Hiện thực sống động trong tác phẩm của Nguyên Hồng

Nguyên Hồng tên thật là Nguyễn Nguyên Hồng, sinh năm 1918. Ông bắt đầu viết văn từ năm 1936 với truyện ngắn Linh hồn đăng trên Tiểu thuyết thứ 7. Chỉ sau một năm vào nghề viết, ông đã gây tiếng vang lớn trên văn đàn nước nhà với tiểu thuyết 'Bỉ vỏ'.

Đọc cuốn sách "Nguyên Hồng và tác phẩm", người đọc được trở lại xã hội hiện thực khi chưa giành được chính quyền với những bất công, những thói đời xấu xí và những băng nhóm xã hội gây ra bao nhức nhối cho dân lành. Càng đọc các tác phẩm của ông, từ tiểu thuyết đến truyện ngắn, càng thấy được sức đi, sức lăn lộn với hiện thực của ông. Những cuộc đương đầu của các băng nhóm, những cuộc hút sách của các tay anh chị được mô tả trong Bảy hựu, Sông máu, Người mẹ không con... và cả những mảnh đời bất hạnh, xuống đáy xã hội của những người tha hương trong Chuyện cái xóm tha hương nhưng vẫn toát lên giá trị nhân văn của tình thương yêu đùm bọc giữa người với người. Đọc các tác phẩm của Nguyên Hồng ta thấy đầy chất ký họa chân dung, ký họa hiện thực cuộc sống, hoàn toàn không hư cấu dưới thời cai trị của thực dân Pháp.

Đây là sự lên án mạnh mẽ của nhà văn đối với chính quyền thực dân đã đẩy những con người hiền lành, chất phác rơi vào cảnh tha hương cầu thực, bị bần cùng hóa trở thành những tay anh chị khét tiếng khi tuổi đời đôi mươi. Thật đau xót, ở họ trong cách miêu tả của Nguyên Hồng người đọc nhận thấy những tố chất phi thường về võ nghệ, tính quân tử trong hành động sống... nếu được vun đắp ở một xã hội nhân văn, họ đã trở thành người có ích.

Đó là tư tưởng chủ đạo trong các tác phẩm của Nguyên Hồng thời kỳ trước cách mạng. Sau cách mạng, văn chương của ông đầy ắp tinh thần dân tộc đánh đuổi thực dân, giành độc lập cho nước nhà. Đó cũng là sự chuyển biến mạnh mẽ về tư tưởng và bút pháp.

Sơn Anh

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/van-hoa/sach-hay/hien-thuc-song-dong-trong-tac-pham-cua-nguyen-hong-136931.html