Hiện trạng giao thông trong Vành đai 1 Hà Nội sắp hạn chế xe máy xăng
Các hoạt động đời sống, kinh tế và dịch vụ chủ đạo trong khu vực Vành đai 1 phụ thuộc nhiều vào các phương tiện cá nhân với khoảng 1,1 đến 1,3 triệu xe lưu thông mỗi ngày.
Toàn cảnh tuyến giao thông trong Vành đai 1 sắp hạn chế xe máy xăng Các hoạt động đời sống, kinh tế và dịch vụ chủ đạo trong khu vực Vành đai 1 phụ thuộc nhiều vào các phương tiện cá nhân với khoảng 1,1-1,3 triệu xe lưu thông mỗi ngày.

Vành đai 1 là khu vực huyết mạch của thành phố Hà Nội với diện tích khoảng 31,5 km2. Đây còn là nơi sinh sống của 600.000 cư dân (chiếm 7% dân số thành phố) cùng hàng triệu lượt người qua lại mỗi ngày.

Toàn cảnh đường Vành đai 1. Ảnh: Google Maps.

Ghi nhận tại đường Trần Quang Khải, cầu Chương Dương vào khung giờ cao điểm buổi chiều, các loại phương tiện đổ về dày đặc, nối đuôi nhau di chuyển chậm chạp. Theo số liệu Báo cáo của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội và Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông Vận tải cho đề án phân vùng giao thông chỉ ra rằng mỗi ngày, có từ 1,1 đến 1,3 triệu lượt phương tiện cơ giới lưu thông qua khu vực trong Vành đai 1.




Các tuyến đường trung tâm nằm trong Vành đai 1 như Phan Đình Phùng, Thanh Niên, Tràng Tiền, Giảng Võ... luôn là những điểm nóng tắc nghẽn vào giờ cao điểm với lượng phương tiện lớn di chuyển.

Với mật độ dân số lên tới hơn 18.412 người/km², Vành đai 1 đang là một trong những khu vực tập trung dân cư cao nhất Hà Nội. Con số này cao gấp hơn 7 lần so với mật độ trung bình toàn thành phố (khoảng 2.589 người/km²).

Bên cạnh các phương tiện cá nhân, các tuyến đường trung tâm Hà Nội bên trong Vành đai 1 có đa dạng các loại hình phương tiện giao thông công cộng đang lưu thông, phục vụ nhu cầu di chuyển của hàng triệu người.

Hàng dài người dân chờ xe buýt tại điểm dừng trên đường Trần Quang Khải lúc 17h30. Theo Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng Hà Nội (HPTC), khu vực Vành đai 1 hiện có khoảng 110 tuyến xe buýt hoạt động đi qua với hơn 600 điểm dừng được bố trí trên toàn khu vực này.

Theo số liệu do các đơn vị quản lý công bố, toàn mạng lưới xe buýt Hà Nội có năng lực vận hành, phục vụ khoảng 1,2 triệu lượt khách mỗi ngày.

Nguyễn Trọng Phúc Hưng (17 tuổi, Hồ Tùng Mậu) lựa chọn di chuyển bằng xe buýt thay vì đặt xe ôm công nghệ hay di chuyển bằng phương tiện cá nhân. “Di chuyển bằng xe buýt không tránh khỏi tắc đường nhưng giúp tôi tránh được khói bụi và ô nhiễm không khí. Không những thế, di chuyển bằng xe buýt rẻ hơn 5-6 lần so với việc đi xe ôm công nghệ”, Hưng chia sẻ.

Hệ thống đường sắt đô thị tại Hà Nội hiện có hai tuyến đang vận hành là Tuyến 2A (Cát Linh - Hà Đông) và Tuyến 3 (Nhổn - Ga Hà Nội). Tại khu vực Vành đai 1, có 8 nhà ga nằm trực tiếp bên trong hoặc trên ranh giới là ga Cát Linh, ga Hà Nội, Trần Hưng Đạo, Cửa Nam, Điện Biên Phủ, Văn Miếu, Kim Mã, Cầu Giấy. Tuy nhiên, một số tuyến đường sắt đi qua Vành đai 1 vẫn trong quá trình thi công và chưa liên kết với nhau. Trong ảnh là Ga Cầu Giấy của tuyến Metro Nhổn - Ga Hà Nội, cạnh tuyến đường Cầu Giấy - Bưởi.

Ghi nhận tại Ga Cầu Giấy thuộc tuyến Metro Nhổn - ga Hà Nội lúc 16h15, không quá đông hành khách đứng đợi tàu, lượng khách trên tàu đông đúc nhưng không quá đột biến. Về năng lực vận hành, theo số liệu do các đơn vị quản lý công bố, hai tuyến metro hiện có tại Hà Nội vận chuyển khoảng 150.000-180.000 lượt khách/ngày.

Tình trạng tương tự diễn ra tại ga Cát Linh thuộc tuyến Metro Cát Linh - Hà Đông.

Dịch vụ xe đạp công cộng với 79 điểm trạm, 1.000 phương tiện xe (500 xe đạp điện và 500 xe đạp công cộng), được bố trí trên địa bàn 6 quận nội thành Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Thanh Xuân, Ba Đình và Tây Hồ. Các điểm xe nằm trên các tuyến đường trọng điểm trong khu vực Vành đai 1 như Xuân La, Bưởi, Cát Linh... nhưng vẫn còn ít người sử dụng. Trong ảnh, một trạm xe đạp công cộng gần khu vực Hồ Tây vắng bóng người sử dụng.

Xe điện du lịch lưu thông trên phố Hàng Đào, một con phố sầm uất ở khu vực phố cổ Hà Nội. Ngoài ra, để di chuyển và tham quan tại khu vực phố cổ, du khách có nhiều lựa chọn phương tiện như xe buýt City Tour, xích lô...

Các hoạt động đời sống, kinh tế với thương mại và dịch vụ chủ đạo trong khu vực Vành đai 1 vẫn phụ thuộc rất nhiều vào lưu thông bằng xe máy. Trong ảnh là chợ Long Biên, nằm sát tuyến đường Vành đai 1, là chợ đầu mối hoa quả, nông sản, thực phẩm lớn nhất Hà Nội. Giờ cao điểm mua bán ở chợ diễn ra từ 2h đến 4h với hàng nghìn lượt xe ra vào chợ.

Cung đường nhỏ hẹp tại chợ Long Biên với lượng phương tiện ra vào tấp nập, cản trở lưu lượng xe cộ giao thương tại đây.

Theo nội dung chỉ thị của Thủ tướng, Hà Nội triển khai các giải pháp để tổ chức, cá nhân chuyển đổi xe cộ, bảo đảm đến ngày 1/7/2026 không còn môtô, xe máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong khu vực Vành đai 1. Từ ngày 1/1/2028, ôtô cá nhân sử dụng nhiên liệu hóa thạch cũng bị hạn chế trong khu vực Vành đai 1 và Vành đai 2. Quyết sách sẽ tác động đến một vùng có diện tích khoảng 31,5 km2, nơi sinh sống của gần 600.000 người và phạm vi di chuyển của hàng triệu người tại Hà Nội.
Ngắm tuyến Vành đai 1 cấm xe máy xăng từ tháng 7/2026 Đường Vành đai 1 có vùng giao thông xung quanh lõi trung tâm dài tổng cộng khoảng hơn 30 km, tuyến đường này dự kiến áp dụng lệnh cấm mô tô, xe máy chạy xăng từ ngày 1/7/2026.