Hiệp ước Tương lai: Cần cụ thể hóa bằng hành động

Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) đã thông qua Hiệp ước Tương lai – một văn kiện đầy tham vọng cam kết hành động hướng tới một thế giới tốt đẹp hơn cho các thế hệ mai sau trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với ngày càng nhiều thách thức. Văn bản này đặt ra nhiệm vụ cho các nhà lãnh đạo của 193 quốc gia thành viên biến những lời hứa thành hành động để thực sự tạo nên sự khác biệt cho thế giới.

Đưa chủ nghĩa đa phương trở lại

Văn bản dài 42 trang được 193 thành viên của Đại hội đồng LHQ thông qua nêu rõ 56 hành động, bao gồm cam kết thúc đẩy nhanh hơn nữa việc đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) của LHQ và các nỗ lực mới của Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu; các cam kết về chủ nghĩa đa phương, duy trì Hiến chương LHQ và gìn giữ hòa bình. Hiệp ước cũng kêu gọi cải cách các tổ chức tài chính quốc tế và Hội đồng Bảo an LHQ, thúc đẩy giải trừ quân bị và định hướng phát triển trí tuệ nhân tạo Văn bản này đề cập đến việc giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của xung đột và đẩy nhanh các cam kết về quyền con người, bao gồm quyền của phụ nữ.

Hiệp ước bao gồm cả hai phụ lục, được gọi là Thỏa thuận Kỹ thuật số toàn cầu và Tuyên bố về các thế hệ tương lai, với mục tiêu thúc đẩy quá trình ra quyết định quốc gia và quốc tế tập trung vào việc đảm bảo phúc lợi cho các thế hệ mai sau.

 Các thành viên LHQ tham dự Hội nghị thượng đỉnh Tương lai, thông qua Hiệp ước Tương lai ngày 22.9. Ảnh: UN News

Các thành viên LHQ tham dự Hội nghị thượng đỉnh Tương lai, thông qua Hiệp ước Tương lai ngày 22.9. Ảnh: UN News

Chủ tịch Đại hội đồng LHQ Philémon Yang nhấn mạnh tương lai của chúng ta "nằm trong tay chúng ta". Ông Yang cho hay thế giới đang đứng trước ngã ba đường, đối mặt với những thách thức đòi hỏi hành động tập thể, dù vậy "vẫn còn hy vọng... vì những thách thức đi kèm với cơ hội" và một tương lai tươi sáng hơn "đang trong tầm tay". Theo ông Yang, Hiệp ước Tương lai vừa được thông qua không chỉ giải quyết các cuộc khủng hoảng hiện tại mà còn đặt nền tảng cho một trật tự mới hòa bình cho tất cả các quốc gia.

Trong khi đó, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres mô tả là Hiệp ước là thỏa thuận mang tính bước ngoặt, là “bước chuyển hướng tới chủ nghĩa đa phương hiệu quả hơn, toàn diện hơn và kết nối hơn”. “Thế giới của chúng ta đang trải qua thời kỳ hỗn loạn và thời kỳ chuyển đổi, nhưng chúng ta không thể chờ đợi để thế giới trở nên hoàn hảo. Chúng ta phải thực hiện những bước đi quyết định đầu tiên hướng tới hiện đại hóa và cải cách hình thức hợp tác quốc tế", Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres cho biết. “Chúng tôi ở đây để đưa chủ nghĩa đa phương trở lại từ bờ vực thẳm”, ông Antonio Guterres nói với các nhà lãnh đạo thế giới nhóm họp tại trụ sở LHQ ở New York. “Bây giờ, vận mệnh chung của chúng ta là cùng nhau vượt qua vực thẳm này. Điều đó đòi hỏi không chỉ là cam kết suông, mà còn là hành động”.

Cần biến cam kết thành hành động

Các chuyên gia đánh giá, Hiệp ước Tương lai, giống như nhiều văn bản khác của LHQ, đưa ra những mục tiêu và cam kết cao cả nhưng lại chưa xác định các bước cụ thể, thực tế, khả thi mà cơ quan này có thể thực hiện để hiện thực hóa tầm nhìn của mình.

Chẳng hạn, văn kiện khẳng định các quốc gia “sẽ chấm dứt nạn đói và đẩy lùi nguy cơ mất an ninh lương thực”, giải quyết các khoảng cách tài chính và đầu tư toàn cầu, cam kết thực hiện một hệ thống thương mại đa phương công bằng, đạt được bình đẳng giới, bảo vệ môi trường và khí hậu, và bảo vệ những người bị ảnh hưởng bởi các trường hợp khẩn cấp nhân đạo. Nhưng không nói rõ LHQ và các thành viên sẽ thực hiện điều này như thế nào.

Khi cuộc chiến của Israel ở Gaza, cuộc chiến Nga-Ukraine và cuộc nội chiến ở Sudan tiếp tục cướp đi hàng nghìn sinh mạng, và LHQ cam kết hỗ trợ Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ). Nhưng vào thời điểm Israel tuyên bố sẽ không cho phép tòa án LHQ tác động đến cuộc chiến của mình, trong đó hơn 41.000 người đã thiệt mạng ở Gaza, thì Hiệp ước mới chưa nêu rõ cách thức để buộc các thành viên tuân thủ quy tắc của mình.

Hiệp ước này đưa ra lời hứa khôi phục các nghĩa vụ và cam kết về giải trừ vũ khí hạt nhân và sinh học, “làm mới lòng tin vào các thể chế toàn cầu” bằng cách bảo đảm các thể chế mang tính đại diện hơn, đồng thời thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, bao gồm chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và bài ngoại. Tuy nhiên, các nước sẽ cần nhìn thấy những biện pháp cụ thể.

Phản ánh sự bất mãn ngày càng tăng với tình trạng bế tắc và thiếu đại diện toàn cầu tại HĐBA, văn bản cam kết "sửa chữa bất công lịch sử đối với châu Phi như một ưu tiên" và "cải thiện đại diện" cho châu Á - Thái Bình Dương, Mỹ Latin và Caribe. Hiệp ước cũng cam kết "tăng cường phản ứng" của HĐBA và "làm mới" công việc của Đại hội đồng LHQ trong khi củng cố toàn bộ hệ thống LHQ, bao gồm Hội đồng Kinh tế và Xã hội và Ủy ban Xây dựng hòa bình. Nhưng văn bản không đề cập đến cách LHQ sẽ đẩy nhanh các cải cách mà Nam Bán cầu đã yêu cầu trong nhiều năm.

Hiệp ước vì Tương lai nói thêm rằng các nhà lãnh đạo muốn đẩy nhanh quá trình cải cách kiến trúc tài chính quốc tế, tăng cường ứng phó với các cú sốc toàn cầu và cải thiện hợp tác trong việc khám phá không gian vũ trụ và ngăn chặn chạy đua vũ trang trong không gian. Nhưng nhiều quốc gia dẫn đầu cuộc chạy đua không gian cũng là thành viên thường trực của HĐBA với quyền phủ quyết giúp họ tránh khỏi mọi lời chỉ trích có ý nghĩa.

Theo Richard Gowan, Giám đốc LHQ tại Crisis Group, Hiệp ước này bao gồm nhiều chủ đề, với nhiều mức độ tham vọng khác nhau và các diễn đàn và cơ quan khác nhau của LHQ sẽ chịu trách nhiệm theo dõi các chủ đề khác nhau.

“Một số đề xuất khá cụ thể, như yêu cầu Tổng Thư ký xem xét tình hình hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ. Những đề xuất khác, như lời hứa hướng tới giải trừ vũ khí hạt nhân, vẫn chưa có hướng hành động cụ thể”, ông nói với Al Jazeera.

Theo ông, điều quan trọng là các thành viên LHQ phải đưa ra một kế hoạch thực hiện phù hợp cho các điều khoản của hiệp ước, vì chúng ta thường thấy các nhà lãnh đạo sẵn lòng ký vào những cam kết nhưng quá trình thực hiện thường sẽ chỉ nằm trên giấy”.

Ông Gowan mặc dù thừa nhận “Hiệp ước có thể chưa hoàn hảo, và nhiều người có thể cảm thấy nó thiếu chiều sâu và tính cấp thiết cần thiết để giải quyết cuộc khủng hoảng toàn cầu”, nhưng ông nghĩ rằng “chúng ta nên biết ơn vì các nhà ngoại giao có thể đưa ra được một thỏa thuận trong bối cảnh ảm đạm hiện nay”.

Một nhà ngoại giao nói với hãng thông tấn AFP rằng bất chấp một số người có thể thất vọng, Hiệp ước vẫn là "cơ hội để khẳng định cam kết chung của chúng ta đối với chủ nghĩa đa phương, ngay cả trong bối cảnh địa chính trị khó khăn hiện nay", đồng thời nhấn mạnh nhu cầu xây dựng lại lòng tin giữa Nam và Bắc Bán cầu.

“Hiệp ước này mang lại cho chúng tôi hy vọng và nguồn cảm hứng về một tương lai tốt đẹp hơn”, Tổng thống Sierra Leone Julius Maada Bio, người ủng hộ nhiệt thành cho Nam Bán cầu tại LHQ cho biết.

Quỳnh Vũ (Theo UN News, Al Arabyia)

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/hiep-uoc-tuong-lai-can-cu-the-hoa-bang-hanh-dong-post391400.html