hoàng cung Thăng Long qua các thời kì khác nhau, rất là rõ ràng, đẹp, đặc trưng của kiến trúc Việt Nam trong cái sự giao thoa văn hóa.”
GS.TS.NGND NGUYỄN QUANG NGỌC – Giám đốc Trung tâm Hà Nội học và phát triển thủ đô: “Những tư liệu mà được ghi chép trong sử cũ cũng khá là nhiều, những câu chuyện dân gian thì tôi xin nói rằng là chỉ cho phép chúng ta hình dung một cách hết sức đại khái. Nó không thể cụ thể vì những cái đó mà cụ thể thì nó không đúng nào. Cho nên những tư liệu trong sử cũ, trong dân gian, mặc dù chúng ta tập hợp được khá là nhiều nhưng mà cái đó chỉ là một cơ sở. Và cơ sở đó phải được kiểm chứng, kiểm chứng bằng hiện vật thật, kiểm chứng bằng cái mà người ta có thể cầm nắm, quan sát và tôi xin nói rằng không có gì đúng hơn là việc chúng ta tiến hành khai quật khảo cổ học.”
PGS.TS TỐNG TRUNG TÍN – Viện trưởng Viện Khảo cổ học, TT Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội: “Vương triều Lý là vương triều để lại ấn tượng đặc biệt nhất, có hàng trăm, thậm chí nhiều trăm kiến trúc khác nhau nhưng lại rất đồng nhất. Chỗ nào cũng hướng Bắc Nam, chỗ nào cũng hướng Đông Tây, chỗ nào cũng thống nhất về vấn đề kích thước, chỗ nào cũng trang trí đẹp và xây dựng rất cẩn thận, cho nên kiến trúc thời Lý là kiến trúc đặc biệt nhất. Rồi sang thời Trần thì các kiến trúc có sự thay đổi, ví dụ như sang thời Trần để trang điểm cho các móng nền kiến trúc, người ta rất ưa sử dụng các móng nền hoa chanh, trong điển cố nó liên quan đến liên châu, một loại trang trí cho hoàng cung. Rồi sang đến thời Lê Sơ thì ví dụ như là cả một cái hoàng cung như là Thăng Long này thì không những được làm cẩn thận, nhưng nó đặc biệt là loại ngói, chính là ngói rồng, mà ngói rồng là dành cho hoàng cung, cho vương triều rồi, và cái đáng quí là so sánh trong toàn bộ cái di sản của thế giới, nhất là các nước Đông Á gần gũi với VN thì không nước nào có loại ngói rồng này."
Công cuộc khảo cổ học suốt 20 năm qua tại khu di tích Hoàng Thanh Thăng Long đã phát lộ nhiều di tích quan trọng , có thể kể đến dấu vết nền cung điện thời Lý – Trần – Lê, hệ thống cống thoát nước, giếng nước, hệ thống kiến trúc nhiều gian, kiến trúc lục giác hay những di vật trang trí hoàng cung, cùng nhiều đồ dùng ngự dụng quan trọng….đã cho thấy một hoàng cung trải dài nhiều thế kỉ, nhiều triều đại và có sự chuyển biến mạnh mẽ giữa các triều đại. Đặc biệt, công cuộc khảo cổ cũng đã đưa ra những bằng chứng thuyết phục về vị trí của khu vực chính điện – trung tâm chính trị quan trọng của mỗi triều đại, nơi thiết triều của mỗi bậc đế vương; mở ra những hi vọng để phục dựng chính điện Kính Thiên – công trình lịch sử có chiều dài hoạt động lâu nhất, nhiều dấu tích nhất trong suốt 13 thế kỷ.
TS.NGUYỄN VĂN SƠN – Chủ tịch Hội sử học Hà Nội: “Năm 1010, Đức Lý Thái Tổ rời đô từ Hoa Lư về Thăng Long, ông đã chọn cái vị trí trên đỉnh núi Nùng, một trong những vị trí mà được coi là rốn rồng, một trong những huyệt đạo của đất nước. Ở trên đó ông dựng điện Càn Nguyên. Đến năm 1928, vì loạn tam vương mà điện Càn Nguyên bị đốt cháy, năm 1029 đức Lý Thái Tông lên ngôi và tiếp tục dựng trên nền điện Càn Nguyên và đặt tên là điện Thiên An. Điện Thiên An tồn tại suốt Lý, Trần, và sau khi đánh đuổi được quân Minh thì Đức Thái tổ Lê Lợi trên nền cũ của điện Kính Thiên và điện Thiên An thời Lý – Trần. Đây có thể nói là một cái điện có vị trí lâu dài nhất trong lịch sử mà chính sử đã chép.”
Theo lịch sử ghi lại, Điện Kính Thiên được vua Lê Lợi khởi dựng từ 1428 để làm nơi thị triều. Qua các thời Mạc, thời Lê Trung Hưng, điện bị hư hỏng và được trùng tu nhiều lần. Năm 1816, vua Gia Long nhà Nguyễn cho hạ giải toàn bộ công trình nhưng nền móng còn giữ nguyên. Nhà Nguyễn cũng dựng lại công trình mới trên nền điện và đổi là điện Long Thiên. Tới 1886, thực dân Pháp gỡ điện Long Thiên và dựng tòa nhà chỉ huy pháo binh trên nền điện cũ. Người Pháp gọi đây là nhà con rồng. Dấu vết nền móng điện Kính Thiên hiện là một trong những dấu tích kiến trúc quan trọng nhất tại khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long và dấu tích quan trọng nhất còn được lưu giữ đến thời điểm hiện tại chính là thềm rồng Điện Kính Thiên. Kể từ năm 2010, những cuộc khai quật khảo cổ học tại Hoàng Thành Thăng Long đều tập trung xung quanh khu vực được xác định là Điện Kính Thiên, nơi có còn lưu lại dấu tích “đôi rồng ngự chầu”.
Ông NGUYỄN THANH QUANG – Giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích Thăng Long – Hà Nội: “Qua 10 năm thì cũng khảo cổ được hơn 9000m2 và qua quá trình khảo cổ thì tổng kết 10 năm khảo cổ đã ra được rất nhiều cứ liệu quan trọng từ thời Lý Trần Lê Nguyễn, đặc biệt là chúng tôi rất chú trọng từng năm sau khi khai quật xong đều có cái đánh giá và tổng kết. Đặc biệt là qua quá trình đó thì nó dần hiện hình lên, hình thành lên không gian Điện Kính Thiên gồm có sân long trì, đan trì, ngự đạo, dẫn từ Đoan Môn và đến Điện Kính Thiên,. Đây là những cứ liệu rất quan trọng để tiến tới phục dựng Điện Kính Thiên.”
GS.TS.NGND NGUYỄN QUANG NGỌC – Giám đốc Trung tâm Hà Nội học và phát triển thủ đô: “Nếu bây giờ mà chúng ta cứ nhìn cái bệ rồng đó thì đúng là chúng ta sẽ thấy mấy con rồng đó chẳng có cái thế gì cả, nếu để trên một mặt phẳng như vậy thì rồng này là rồng gục đầu xuống đất, chả có cái thế gì cả. Nhưng nếu chúng ta hình dung ra rằng ngày trước, ở dưới độ sâu 4 mét thì khác lắm. Thì chúng ta nhìn lên trên nó hùng vĩ lắm. Chính vì vậy khai quật khảo cổ học nó cho ta một cách hình dung đúng về một không gian, cảnh quan của cái Điện Kính Thiên.”
Theo cung cấp của các nhà khảo cổ học, từ năm 2011 đến nay, nhiều dấu tích quan trọng nhất về kiến trúc thời Lê sơ đã được tìm thấy như: dấu tích nền móng của kiến trúc hành lang, các loại cấu kiện gỗ sơn son thếp vàng, và số lượng lớn các loại ngói lợp mái cung điện có men màu vàng và men màu xanh lục. Những cứ liệu này đã phần nào gợi ý cho những nhà nghiên cứu phác họa cơ bản Chính điện Kính Thiên.
TS NGUYỄN VĂN SƠN – Chủ tịch Hội sử học Hà Nội: “Những khối lượng di vật đó thì giúp chúng ta nhận diện rõ ràng hơn về các vật liệu đã tham gia vào Điện Kính Thiên như thế nào, đặc biệt là những cấu kiện gỗ, và nó cho chúng ta không chỉ về vật liệu, kiến trúc gỗ mà nó còn cho chúng ta cả những yếu tố về sơn son thiếp vàng khu vực của Điện Kính Thiên. Thứ hai về vật liệu kiến trúc ngói thì cũng giúp chúng ta nhận diện được bộ ngói của nó như thế nào, gợi ý cho chúng ta về bộ mái thế nào…”
PGS.TS TỐNG TRUNG TÍN – Viện trưởng Viện Khảo cổ học, TT Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội: “Trong một cái diện tích rất nhỏ, mới chỉ 20% so với tổng diện tích 100% phải khai quật. Mới thế thôi mà chúng ta đã xác định được rất là nhiều dấu tích liên quan đến kiến trúc của Chính điện Kính Thiên. Ví dụ như là thấy móng nền kiến trúc, thấy vị trí của bậc thềm, thấy dấu tích của móng cột, dấu tích của sân đại triều hay sân của chính điện Kính Thiên, dấu tích của hành lang bao quanh, dấu tích của tường vây bao quanh, dấu tích của cổng và đi theo nó là hệ thống vật liệu, các loại vật liệu. Mình làm khôi phục thì phải biết vị trí đó nó xây dựng bằng đá gì, loại gạch gì, trang trí như thế nào. Thậm chí rất may mà còn tìm được cả những thành phần kiến trúc gỗ được sơn son thếp vàng, vàng mà còn là vàng 4 con chín, vàng thật, chứng tỏ là một cung điện rất lộng lẫy.”
Việc phát hiện những dấu tịch của móng nền, cột kèo, hoa văn mái cũng đã phần nào gợi ý cho các nhà khoa học một cái nhìn tổng thể về kiến trúc của Điện Kính Thiên. Tuy nhiên, đi vào chi tiết thì những cứ liệu này thật sự vẫn còn nhiều điều mơ hồ, cần phải lí giải. Chính vì vậy, việc phát hiện mô hình kiến trúc đất nung tráng men thời Lê Sơ tại đợt khai quật năm 2021 vừa qua đã góp phần củng cố thêm những nét phác họa chi tiết cho công trình Chính điện Kính Thiên.
PGS.TS TỐNG TRUNG TÍN – Viện trưởng Viện Khảo cổ học, TT Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội: “Trong cái đợt khai quật năm 2021 tại khu vựcC hính điện Kính Thiên thì khảo cổ học đã phát hiện được cái mô hình đất nung rất là quan trọng, tạo được sự quan tâm đặc biệt của giới khoa học. Cái mô hình đất nung này là một phần của mái một tầng của kiến trúc nhiều tầng, và nó được tráng men xanh rất đẹp. Để mà phân tích cái mô hình đất nung này thì chúng tôi đánh giá rất là cao cái kĩ thuật tạo tác. Ví dụ như người tạo tác đã tạo từng chi tiết rời ra xong rồi lắp ghép vào với nhau. Điều này thể hiện ra là người tạo tác có hiểu biết rất là sâu về kiến trúc đương thời lúc bây giờ. Thứ hai 2 là cái tinh xảo của mô hình đất nung thể hiện ở những chỗ như chạm khắc gỗ của các đầu rồng. Ngoài ra, chúng tôi cũng so sánh là các cấu kiện bộ khung thì cũng giống như các hiện vật cấu kiện gỗ mà chúng tôi cũng phát hiện ở chỗ khai quật. Điều đó cho thấy tính xác thực cũng như độ tin cậy khoa học của mô hình đất nung vào việc nghiên cứu mô hình kiến trúc Hoàng Thành Thăng Long.”
Có một thực tế, Chính điện Kính Thiên là chính điện có thời gian hoạt động lâu dài nhất trong giai đoạn lịch sử 13 thế kỷ, tuy nhiên cũng chính những kiến trúc của thời Lê Sơ lại bị hủy hoại nhiều nhất, khiến những nhà khảo cổ rất khó khăn khi xác định phương hướng để phục dụng những công trình kiến trúc thời Lê Sơ. Chính vì vậy, việc phát hiện mô hình đất nung này đã giúp những các nhà khoa học gỡ nhiều nút thắt quan trọng, mang đầy đủ những điều kiện để khẳng định đó là kiến trúc của thời Lê Sơ.
TS.PHẠM QUỐC QUÂN - Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia: "Đây là một mô hình tương đối rõ nét, giúp chúng ta hình dung ra được cấu trúc bên ngoài của một ngôi điện thời Lê, như vậy là chúng ta thêm cứ liệu để làm đầy đủ hơn những tư liệu mà chúng đang nghiên cứu, bổ sung vào việc phục dựng Điện Kính Thiên trong tương lai.”
TS NGUYỄN VĂN SƠN – Chủ tịch Hội sử học Hà Nội: “Đấy là cái điều mà chúng ta có được, tích tục được nhiều tư liệu để chúng ta có được cái thiết kế để làm sao mà chúng ta tiệm cận được cái quá khứ, và đồng thời những hiện vật như thế sẽ giúp chúng ta xây dựng được cái bảo tàng hoàng cung mà cái bảo tàng hoàng cung ấy là cái hiện vật nó có thể diễn giải được những vấn đề của lịch sử.”
Mặc dù là một mô hình đất nung nhưng di vật này được tạo tác vô cùng chi tiết, đặc biệt ở bộ kết cấu khung gỗ và bộ mái. Từng cấu kiện riêng biệt như cột, xà, ván xà, đấu vuông thót đáy ( đại đấu, tiểu đấu), củng, đầu dư đều được làm riêng từng bộ phận rồi gắn chắp lại bằng tăm tre. Cách tạo hình và kỹ thuật gắn chắp như vậy làm cho việc thể hiện phần khung gỗ rất sinh động, có tỷ lệ và độ chính xác cao, thể hiện sự am hiểu của người tạo tác với kiến trúc thời đại. Và đó cũng là sự khác biệt so với các mô hình đất nung được phát hiện trước đây, khi chỉ chăm chú thể hiện ở mặt ngoài của kiến trúc, thay vì đi vào từng chi tiết.
PGS.TS TỐNG TRUNG TÍN – Viện trưởng Viện Khảo cổ học, TT Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội: “Đánh giá và tổng hợp thì chúng tôi cho rằng cả so sánh và tổng hợp thì đến nay chúng ta nắm được 30% các yếu tố cần để mà khôi phục chính điện Kính Thiên. Và 30% nữa thì chúng ta tiếp tục và cái đó chúng ta nghiên cứu tiếp, và 30% là tiếp tục nghiên cứu so sánh với Kinh đô Huế và kinh điện của các nước.”
Đã có thời điểm, nhiều câu hỏi được đặt ra: “ Phục dựng Điện Kính Thiên để làm gì?”. Để trả lời cho câu hỏi này, có lẽ chúng ta cần phải nhìn những bài học trong việc phục dựng cung điện Heijo (Nara) của Nhật Bản và Cảnh Phúc Cung của ( Hàn Quốc). Cả hai công trình này đều được 2 quốc gia phục dựng trên những giá trị khảo cổ học thu được tại khu vực phục dựng, và đều trở thành những công trình mang tính biểu tượng của đất nước, trở thành những địa điểm văn hóa – lịch sử đặc biệt, thu hút khách du lịch trên khắp thế giới. Còn tại Việt Nam, việc Hoàng thành Thăng Long được công nhận là Di sản Văn hóa thế giới đã minh chứng cho những giá trị lịch sử - văn hóa – kiến trúc vô giá ẩn sâu dưới từng lớp đất đá. Thế nhưng, để tưởng tượng ra những giá trị đó thế nào thật sự không dễ, và mong muốn phục dựng chính điện Kính Thiên chính là hữu hình hóa những giá trị đó. Với 30% tư liệu thu được từ khảo cổ học, mong muốn phục dựng chính điện Kính Thiên có lẽ không còn xa.
GS.TS.NGND NGUYỄN QUANG NGỌC – Giám đốc Trung tâm Hà Nội học và phát triển thủ đô: "Kể cả chúng ta có khai quật được 100% thì chúng ta chưa hiểu được hết đâu, nhưng nó cho chúng ta những hình dung cơ bản.”
TS.PHẠM QUỐC QUÂN - Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia: “Lấy mô hình nào để phục dựng Điện Kính Thiên thì đấy là cái câu chuyện mà các nhà khoa học cần tính toán để để làm sao mà chúng ta có được cái mô hình tiệm cận nhất với lịch sử.”
Cứ mỗi năm trôi qua, khảo cổ học tại khu vực Hoàng Thành Thăng Long lại khai quật thêm nhiều những chứng cứ của lịch sử dưới từng tầng lớp đất đá, hé mở thêm nhiều cứ liệu lịch sử. Từng tầng đất đá xếp lên nhau, tượng trưng cho sự nối tiếp liên tục của các triều đại phong kiến nước ta. Mỗi triều đại đều có những dấu tích văn hóa, con người, kiến trúc khác nhau và các nhà khoa học cũng đoán định được, những giá trị nào đã mất, những giá trị nào được trưng dụng và lưu truyền qua các triều đại thông qua khảo cổ học. Hoàng Thành Thăng Long của hiện tại vẫn là nơi diễn ra những sự kiện quan trọng của đất nước, đặc biệt mỗi dịp Tết đến Xuân về, thế nhưng ẩn sâu dưới từng lớp đất đá là sự phức tạp của các dòng chảy lịch sử, riêng lẻ lẫn đan xen, đang dần được bóc mở và hé lộ.
Thực hiện : Anh Thư Tùng Dương Cao Hoàng
Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/hien-thuc-hoa-phuc-dung-chinh-dien-kinh-thieng