Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ là nguyên tắc quan trọng trong đầu tư

Làm thế nào để hoàn thiện thể chế nhằm hiện thực hóa nguyên tắc: Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ trong lĩnh vực đầu tư trực tiếp là chủ đề hội thảo do Báo Pháp luật Việt Nam phối hợp Tạp chí Pháp luật và Phát triển (Hội Luật gia Việt Nam) tổ chức ngày 5-4 tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: PV

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: PV

Tại hội thảo, các ý kiến thảo luận dành sự quan tâm đặc biệt cho vấn đề giải quyết các tranh chấp; đề xuất giải pháp thu hút dòng vốn.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Phạm Đức Ấn, hội thảo có cách tiếp cận rất mới, rất sáng tạo đối với nguyên tắc lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.

Ông Phạm Đức Ấn khẳng định, nguyên tắc này càng trở nên hữu ích khi pháp luật sẽ không có quy định quá chi tiết và sẽ giành quyền cho địa phương theo tinh thần “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”.

Với Quảng Ninh, quý I-2025, địa phương đã tăng trưởng 10,91%, đứng thứ 7 cả nước, đạt yêu cầu đề ra. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, nhất là việc đánh thuế đối ứng của Hoa Kỳ có những ảnh hưởng trực tiếp đến tỉnh vì có nhiều sản phẩm xuất khẩu sang Hoa Kỳ, có thể tác động lớn đến tăng trưởng kinh tế.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Phạm Đức Ấn phát biểu tại hội thảo. Ảnh: PV

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Phạm Đức Ấn phát biểu tại hội thảo. Ảnh: PV

Cũng tại hội thảo, các đại biểu cùng trao đổi, thảo luận các vấn đề xoay quanh việc xác định nội hàm và giá trị của nguyên tắc "Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ" trong thu hút đầu tư để phát triển đất nước trong bối cảnh có nhiều biến động về hoạt động đầu tư trong nước và trên thế giới; thời cơ và thách thức, nhất là từ những yếu tố bất lợi bên ngoài và nội tại trong nước đã kéo dài nhiều năm trong pháp luật Việt Nam hiện hành.

Khảo sát sơ bộ gần đây nhất của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (nay là Viện Nghiên cứu chính sách và chiến lược) và các ý kiến phản ánh tại hội thảo cho thấy số lượng ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện tuy giảm về hình thức nhưng nội hàm của ngành nghề mở rộng hơn, bao trùm hơn.

Đơn cử, danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư 2014 quy định “Nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng động vật hoang dã thông thường”; đến Luật Đầu tư 2020, ngành nghề này được rút ngắn với nội dung: “Nuôi động vật rừng thông thường”. Hay như nghề “Kinh doanh dịch vụ khảo nghiệm thức ăn thủy sản” là ngành nghề kinh doanh có điều kiện của Luật 2014; đến Luật 2020 thì ngành nghề này mở rộng thêm: “Kinh doanh dịch vụ khảo nghiệm thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi”. Thậm chí trên thực tế, số lượng ngành nghề cụ thể có quy định về điều kiện kinh doanh tại pháp luật chuyên ngành lớn hơn nhiều con số 227 ngành nghề theo Danh mục của Luật Đầu tư 2020...

Thực tế này đòi hỏi cuộc cách mạng về cải cách điều kiện đầu tư, kinh doanh lần thứ 4 phải được tiếp tục theo hướng thực chất, không chạy theo số lượng. Ngay từ bây giờ các bộ, ngành có chức năng phải khẩn trương rà soát và đề xuất loại bỏ các điều kiện đầu tư, kinh doanh có nội hàm quy định còn chung chung, không hợp lý, thiếu rõ ràng, khó xác định, không cần thiết, không hợp lý, không có ý nghĩa và hiệu quả về quản lý nhà nước đã gây cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Hà Phong

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/loi-ich-hai-hoa-rui-ro-chia-se-la-nguyen-tac-quan-trong-trong-dau-tu-698013.html