Hiệp hội Du lịch Phú Thọ: Đổi mới tư duy, liên kết hiệu quả, phát triển bền vững

Cùng với cả nước, tỉnh Phú Thọ đang triển khai nhiều hoạt động du lịch nhằm thúc đẩy ngành 'công nghiệp không khói' này nhanh chóng phục hồi sau đại dịch COVID-19. Nhiệm kỳ 2019-2024, Hiệp hội Du lịch Phú Thọ đã nỗ lực khắc phục khó khăn, giữ vững đà phát triển và không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch vùng Đất Tổ.

Lãnh đạo Hiệp hội Du lịch đồng bằng sông Cửu Long và Hiệp hội Du lịch tỉnh Phú Thọ ký kết hợp tác phát triển du lịch giai đoạn 2024-2025.

Lãnh đạo Hiệp hội Du lịch đồng bằng sông Cửu Long và Hiệp hội Du lịch tỉnh Phú Thọ ký kết hợp tác phát triển du lịch giai đoạn 2024-2025.

Được thành lập ngày 25/9/2013 theo Quyết định số 2393/QĐ-UBND của UBND tỉnh, trải qua hai kỳ đại hội, Hiệp hội đã không ngừng tăng về số lượng và chất lượng. Đến nay, Hiệp hội Du lịch Phú Thọ có 106 hội viên, gồm 86 hội viên doanh nghiệp và 20 hội viên cá nhân hội tụ đủ các ngành nghề kinh doanh du lịch gồm: 16 đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, vận chuyển khách du lịch; 22 đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh lưu trú (khách sạn, nhà nghỉ); 25 đơn vị nhà hàng; 25 đơn vị khối dịch vụ du lịch và doanh nghiệp đầu tư du lịch và đơn vị khác.

Nhiệm kỳ 2019-2024, mặc dù chịu ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19 đã gây gián đoạn cho nhiều hoạt động du lịch và dịch vụ, song nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời từ các cấp chính quyền, sự đoàn kết của các doanh nghiệp và toàn thể hội viên, Hiệp hội Du lịch Phú Thọ đã nỗ lực khắc phục khó khăn, thích ứng với tình hình, không ngừng đổi mới sản phẩm dịch vụ, tập trung đào tạo nguồn nhân lực, từng bước phục hồi và tăng trưởng dần, có những kết quả đáng ghi nhận đóng góp vào đà phục hồi tăng trưởng của du lịch Phú Thọ.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Hiệp hội Du lịch tỉnh Phú Thọ lần thứ II, nhiệm kỳ 2019-2024, thời gian qua, Hiệp hội Du lịch Phú Thọ đã không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ du lịch, tập trung xây dựng các chương trình tour mới, chú trọng phát triển sản phẩm du lịch nội tỉnh, khai thác các sản phẩm du lịch mới như du lịch sinh thái cộng đồng Xuân Sơn, Long Cốc, Thanh Thủy; du lịch học đường gắn kết các điểm du lịch lịch sử, văn hóa (Đền Hùng, Đình Hùng Lô, Miếu Lãi Lèn...) nhằm tăng sức hấp dẫn của du lịch Phú Thọ đối với du khách.

Công tác chỉ đạo, hướng dẫn hội viên thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và đề xuất cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp được Hiệp hội quan tâm và chỉ đạo sát sao. Hiệp hội đã tập trung tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật lĩnh vực du lịch, đôn đốc các đơn vị nghiên cứu thực hiện Luật Du lịch, chấp hành các quy định khác trong hoạt động kinh doanh tới các cơ sở lưu trú và lữ hành. Tích cực tham gia các hội thảo; tham gia Phiên hiến kế về Du lịch do Hiệp hội Du lịch Việt Nam chủ trì và phiên tổng thể Diễn đàn kinh tế tư nhân Việt Nam 2019 do Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương chủ trì...

Lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Hiệp hội du lịch tỉnh trao chứng nhận cho các đơn vị tham gia hội thi Nghề Du lịch tỉnh năm 2023.

Lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Hiệp hội du lịch tỉnh trao chứng nhận cho các đơn vị tham gia hội thi Nghề Du lịch tỉnh năm 2023.

Để đưa ngành “công nghiệp không khói” đến với du khách trong và ngoài nước, Hiệp hội đã xúc tiến quảng bá và xúc tiến đầu tư; chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyên truyền, quảng bá. Thường xuyên vận động doanh nghiệp đẩy mạnh tuyên truyền qua các trang thông tin điện tử như website của Trung tâm Thông tin & Xúc tiến Du lịch Phú Thọ, Cổng giao tiếp điện tử Phú Thọ, website du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng, website kích cầu du lịch của Tổng cục Du lịch...

Đồng thời vận động hội viên tích cực tuyên truyền giới thiệu sản phẩm dịch vụ tại các sự kiện lớn như: Hội chợ Du lịch quốc tế VITM - Hanoi hàng năm, Hội chợ Du lịch quốc tế ITE thành phố Hồ Chí Minh, sự kiện du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng hàng năm tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương như “Ngày hội Du lịch thành phố Hồ Chí Minh”, “Sắc màu Sơn La- Tây Bắc” tại Hà Nội, “Ngày hội Khuyến mại Du lịch” với chủ đề “Khám phá vẻ đẹp Việt Nam”... Các sự kiện này thu hút hàng nghìn lượt khách du lịch, doanh nghiệp du lịch, người mua đến tham quan, ghi hình, góp phần quảng bá hình ảnh du lịch Phú Thọ đến với đông đảo du khách trong và ngoài nước.

Hàng năm, Hiệp hội thường xuyên phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức các chương trình kích cầu du lịch vào các tháng thấp điểm, tổ chức các chương trình ký kết hợp tác với các CLB lữ hành và Hiệp hội Du lịch các tỉnh; tổng hợp các gói kích cầu của các đơn vị, giới thiệu tới các cơ quan, ban ngành, địa phương tỉnh Phú Thọ và gửi tới Hiệp hội các tỉnh, thành trong cả nước nhằm tuyên truyền sâu rộng về chương trình tới các đối tượng khác nhau, góp phần quảng bá hình ảnh các đơn vị tới du khách các tỉnh, thành trong cả nước đồng thời gia tăng hiệu quả hoạt động của các đơn vị mùa thấp điểm.

Công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch cũng luôn được chú trọng. Hiệp hội đã phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức đào tạo cho hơn 300 lượt học viên là cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhân viên lễ tân, nhân viên buồng, nhân viên nhà hàng, các hộ kinh doanh homestay... tham gia các khóa huấn luyện về nghiệp vụ du lịch như: Lễ tân nhà hàng, khách sạn, nghiệp vụ bàn, phục vụ bàn và tiếng Anh cho các hộ kinh doanh homestay tại Xuân Sơn, Long Cốc...

Phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức thành công Hội thi Tay nghề Du lịch tỉnh Phú Thọ lần thứ hai với sự tham dự của 15 đội với 45 thành viên là người lao động đang làm việc tại các đơn vị kinh doanh dịch vụ nhà hàng, khách sạn, homestay và giảng viên, sinh viên, học viên tại các trường, cơ sở đào tạo nghề du lịch trên địa bàn tỉnh nhằm góp phần tạo cơ hội, giao lưu nghề nghiệp, học tập trao đổi kinh nghiệm, nâng cao tay nghề và kỹ thuật nghiệp vụ du lịch, khuyến khích người lao động sáng tạo, yêu nghề, xây dựng hình ảnh du lịch Phú Thọ chuyên nghiệp, hấp dẫn.

Cùng với quảng bá, xúc tiến thương mại giới thiệu tiềm năng du lịch Phú Thọ, các dự án kêu gọi đầu tư, chương trình xúc tiến điểm đến, Hiệp hội cũng chú trọng định hướng và vận động hội viên đầu tư phát triển đa dạng các loại hình du lịch và xây dựng giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch. Các cơ sở lưu trú quan tâm đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật đảm bảo các tiêu chuẩn xếp hạng cao đáp ứng nhu cầu phục vụ khách du lịch như: Khu du lịch Vườn Vua, Whyndham Thanh Thủy, Khách sạn Kim Cương - Khu du lịch Đảo Ngọc Xanh, Khách sạn Sojo...

Nhiều đơn vị nhà hàng cũng đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, mở rộng thêm không gian và thường xuyên đổi mới các món ăn, nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ thực khách (Trung tâm Sự kiện Tiệc cưới Sen Vàng Palace, Trung tâm Tiệc cưới Khách sạn Kiều Anh, Nhà hàng sinh thái Sông Vàng, Nhà hàng Long Gia Quán,...).

Các đơn vị lữ hành tập trung xây dựng các chương trình tour mới, chú trọng phát triển sản phẩm du lịch nội tỉnh, khai thác các sản phẩm du lịch mới như du lịch sinh thái cộng đồng Xuân Sơn, Long Cốc, Thanh Thủy, du lịch học đường gắn kết các điểm du lịch lịch sử, văn hóa (Đền Hùng, Đình Hùng Lô, Miếu Lãi Lèn...) nhằm tăng sức hấp dẫn của du lịch Phú Thọ đối với du khách.

Chương trình nghệ thuật “Đêm di sản văn hóa” trong chương trình kích cầu Du lịch Phú Thọ năm 2023, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, thu hút du khách.

Chương trình nghệ thuật “Đêm di sản văn hóa” trong chương trình kích cầu Du lịch Phú Thọ năm 2023, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, thu hút du khách.

Hội viên Hiệp hội không chỉ hoạt động kinh doanh đúng pháp luật, kinh doanh hiệu quả, giải quyết việc làm mà còn tích cực tham gia các cuộc vận động nhân đạo từ thiện, an sinh xã hội tại địa phương. Trong nhiều năm qua, các hội viên của Hiệp hội luôn chú trọng tới công tác nhân đạo, từ thiện, giúp đỡ đồng bào gặp thiên tai, bão lũ, tích cực ủng hộ cho các quỹ tại địa phương hàng chục tỷ đồng mỗi năm...

Với mục tiêu hỗ trợ các đơn vị hội viên phát triển góp phần đưa Phú Thọ trở thành điểm đến hấp dẫn, thân thiện và giàu bản sắc vùng Đất Tổ, bước vào nhiệm kỳ 2024-2029, Hiệp hội Du lịch Phú Thọ tập trung công tác kiện toàn tổ chức hội, gắn kết hội viên tạo nên sức mạnh tập thể, tương trợ lẫn nhau cùng phát triển; tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực cho nhân viên và cấp quản lý hướng tới chuyên nghiệp, chuyên môn hóa; đổi mới hoạt động xúc tiến, tuyên truyền, quảng bá tiềm năng và sản phẩm dịch vụ, hướng tới công nghệ số hóa để đưa Du lịch bắt kịp xu thế mới. Cùng với đó, tạo phong trào thi đua trong công tác đổi mới sản phẩm, nâng cao chất lượng dịch vụ, nâng cao năng lực cạnh tranh, xây dựng thương hiệu; tăng cường liên kết hợp tác với các địa phương có thế mạnh phát triển du lịch, tích cực tham gia các hoạt động của Cụm Hiệp hội các tỉnh, thành phía Bắc, Khối Hợp tác phát triển Du lịch 8 tỉnh để nâng cao vị thế Du lịch Phú Thọ.

Năm 2024, ngành du lịch Phú Thọ ước đón 6,63 triệu khách, trong đó ước đón 923 nghìn lượt khách lưu trú tại 381 cơ sở lưu trú du lịch với 50 khách sạn, 39 đơn vị lữ hành nội địa và 6 đơn vị lữ hành quốc tế; nguồn lao động trực tiếp 4.650 người; doanh thu ước đạt 4.130 tỷ đồng.

Trần Thanh Sơn

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Phú Thọ

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/hiep-hoi-du-lich-phu-tho-doi-moi-tu-duy-lien-ket-hieu-qua-phat-trien-ben-vung-224553.htm