Thông điệp mạnh mẽ về khơi thông điểm nghẽn, tạo nguồn lực cho phát triển
Sau khi Tổng Bí thư Tô Lâm thẳng thắn chỉ ra 'thể chế là điểm nghẽn của điểm nghẽn', thông điệp mạnh mẽ của người đứng đầu đất nước được lan tỏa rất tích cực, trách nhiệm. Những kết quả bước đầu đã sáng rõ, chỉ dấu cho sự đổi mới mạnh mẽ về công tác lập pháp, tạo điều kiện gốc rễ, nền tảng cho sự phát triển của đất nước trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Sáng 21-10, phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm sau khi điểm lại những kết quả đạt được từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đã “thẳng thắn nhìn nhận trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội vẫn còn có những tồn tại, hạn chế, cần sớm được khắc phục. Trong 3 điểm nghẽn lớn nhất hiện nay là thể chế, hạ tầng và nhân lực thì thể chế là điểm nghẽn của điểm nghẽn, chất lượng xây dựng, hoàn thiện pháp luật chưa đáp ứng nhu cầu của thực tiễn, một số luật mới ban hành đã phải sửa đổi, các quy định chưa thực sự đồng bộ còn chồng chéo, nhiều quy định còn khó khăn, cản trở việc thực thi, gây thất thoát, lãng phí các nguồn lực, chưa tạo môi trường thực sự thuận lợi để thu hút các nguồn lực của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, khơi thông nguồn lực ở trong dân”.
Kể từ thời điểm này, câu chuyện về điểm nghẽn thể chế thu hút sự chú ý của toàn Đảng, toàn dân, được luận bàn sôi nổi trong xã hội. Bài phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm như một hồi chuông gióng lên khẩn thiết không chỉ về điểm nghẽn mà còn chỉ rõ thực trạng, những mối nguy hại mà điểm nghẽn thể chế gây ra và quyết tâm cao độ để khơi thông điểm nghẽn, tạo nguồn lực cho sự phát triển. Đây là một thông điệp hết sức mạnh mẽ, hiếm có trong lịch sử nước nhà, khiến mỗi cán bộ, đảng viên đều cảm thấy có trách nhiệm khi để điểm nghẽn hình thành, tồn tại dai dẳng, gây những sức ỳ, lực cản cho sự phát triển. Bởi hầu hết chúng ta đều nhận thức được rằng, một khi hệ thống các nguyên tắc, quy định, luật lệ được ban hành mà không tạo điều kiện soi đường, chỉ lối cho người dân, doanh nghiệp thực hiện thì chắc chắn còn tồn tại những vướng mắc, nút thắt, thậm chí là những “chiếc bẫy” gây khó khăn, cản trở, kìm hãm, kéo lùi sự phát triển, sự thượng tôn pháp luật, không chỉ gây ức chế cho người dân, doanh nghiệp mà còn gây lãng phí các nguồn lực rất lớn trong dân, trong xã hội.
Có thể khẳng định rằng, sự thẳng thắn trong bài phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm từ việc dũng cảm chỉ ra điểm nghẽn cốt tử là thể chế, đến những hạn chế cụ thể của hệ thống pháp luật, không chỉ ở khâu thực thi và yêu cầu cấp thiết phải thực thi, hành động để khơi thông điểm nghẽn. Tổng Bí thư chỉ rõ, thủ tục hành chính còn rườm rà, dịch vụ công chưa thuận tiện, thông suốt; phân cấp, phân quyền chưa triệt để, chưa rõ trách nhiệm. Bộ máy hành chính còn cồng kềnh, chồng lấn, chưa thực sự hiệu lực, hiệu quả quản lý... Chính vì vậy, khi “nhấn mạnh 3 vấn đề”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho rằng: “Một là, đổi mới mạnh mẽ công tác lập pháp, trong đó: (i) Chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển. Tư duy quản lý không cứng nhắc, dứt khoát từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”... (iii) Đổi mới quy trình xây dựng, tổ chức thực hiện pháp luật. Bám sát thực tiễn, đứng trên mảnh đất thực tiễn Việt Nam để xây dựng các quy định pháp luật phù hợp; vừa làm vừa rút kinh nghiệm; không nóng vội, nhưng cũng không cầu toàn, để mất thời cơ; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể; thường xuyên đánh giá hiệu quả, chất lượng chính sách sau ban hành để kịp thời điều chỉnh bất cập, mâu thuẫn, giảm thiểu thất thoát, lãng phí các nguồn lực; chủ động phát hiện và tháo gỡ nhanh nhất những “điểm nghẽn” có nguyên nhân từ các quy định của pháp luật”.
“Đổi mới mạnh mẽ công tác lập pháp”, “dứt khoát từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm””, “bám sát thực tiễn, đứng trên mảnh đất thực tiễn Việt Nam”, “vừa làm vừa rút kinh nghiệm; không nóng vội, nhưng cũng không cầu toàn, để mất thời cơ”... Những thông điệp mạnh mẽ, sát đúng, phù hợp lòng dân ấy thực sự khơi nguồn cho công cuộc khơi thông điểm nghẽn của điểm nghẽn, khiến mỗi người dân, từng cán bộ, đảng viên, đặc biệt là những người đứng đầu cảm thấy phải có trách nhiệm trong thực thi, hành động, sẵn sàng đón nhận, hóa giải những áp lực về cải cách hệ thống pháp luật Việt Nam.
Điểm nghẽn cốt tử, mấu chốt đã được xác định rõ ràng, xác đáng, không lý gì mà không thể thực thi, không thể tìm ra giải pháp chính xác. Chỉ có thực thi chúng ta mới không tiếp tục gây lãng phí nguồn lực bị ứ đọng trong dân, trong xã hội. Chỉ có thực thi, chúng ta mới có thể khơi thông dòng chảy nguồn lực, không bỏ lỡ những cơ hội, tạo điều kiện tiên quyết cho sự phát triển. Những điểm nghẽn cụ thể, phổ biến, tồn tại lâu nay ở đất nước ta cũng đã được chỉ ra và giờ là lúc phải tháo gỡ. Đó chính là việc “cởi trói” cho hàng ngàn dự án đang “treo” trên khắp cả nước do pháp luật chồng lấn, không tương thích. Đó có thể là sự lãng phí rất lớn tài sản công, nguồn lực của nhân dân mà không thấy ai phải chịu trách nhiệm, suốt năm này qua năm khác. Đó có thể là việc tinh giản bộ máy hành chính trong suốt thời gian dài chưa tạo được sự chuyển biến căn bản, khiến còn những sự chồng chéo, cồng kềnh, còn xuất hiện tình trạng cán bộ “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”, gây phiền nhiễu, hành dân, doanh nghiệp...
“Thực tiễn nóng bỏng của đất nước đang đặt ra những vấn đề cấp bách cần giải quyết. Nhân dân đang mong chờ và kỳ vọng vào những quyết sách của Đảng, Nhà nước và Quốc hội”, Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ và đặt quyết tâm thay đổi rất mạnh mẽ của mỗi cán bộ, đảng viên, của cả hệ thống chính trị. Việc khơi thông điểm nghẽn của điểm nghẽn được Tổng Bí thư Tô Lâm nhắc lại nhiều lần trong những bài phát biểu, trao đổi, bài viết sau đó. Tại buổi trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam” vào chiều 25-11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu đột phá mạnh mẽ hơn về thể chế phát triển, tháo gỡ điểm nghẽn, rào cản. Trong đó lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, huy động, khơi thông mọi nguồn lực bên trong, bên ngoài, nguồn lực trong dân... Ngày 1-12, tại hội nghị toàn quốc trực tiếp và trực tuyến với sự tham dự của hơn 1,3 triệu đại biểu nhằm quán triệt triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, tình hình kinh tế - xã hội năm 2024, giải pháp tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 và tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt về thể chế, Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị: “Cần tiếp tục tạo đột phá hơn nữa về thể chế, tháo gỡ hết các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn để khơi thông mọi nguồn lực và cải cách hành chính mạnh mẽ, kiến tạo môi trường thuận lợi để phát triển. Tôi ghi nhận kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV vừa qua bước đầu có sự đổi mới tư duy sâu sắc trong xây dựng pháp luật, với 7 luật, 4 nghị quyết được thông qua, trong đó có 1 luật sửa 4 luật, 1 luật sửa 9 luật để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn. Tuy nhiên, đây mới là kết quả bước đầu, phía trước còn rất nhiều việc phải làm để khơi thông “điểm nghẽn của điểm nghẽn này””.
Rõ ràng là Quốc hội đã lập tức quán triệt tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, với “tư duy và phương thức tiến hành công tác lập pháp cũng được đổi mới sâu sắc theo hướng các luật ngắn gọn, rõ ràng; tăng cường phân cấp, phân quyền, cải cách hành chính; chuyển mạnh từ luật thiên về quản lý sang kết hợp hài hòa giữa quản lý có hiệu quả với kiến tạo phát triển, khuyến khích đổi mới sáng tạo, kiên quyết từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm””, như Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn thông báo. Tín hiệu hết sức tích cực thì việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật đã sáng rõ, cụ thể, với một luật sửa nhiều luật, các luật ngắn gọn, rõ ràng... Đây là bước tiến cụ thể đầu tiên đầy khích lệ, đáng trông đợi, hy vọng trong công tác lập pháp của Quốc hội. Từ những sự khơi thông điểm nghẽn đầy trách nhiệm, thể hiện sự quyết tâm nhanh chóng, cao độ, hiệu quả ấy, những điểm nghẽn khác trong xã hội, dù ở bất cứ lĩnh vực nào, chắc chắn cũng sẽ được hóa giải, để mọi nguồn lực trong xã hội được khơi thông, tạo điều kiện phát triển, góp phần vững chắc xây dựng đất nước phồn thịnh, hùng cường, đời sống nhân dân ấm no, hạnh phúc.