Hiệu lực và thời hạn của thỏa ước lao động tập thể được quy định như thế nào?

Bạn đọc Đỗ Thị Giang ở phường Phố Cò, TP Sông Công, tỉnh Thái Nguyên, hỏi: Đề nghị tòa soạn cho biết, hiệu lực và thời hạn của thỏa ước lao động tập thể được quy định như thế nào?

Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại Điều 78 Bộ luật Lao động năm 2019. Cụ thể như sau:

1. Ngày có hiệu lực của thỏa ước lao động tập thể do các bên thỏa thuận và được ghi trong thỏa ước. Trường hợp các bên không thỏa thuận ngày có hiệu lực thì thỏa ước lao động tập thể có hiệu lực kể từ ngày ký kết.

Thỏa ước lao động tập thể sau khi có hiệu lực phải được các bên tôn trọng thực hiện.

2. Thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp có hiệu lực áp dụng đối với người sử dụng lao động và toàn bộ người lao động của doanh nghiệp. Thỏa ước lao động tập thể ngành và thỏa ước lao động tập thể có nhiều doanh nghiệp có hiệu lực áp dụng đối với toàn bộ người sử dụng lao động và người lao động của các doanh nghiệp tham gia thỏa ước lao động tập thể.

3. Thỏa ước lao động tập thể có thời hạn từ 1 năm đến 3 năm. Thời hạn cụ thể do các bên thỏa thuận và ghi trong thỏa ước lao động tập thể. Các bên có quyền thỏa thuận thời hạn khác nhau đối với các nội dung của thỏa ước lao động tập thể.

* Bạn đọc Lê Thị Kim Phượng ở xã Láng Biển, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp, hỏi: Đề nghị tòa soạn cho biết, nguyên tắc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật được quy định thế nào?

Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại Điều 5 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015. Cụ thể như sau:

1. Bảo đảm tính hợp hiến, tính hợp pháp và tính thống nhất của văn bản quy phạm pháp luật trong hệ thống pháp luật.

2. Tuân thủ đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

3. Bảo đảm tính minh bạch trong quy định của văn bản quy phạm pháp luật.

4. Bảo đảm tính khả thi, tiết kiệm, hiệu quả, kịp thời, dễ tiếp cận, dễ thực hiện của văn bản quy phạm pháp luật; bảo đảm lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong văn bản quy phạm pháp luật; bảo đảm yêu cầu cải cách thủ tục hành chính.

5. Bảo đảm yêu cầu về quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, không làm cản trở việc thực hiện các điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

6. Bảo đảm công khai, dân chủ trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của cá nhân, cơ quan, tổ chức trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

QĐND

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ban-doc/thu-ban-doc/hieu-luc-va-thoi-han-cua-thoa-uoc-lao-dong-tap-the-duoc-quy-dinh-nhu-the-nao-727090