Hiệp hội Logistics Việt Nam thành lập tổ phản ứng nhanh tiếp nhận ý kiến doanh nghiệp

Hiệp hội Doanh nghiệp Logistics Việt Nam quyết định thành lập Tổ phản ứng nhanh của hiệp hội để xử lý với những biến động trên thị trường.

Sáng 5/4, thông tin đến phóng viên Báo Công Thương, Hiệp hội Doanh nghiệp Logistics Việt Nam (VLA) cho biết, VLA đã có văn bản số: 21/CV-VPHH ngày 04 tháng 4 năm 2025 gửi Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đề xuất giải pháp về thuế trước những biến đông của thị trường.

Theo VLA, ngày 2/4/2025, Chính phủ Hoa Kỳ đã công bố mức thuế đối ứng cao nhất lên tới 46% đối với một số mặt hàng xuất khẩu từ Việt Nam.

Đánh giá của VLA cho thấy: “Trong bối cảnh khó khăn chung, chúng tôi nhận thấy đây cũng là một cơ hội để tái cấu trúc chuỗi cung ứng, hướng đến phát triển bền vững trong quan hệ kinh tế Việt - Mỹ. Đồng thời, phát huy vai trò trung tâm của Việt Nam tại khu vực Thái Bình Dương thông qua chiến lược “ngoại giao chuỗi cung ứng” và “quốc gia thương mại tự do” - VLA khẳng định.

Ngày 3/4/2025, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu thành lập tổ công tác phản ứng nhanh nhằm tiếp nhận ý kiến doanh nghiệp, đặc biệt từ các doanh nghiệp xuất khẩu lớn. Với nhận thức rõ ràng về vai trò, trách nhiệm và năng lực đóng góp của ngành logistics, VLA xác định cần thiết phải tham gia sâu vào tiến trình này.

VLA đã quyết định thành lập Tổ phản ứng nhanh của hiệp hội để xử lý những biến động trên thị trường. Ảnh: Cấn Dũng

VLA đã quyết định thành lập Tổ phản ứng nhanh của hiệp hội để xử lý những biến động trên thị trường. Ảnh: Cấn Dũng

Trên cơ sở đó, VLA đã quyết định thành lập Tổ phản ứng nhanh của hiệp hội về thuế đối ứng, thành phần gồm Ban lãnh đạo hiệp hội, các ban chuyên môn và doanh nghiệp chủ lực để xử lý tình huống đặc biệt này.

Tên tiếng Anh: VLA Taskforce on Reciprocal Tariffs (VLA – TRT). Là tổ chức đại diện ngành logistics, với vai trò tư vấn chính sách và cung cấp giải pháp logistics/quản lý chuỗi cung ứng, Hiệp hội VLA đề xuất Thủ tướng Chính phủ các nội dung cụ thể như sau:

Thứ nhất, tổ chức đánh giá nhanh và công bố danh mục ngành có nguy cơ cao: Sử dụng dữ liệu từ hải quan, thuế, logistics để xác định các ngành/sản phẩm có nguy cơ chịu tác động nặng. Phân tích chuỗi cung ứng (dòng hàng, dòng tiền, dòng thông tin) để thiết kế các gói hỗ trợ linh hoạt theo từng ngành.

Thứ hai, thiết lập “Hành lang xuất khẩu tiêu chuẩn cao” (High Standard Export Corridor), kết hợp chứng nhận xuất xứ, truy xuất nguồn gốc, tiêu chuẩn xanh, kiểm định chất lượng, an ninh chuỗi cung ứng. Hình thành hành lang xuất khẩu tích hợp cả trực tuyến và trực tiếp.

Thứ ba, thành lập Tổ công tác đặc biệt về đa dạng hóa thị trường xuất khẩu (Go-to-Market Task Team): Mở rộng thị trường sang Trung Đông, Ấn Độ, Đông Âu, châu Phi - nơi ít bị ảnh hưởng bởi chính sách Hoa Kỳ. Xây dựng các trung tâm xúc tiến xuất khẩu tại UAE, Bulgaria, Ấn Độ.

Thứ tư, về trung - dài hạn, tái định hướng FDI vào chuỗi sản xuất thực chất: Yêu cầu công bố chuỗi cung ứng và nguồn nguyên liệu của các doanh nghiệp FDI, tránh bị quy kết là “gia công trá hình”. Thu hút FDI vào ngành công nghiệp hỗ trợ, chế biến sâu, công nghệ sạch.

Thứ năm, tham gia tổ thường trực Phản ứng nhanh của Chính phủ về thuế đối ứng, thành phần gồm: Đại diện Chính phủ (đã được Thủ tướng phân công); các doanh nghiệp bị ảnh hưởng/tác động nặng nề (sẽ cùng các bộ, ngành xác định); Hiệp hội VLA ( đại diện ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng).

VLA khẳng định sẽ sẵn sàng tham gia tư vấn, phản biện và đồng hành cùng Chính phủ, các bộ, ngành trong việc ứng phó linh hoạt với các chính sách bất lợi từ bên ngoài, nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia và cộng đồng doanh nghiệp.

Bảo Ngọc

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/hiep-hoi-logistics-viet-nam-thanh-lap-to-phan-ung-nhanh-tiep-nhan-y-kien-doanh-nghiep-381625.html