Hiệu quả bước đầu từ thí điểm phân loại rác tại nguồn ở khu vực nông thôn
Ngày 6/12, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An Nguyễn Minh Lâm chủ trì hội nghị tổng kết công tác phân loại rác tại nguồn - kết quả và bài học từ mô hình thí điểm ở khu vực nông thôn.
Tỉnh Long An luôn quan tâm vấn đề quản lý chất thải rắn sinh hoạt và đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện. Tỉnh được Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF - Việt Nam) hỗ trợ xây dựng Đề án Quản lý chất thải rắn sinh hoạt và thực hiện các hoạt động thí điểm từ năm 2018. Đề án triển khai thí điểm ở khu vực đô thị, cụ thể tại phường 3, thành phố Tân An giai đoạn 2021 - 2022 và đạt được kết quả khả quan.
Đúc kết kinh nghiệm từ mô hình tại phường 3, Long An thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn ở khu vực nông thôn giai đoạn 2023 - 2024, thí điểm tại thị trấn Vĩnh Hưng và xã Thái Trị, huyện Vĩnh Hưng, trong đó, chú trọng vận hành dây chuyền sản xuất phân compost.
Trong quá trình thực hiện, dự án đã tổ chức các lớp tập huấn cho 5.411 lượt người về quản lý chất thải rắn sinh hoạt, phân loại tại nguồn và giảm thiểu rác thải nhựa ra đại dương; giải pháp xử lý rác hữu cơ tại chỗ như sản xuất vi sinh bản địa (IMO) để xử lý rác hữu cơ; sử dụng trùn quế xử lý rác hữu cơ và bèo lục bình; sử dụng thùng ủ cộng đồng và thùng ủ hộ gia đình.
Tỉnh nhận được sự hỗ trợ từ Tổ chức WWF - Việt Nam với 4.513 thùng rác (phát cho hộ gia đình và công cộng); 26 xe đẩy tay có dung tích 660 lít; một xe tải thùng; một xe tải 500 kg; một dây chuyền sản xuất compost 5 tấn/ngày, 455 thùng ủ compost, 6 máy cắt cùng trang thiết bị phục vụ hoạt động giảm phát thải nhựa.
Hoạt động thí điểm phân loại rác tại nguồn được triển khai tới 2.710 hộ ở thị trấn Vĩnh Hưng và 690 hộ tại xã Thái Trị từ tháng 7/2024. Dự án xây dựng hệ thống thu gom và quản lý phí rác thải thông qua phần mềm của GRAC cho khu vực thị trấn Vĩnh Hưng.
Qua hơn một năm triển khai đã thu gom riêng được khoảng 1,1 - 1,6 tấn rác hữu cơ về nhà máy mỗi ngày để làm phân compost và xây dựng phương án xử lý rác hữu cơ tại chỗ cho các hộ dân, trường học, ước tính khoảng 1 tấn mỗi ngày ở hai xã Thái Trị, Vĩnh Bình, Tuyên Bình Tây và các trường học.
Từ đó đã tạo được thói quen thực hành phân loại rác tại nguồn cho khoảng 60 - 70% hộ trong khu vực thí điểm, giao rác đúng quy định. Đồng thời thành lập, trang bị kiến thức cho Tổ giám sát địa phương triển khai mô hình phân loại rác. Hiện nay, người dân Khu phố 4 thị trấn Vĩnh Hưng có thể tự ủ phân compost để trồng rau tại nhà.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An Nguyễn Minh Lâm cho rằng, dù còn nhiều khó khăn nhưng những kết quả trên là tiền đề quan trọng để địa phương nhân rộng phân loại rác tại nguồn thời gian tới. Ông mong muốn tiếp tục nhận được sự đồng hành hỗ trợ của WWF - Việt Nam trong thời gian tới. Các bên liên quan của tỉnh tiếp tục thực hiện tốt công tác phân loại rác tại nguồn.
Trong đó, chú trọng nghiên cứu ứng dụng phân compost vào sản xuất nông nghiệp, đặc biệt vận động các Hợp tác xã tham gia hỗ trợ tiêu thụ, thử nghiệm phân compost vào sản xuất nông nghiệp nhằm quảng bá sản phẩm, tạo thị trường. Từ đó thu hút nhà đầu tư tham gia chuỗi tái chế rác thải, tận dụng tối đa nguồn lợi thu hồi từ rác thải, giảm kinh phí xử lý rác.
UBND huyện Vĩnh Hưng chỉ đạo cơ quan chuyên môn, Công ty Cổ phần Cấp nước và Dịch vụ đô thị Vĩnh Hưng phối hợp thực hiện tốt công tác thu gom, đảm bảo các loại rác đã phân loại phải được thu gom, vận chuyển riêng biệt đến nơi tập trung theo quy trình được thí điểm.
Từ ngày 1/1/2022, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 được triển khai thực hiện. Theo đó, đến ngày 1/1/2025, rác thải phải được phân loại tại nguồn, chủ nguồn thải không thực hiện phân loại rác thải sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính.