Hiệp định RCEP 'mở đường' cho hàng dệt may
Với Hiệp định RCEP, cơ hội của ngành dệt may là thị trường lớn, nhưng mức độ cam kết ít khắt khe hơn, yêu cầu cũng dễ chịu hơn so với EVFTA hay CPTPP.
Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) được ký kết vào thời điểm đại dịch Covid-19 tác động mạnh mẽ tới nền kinh tế toàn cầu, ảnh hưởng lớn đến thương mại và đầu tư, dẫn đến đổ vỡ chuỗi cung ứng. Do vậy, việc Hiệp định RCEP chính thức có hiệu lực càng trở nên đặc biệt hơn.
Các chuyên gia phân tích, Hiệp định RCEP chính thức được ký kết vừa qua với sự tham gia của 15 thành viên, tạo ra thị trường trên quy mô 2,2 tỷ người, tương đương 26.200 tỷ USD, tạo nên khu vực thuơng mại tự do lớn nhất thế giới. Với những cam kết mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, quy tắc xuất xứ giá trị trong khu vực địa lý Hiệp định RCEP cùng các biện pháp tạo thuận lợi thương mại, hiệp định này dự kiến sẽ tạo cơ hội để ngành dệt may đẩy mạnh xuất khẩu, hình thành chuỗi cung ứng.
Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) - cho biết, Hiệp định RCEP sẽ mang tới nhiều cơ hội cho ngành dệt may Việt Nam. Khác với các hiệp định khác, với Hiệp định RCEP, quy tắc xuất xứ là một “điểm cộng” tương đối dễ dàng cho doanh nghiệp Việt Nam.
Đối với Hiệp định RCEP, ngành dệt may sẽ được mở ra một thị trường lớn với mức độ cam kết ít khắt khe hơn, yêu cầu dễ chịu hơn so với Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Mặt khác, trong khối Hiệp định RCEP có một số nước là thành viên của Hiệp định CPTPP sẽ hóa giải những khó khăn, thách thức đến từ nguyên liệu "đầu vào", vì sẽ giúp bổ trợ phần nguyên liệu bị thiếu hụt trong nước hiện nay.
Đáng chú ý, Hiệp định RCEP sẽ giải quyết được một số vấn đề lớn cho doanh nghiệp ngành dệt may khi Trung Quốc bắt đầu nhập khẩu sản phẩm dệt may của Việt Nam, cơ hội rộng mở với thị trường tỷ dân này.
Ngoài ra, trong khối RCEP, Nhật Bản cũng là một thị trường tiềm năng. Nếu như trước đây, hàng may mặc vào thị trường này buộc phải chứng minh được nguyên liệu có nguồn gốc xuất xứ từ ASEAN và Nhật Bản, trong khi đó Việt Nam nhập khẩu phần lớn nguyên phụ liệu trong ngành này từ Trung Quốc. Thì đối với Hiệp định RCEP, hàng may mặc Việt Nam được sản xuất từ nguyên phụ liệu Trung Quốc cũng được hưởng ưu đãi về thuế quan khi xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.
Theo ông Giang, Hiệp định RCEP cũng sẽ tạo ra động lực phát triển công nghệ dệt may, giúp chuyển dịch cơ cấu dệt may của các nước trong khu vực vào thị trường Việt Nam và bổ sung được phần cung thiếu hụt của Việt Nam. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, nhiều doanh nghiệp khá lo ngại khi nguyên liệu từ Trung Quốc với giá rẻ sẽ tràn vào trong nước.
Các hiệp định thương mại tự do được ký kết như EVFTA, RCEP với các ưu đãi về thuế quan sẽ giúp doanh nghiệp có được lợi thế để xuất khẩu sang các thị trường, đây là "cú hích" tốt cho ngành phát triển. Do đó, để tận dụng hiệu quả của FTA này, ông Vũ Đức Giang cho rằng, doanh nghiệp dệt may cần nghiên cứu kỹ cam kết, lộ trình cắt giảm và xóa bỏ thuế quan đối với hàng dệt may. Sau đó, chủ động có kế hoạch đáp ứng quy tắc xuất xứ và nâng cao chất lượng hàng hóa, đáp ứng được yêu cầu của các thị trường nhập khẩu.
Về dài hạn, để hỗ trợ hiệu quả và gỡ bỏ vướng mắc, rào cản cho doanh nghiệp ngành dệt may trong thời gian tới, ông Giang cho biết, Vitas kiến nghị Chính phủ sớm phê duyệt chiến lược phát triển ngành đến năm 2030 tầm nhìn 2035; chỉ đạo hình thành các khu công nghiệp dệt may lớn có xử lý nước thải tập trung để thu hút các dự án đầu tư vào khâu dệt nhuộm, nhằm đáp ứng yêu cầu xuất xứ của các hiệp định thương mại thế hệ mới...
Bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) - cho biết: Nguồn cung, nguồn trung gian của phần lớn sản phẩm nhập khẩu vào Việt Nam đến từ khu vực RCEP và đầu ra của một số sản phẩm cũng ở khu vực này. Khi cả chuỗi cung ứng nằm trong cùng một khu vực và có một bộ xuất xứ hoàn chỉnh thì đó chính là lợi thế để các doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia sâu hơn, nhiều hơn, hiệu quả hơn vào các chuỗi cung ứng toàn cầu. "Lợi thế lớn nhất nhìn thấy trực tiếp đó chính là sự hài hòa về quy tắc xuất xứ để có thể tận dụng ở RCEP" - bà Trang nhấn mạnh.
Theo Bộ Công Thương, Hiệp định RCEP đặt mục tiêu cắt giảm hoặc loại bỏ thuế quan của các quốc gia thành viên áp dụng đối với khoảng 92% hàng hóa có xuất xứ trong vòng 20 năm. Đồng thời, Hiệp định RCEP hợp nhất phạm vi của các FTA ASEAN+1 hiện có (FTA của ASEAN với 5 đối tác), bao quát một cách toàn diện cả về phạm vi lẫn chiều sâu của cam kết.
Bên cạnh đó, Hiệp định RCEP bao gồm 20 chương gồm nhiều lĩnh vực mà chưa được nhắc tới trong các FTA ASEAN+1 trước đây, trong đó có các điều khoản liên quan đến thương mại hàng hóa; phòng vệ thương mại; thủ tục hải quan và tạo thuận lợi thương mại và giải quyết tranh chấp, đồng thời bổ sung các cam kết tiếp cận thị trường với quy tắc cho phép mở cửa thương mại và đầu tư.
Các chuyên gia cho rằng, điều này sẽ hỗ trợ các thành viên tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu và khu vực tạo thuận lợi cho kinh doanh, tập hợp một bộ quy tắc phát triển và mở rộng chuỗi cung ứng khu vực. Hiệp định RCEP sẽ đem đến nhiều cơ hội cho ngành dệt may Việt Nam. Thị trường các nước Hiệp định RCEP đem đến nguồn nhập khẩu nguyên phụ liệu lớn cho ngành dệt may Việt Nam, nên khi doanh nghiệp mở rộng xuất khẩu sản phẩm vào các nước thành viên sẽ rất thuận lợi trong quy tắc xuất xứ hàng hóa.
Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) là thỏa thuận giữa các quốc gia thành viên bao gồm 10 nước thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN): Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam cùng với Úc, Trung Quốc, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc. Ấn Độ cũng tham gia đàm phán hiệp định nhưng đã tuyên bố rút lui vào năm 2019. RCEP được ký kết vào ngày 15/11/2020 và chính thức có hiệu lực vào ngày 1/1/2022.
Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/hiep-dinh-rcep-mo-duong-cho-hang-det-may-284314.html