Hiệp định RCEP mang đến cơ hội và thách thức gì cho Việt Nam?
Việc tham gia Hiệp định RCEP có thể mang đến nhiều cơ hội, lợi thế cho Việt Nam, nhưng cũng kèm theo nhiều thách thức không hề nhỏ.
Sau 8 năm đàm phán kéo dài, Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đã được 15 nước, gồm: Việt Nam, Brunei, Malaysia, Singapore, Campuchia, Indonesia, Lào, Myanmar, Philippines, Thái Lan, Nhật Bản, New Zealand, Australia, Trung Quốc và Hàn Quốc, ký kết sáng 15/11.
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh sau buổi lễ ký kết Hiệp định RCEP rằng: "Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bùng phát làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và khu vực, gây ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu cùng với xu hướng bảo hộ mậu dịch đang nổi lên, việc ký kết RCEP đánh dấu mốc quan trong trong tiến trình hội nhập kinh tế của Việt Nam và tất cả các nước tham gia đàm phán Hiệp định".
Theo các phân tích, Hiệp định RCEP có thể mang đến một số cơ hội và lợi thế cho Việt Nam khi tham gia.
Thứ nhất, RCEP đưa ra các quy tắc xuất xứ nhất quán trong khu vực. Điều này có nghĩa là hàng hóa có xuất xứ một phần tại một quốc gia có thể sử dụng các quy tắc tương tự để xác định xem hàng hóa đó có thực sự xuất xứ ở đó hay không, cho dù chúng được vận chuyển đến Australia hay Việt Nam. Điều này giúp loại bỏ nhu cầu tham chiếu nhiều FTA và điều chỉnh các thủ tục khác nhau cho các quốc gia khác nhau trong RCEP đối với cùng một loại hàng hóa. Ngoài các quy tắc đơn giản hóa quy trình và chi phí xuất nhập khẩu, quy tắc xuất xứ đơn giản hóa sẽ giảm thời gian và chi phí cho các nhà xuất khẩu Việt Nam, do đó tăng tỷ suất lợi nhuận và làm cho hàng hóa Việt Nam cạnh tranh hơn trên các thị trường RCEP.
Thứ hai, Hiệp định RCEP tiêu chuẩn hóa các quy tắc liên quan đến việc duy trì cạnh tranh thương mại. Các quy định về thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp được cho phép và thực hiện nhất quán trong toàn khu vực. Điều này sẽ thay thế các biện pháp phòng vệ thương mại trong nước. Điều đặc biệt là, RCEP không tạo ra một cơ chế giải quyết tranh chấp để thách thức việc một quốc gia áp đặt các biện pháp phòng vệ thương mại đối với một quốc gia thành viên khác.
Thứ ba, RCEP xóa bỏ một số hạn chế nhất định trong lĩnh vực viễn thông, tài chính và dịch vụ chuyên nghiệp, giúp các nhà cung cấp dịch vụ của các quốc gia thành viên dễ dàng cung ứng qua biên giới ở các quốc gia thành viên khác. Việc bổ sung các mức thuế mới đối với hàng hóa bị cấm và đảm bảo đầu tư được hệ thống hóa để duy trì nguồn vốn FDI xuyên biên giới.
Bên cạnh những cơ hội, các thách thức dành cho Việt Nam khi tham gia RCEP cũng không hề nhỏ.
Thách thức thứ nhất là sức ép cạnh tranh hàng hóa. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết: "Đúng là RCEP có thể mang tới những sức ép cạnh tranh đối với hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam, bởi các nền kinh tế trong khu vực RCEP có nhiều đối tác có cơ cấu sản phẩm tương tự Việt Nam nhưng có năng lực cạnh tranh mạnh hơn, trong khi chất lượng và hàm lượng giá trị gia tăng của hầu hết sản phẩm của Việt Nam còn khiêm tốn. Vì vậy, khi RCEP đi vào hiệu lực, sức ép cạnh tranh sẽ gia tăng".
Thách thức thứ hai, cũng theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, là đầu tư vào sản xuất của Việt Nam vẫn còn phụ thuộc nhất định vào các nguồn nhập khẩu, trong khi khả năng cải thiện vị trí trong chuỗi giá trị khu vực còn hạn chế, mức độ tham gia cung cấp thương mại dịch vụ toàn cầu của Việt Nam còn khá khiêm tốn.
Tuy nhiên, ông Trần Tuấn Anh nhận định rằng: "Chúng ta cũng không lo ngại khả năng tăng nhập siêu bởi các cam kết có được cùng với quá trình tự do hóa thuế quan được thực thi nhiều năm qua thì RCEP sẽ không tạo cú sốc về giảm thuế quan với Việt Nam.
Thực tế với kinh nghiệm hội nhập quốc tế cho thấy khả năng của Việt Nam tham gia các chuỗi giá trị mới thiết lập trong khu vực. Việt Nam cũng đổi mới mạnh mẽ về thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho các hoạt động sản xuất kinh doanh và cải thiện môi trường đầu tư".