Hiệp ước dầu mỏ Mỹ - Ả Rập Xê út có khả năng đổ vỡ khi OPEC+ đồng lòng hơn
Liên minh dầu mỏ OPEC+ có khả năng gây nhiều áp lực cho giá dầu thế giới, làm tăng khả năng xảy ra suy thoái kinh tế và lạm phát tăng cao.
Quyết định cắt giảm sản lượng dầu thô của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) trong tháng này đã thể hiện rõ điều đó. Sau khi OPEC+ thông báo cắt giảm hơn 1 triệu thùng dầu mỗi ngày từ tháng 5, giá dầu thô tăng vọt thêm 5,2%, đồng nghĩa với việc rủi ro suy thoái kinh tế lớn hơn và lạm phát sẽ cao hơn. Nhưng, quan trọng hơn là động thái của OPEC+ nói lên xu hướng giá dầu có thể xảy ra trong những năm tới.
Trong một thế giới của các liên minh địa chính trị đang thay đổi, Ả Rập Xê út đang rời xa quỹ đạo của Mỹ. Nước này chuyển sang phối hợp với Nga. Nói cách khác, ảnh hưởng của phương Tây đối với OPEC+ đang ở mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ.
Tất cả các thành viên OPEC + đều có những ưu tiên của riêng họ, từ kế hoạch đầy tham vọng của Thái tử Ả Rập Xê út Mohammed Bin Salman nhằm tái tạo nền kinh tế của mình, cho đến chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine.
Khi được hỏi về những lo ngại của Mỹ rằng OPEC + đã hai lần quyết định cắt giảm sản lượng kể từ chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden tới Ả Rập Xê út, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, Nhà Trắng đang tập trung vào việc giữ giá năng lượng trong nước và đảm bảo an ninh năng lượng của Mỹ. Người phát ngôn cho biết, Mỹ coi việc cắt giảm sản lượng là không nên làm do thị trường đang tiếp tục biến động, nhưng sẽ chờ xem OPEC+ cuối cùng sẽ có hành động gì.
Trong khi một số nhà phân tích cho rằng đợt tăng giá gần đây của dầu có thể chỉ là thoáng qua, hầu hết các phân tích đều dự đoán giá dầu sẽ neo ở mức trên 80 USD/thùng trong những năm tới, cao hơn nhiều so với mức giá trung bình 58 USD/thùng trong giai đoạn 2015-2021.
Thị trường dầu thô đã trải qua 18 tháng đầy biến động, với ba giai đoạn chính
Cuộc xung đột Ukraine và Nga đã khiến giá dầu tăng vọt, chạm mức khoảng 120 USD một thùng vào tháng 6 năm 2022.
Sau đó, xu hướng này đã bị đảo ngược. Những lo ngại về suy thoái kinh tế ở châu Âu, lãi suất tăng nhanh ở Mỹ và các hạn chế do Covid-19 của Trung Quốc kết hợp lại đã đẩy giá xuống khoảng 75 USD vào tháng 12/2022.
Nhu cầu bắt đầu tăng vào đầu năm 2023, phần lớn là do việc mở cửa trở lại ở Trung Quốc - nhà nhập khẩu lớn nhất thế giới. Dù cuộc khủng hoảng ngân hàng vào tháng trước đã ngăn chặn đà tăng, nhưng nó đã nhanh chóng trở lại xu hướng tăng ngay cả trước khi OPEC+ bất ngờ cắt giảm sản lượng.
Trong tháng 3 đã chứng kiến mức giảm sản lượng chung lớn nhất trong 10 tháng qua của OPEC+, với mức giảm 680.000 thùng/ngày xuống 37,64 triệu thùng/ngày. Trong đó, theo Energy Intelligence, sự sụt giảm sản lượng dầu của Nga và Nigeria chiếm 440.000 thùng/ngày, tương đương 2/3 sản lượng sụt giảm trong tháng 3 của OPEC+.
Đối với nền kinh tế toàn cầu, nguồn cung dầu thấp hơn và giá cao hơn là một tin xấu, trong khi các nhà xuất khẩu lớn là những người chiến thắng lớn. Đối với các nhà nhập khẩu, giống như hầu hết các nước châu Âu, năng lượng đắt đỏ hơn là một đòn kép đánh vào tăng trưởng kinh tế cùng với lạm phát gia tăng.
Mô hình SHOK của Bloomberg Economics dự đoán rằng, cứ mỗi 5 USD giá dầu tăng, lạm phát của Mỹ sẽ tăng 0,2% - không phải là một thay đổi đáng kể, nhưng vào thời điểm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang vật lộn để kiểm soát giá cả, đây cũng không phải là một thay đổi đáng hoan nghênh.
Có ba lý do chính khiến nhiều cú sốc như vậy có thể xảy ra: Sự thay đổi địa chính trị, sự phát triển của dầu đá phiến và sự phung phí chi tiêu của Ả Rập Xê út.
Trong nhiều thập kỷ, hiệp ước “dầu mỏ vì an ninh” giữa Mỹ và Ả Rập Xê út đã trở thành trụ cột của thị trường năng lượng. Từ cuộc gặp năm 1945 giữa Tổng thống Franklin D. Roosevelt và Quốc vương Abdul Aziz Ibn Saud, trên một tàu tuần dương của Mỹ ở Kênh đào Suez, thỏa thuận này đã cho phép Mỹ tiếp cận dầu mỏ của Ả Rập Xê Út để đổi lấy việc đảm bảo an ninh cho vương quốc.
Tháng trước, Ả Rập Xê út và Iran đã đồng ý khôi phục quan hệ ngoại giao trong một thỏa thuận do Trung Quốc làm cầu nối và được ký kết tại Bắc Kinh.
Chính phủ Ả Rập Xê út cũng đã đồng ý tham gia Tổ chức Hợp tác Thượng Hải - một nhóm do Trung Quốc và Nga đứng đầu với tư cách là một “thành viên đối thoại”. Các quan chức Ả Rập Xê út cho biết, động thái này được thúc đẩy bởi các ưu tiên quốc gia hơn là bất kỳ chương trình nghị sự ngoại giao nào.
Cựu cố vấn Bộ dầu mỏ Ả Rập Xê út, Mohammad Al Sabban, cho biết: “OPEC+ hiện tại và trong quá khứ đã thành công trong việc ổn định thị trường dầu mỏ, và điều này không liên quan gì đến chính trị".
Trong quá khứ, OPEC+ thường bị giằng xé giữa việc họ muốn giá cao, nhưng lại lo lắng rằng chúng sẽ thu hút thêm sự cạnh tranh, đặc biệt là từ dầu đá phiến của Mỹ. Sự bất đồng đó là nguyên nhân dẫn đến cuộc chiến giá cả giữa Nga và Ả Rập Xê Út vào năm 2020, cuộc chiến này đã kết thúc khi Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là ông Donald Trump làm trung gian cho một cuộc hòa giải.