Hiệu quả chống nCoV của vaccine AstraZeneca sản xuất
Theo khuyến cáo từ chính phủ Anh, người tiêm vaccine AZD1222 do AstraZeneca sản xuất có thể gặp một số tác dụng phụ như sốt, đau cánh tay, mệt mỏi, buồn nôn.
10h50 ngày 24/2, lô vaccine ngừa Covid-19 của AstraZeneca đã hạ cánh tại sân bay Tân Sơn Nhất, TP.HCM. Đây là vaccine Covid-19 đầu tiên được cấp phép lưu hành tại Việt Nam. Trước đó, Bộ Y tế Việt Nam chính thức phê duyệt có điều kiện vaccine Covid-19 Vaccine AstraZeneca (AZD1222) cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong nước.
Vaccine AZD1222 (còn được gọi là Covishield ở Ấn Độ) của AstraZeneca cũng là một trong 2 chế phẩm sinh học mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phê duyệt trong điều kiện sử dụng khẩn cấp.
Tác dụng phụ có thể gặp phải khi tiêm vaccine
AZD1222 ra đời dựa trên nghiên cứu nhiều thập kỷ về adenovirus. Vaccine này dựa trên hướng dẫn di truyền của nCoV để xây dựng protein đột biến. Không giống vaccine của Pfizer/BioNTech hay Moderna, AZD1222 ghi nhớ lộ trình kháng virus trong DNA sợi kép thay vì RNA sợi đơn.
Theo The New York Times, nó được đánh giá chắc chắn hơn hai vaccine sử dụng mRNA. DNA không mỏng manh như RNA, do đó, lớp áo protein của adenovirus dai hơn, giúp nó bảo vệ vật chất di truyền bên trong tốt hơn.
Cũng vì thế, vaccine của AstraZenaca không phải bảo quản khắc nghiệt như Pfizer/BioNTech hay Moderna. Nó có hạn sử dụng kéo dài ít nhất 6 tháng khi được bảo quản lạnh ở 2-8 độ C.
Theo tài liệu hướng dẫn của Chính phủ Anh, cũng như các vaccine khác, người tiêm AZD1222 cũng sẽ gặp những tác dụng phụ nhất định.
Thông thường, phải mất 14 ngày sau khi tiêm mũi đầu tiên, hệ thống miễn dịch mới tiêu diệt được các tế bào nhiễm nCoV. Trong khi đó, các kháng thể sẽ tạo ra trong vòng 28 ngày kể từ khi chúng ta tiêm mũi thứ 2. Vì vậy, các tác dụng phụ được xem là dấu hiệu cho thấy vaccine đang hoạt động.
Các tác dụng phụ phổ biến sau khi tiêm vaccine gồm có đau, nóng, đỏ, ngứa, sưng hoặc bầm tím tại vị trí tiêm; cảm thấy mệt mỏi; ớn lạnh hoặc sốt; đau đầu; buồn nôn; đau khớp, cơ… Một số tác dụng phụ khác ít phổ biến hơn gồm chóng mặt, chán ăn, đau bụng, sưng hạch bạch huyết, đổ mồ hôi nhiều, ngứa da, phát ban…
Ngoài ra, một số người có thể bị dị ứng, sốc phản vệ. Đây được xem là tác dụng phụ không phổ biến, hiếm khi xảy ra ở những người tiêm vaccine.
Hiệu quả chống lại virus lên tới 82,4%
Ngày 8/12/2020, các nhà nghiên cứu của Đại học Oxford và Công ty AstraZeneca (Anh, Thụy Điển) đã công bố bài báo khoa học đầu tiên về thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 của vaccine AZD1222. Thử nghiệm đã chứng minh vaccine này có thể bảo vệ con người khỏi Covid-19.
Đầu đại dịch, các nhà nghiên cứu tại Đại học Oxford đã phát triển vaccine bằng kỹ thuật di truyền loại adenovirus thường lây nhiễm cho tinh tinh. Khi tiêm vaccine cho khỉ, họ nhận thấy nó đã bảo vệ các con vật khỏi dịch bệnh.
Tháng 4/2020, nhóm nghiên cứu tiếp tục thử nghiệm lâm sàng (giai đoạn 2). Bước đầu họ không phát hiện bất kỳ tác dụng phụ nghiêm trọng nào, đồng thời nó đã nâng cao kháng thể chống lại SARS-CoV-2 cũng như các biện pháp phòng vệ miễn dịch khác.
Sau đó, AZD1222 được thử nghiệm lâm sàng trên người tại Anh và Ấn Độ, tiếp đến là Brazil, Nam Phi, Mỹ. Thử nghiệm giai đoạn 3 cho AstraZeneca được thực hiện trên 24.000 người, từ các dân tộc và quốc gia khác nhau.
Ngày 19/11/2020, các nhà nghiên cứu công bố kết quả thử nghiệm lâm sàng trên người đầu tiên tại Anh. Họ xem xét các nhóm người ở độ tuổi khác nhau phản ứng ra sao khi tiêm vaccine. Nghiên cứu thực hiện trên 160 người có độ tuổi từ 18 đến 55, 160 trường hợp từ 56 đến 69 tuổi và 240 người trên 70 tuổi.
Kết quả không có bất kỳ tác dụng phụ nghiêm trọng nào ở toàn bộ 560 tình nguyện viên nói trên. Đặc biệt, nhóm càng lớn tuổi, kháng thể chống lại SARS-CoV-2 do vaccine tạo ra càng nhiều.
Ngày 23/11/2020, AstraZeneca và Oxford tuyên bố vaccine AZD1222 có hiệu quả tốt trong việc chống lại nCoV. Kết quả này dựa trên nghiên cứu về 131 trường hợp đầu tiên trong thử nghiệm tại Anh và Brazil. Tất cả tình nguyện viên được tiêm 2 liều, đặc biệt, nhiều trường hợp mũi tiêm đầu chỉ có hiệu năng bằng 50%.
Kết quả cho thấy liều tiêm giảm hiệu năng lại mang đến hiệu quả kháng virus đến 90%. Trong khi đó, kết quả ở những người tiêm cả 2 liều là 62%. Tuy nhiên, kết quả này vấp phải nhiều quan điểm trái chiều của giới chuyên gia.
AstraZeneca tiếp tục phân tích dữ liệu và đưa ra công bố khác vào ngày 2/2. Họ nhận thấy hai liều vaccine được tiêm cách nhau 12 tuần cho kết quả kháng vaccine là 82,4%. Vaccine AZD1222 bảo vệ mọi người khỏi Covid-19 và giảm sự lây truyền của virus. Chính vì thế, nó được đặt kỳ vọng có thể hạn chế, ngăn chặn đại dịch. Tuy nhiên, bài báo này chưa được xuất bản trên các tạp chí y khoa.
Ngày 7/2, Nam Phi tạm dừng kế hoạch tiêm một triệu liều vaccine của AstraZeneca. Nguyên nhân là trong một thử nghiệm nhỏ, vaccine này không chứng minh được khả năng bảo vệ người Nam Phi khỏi biến chủng B1351 tại đây.
Chính phủ Nam Phi cũng cho biết họ sẽ cân nhắc tái triển khai chiến dịch này nếu các nghiên cứu sâu hơn chứng tỏ vaccine có thể ngăn bệnh nhân Covid-19 diễn biến nặng. Trước tình hình này, AstraZeneca cho hay họ đang nghiên cứu một phiên bản vaccine mới, phù hợp biến chủng B1351.
Mới đây, kết quả sơ bộ từ một nghiên cứu ở Scotland cho thấy vaccine AstraZeneca giảm tỷ lệ nhập viện lên đến 94%. Theo kênh KMGH-TV, các nhà nghiên cứu Scotland đã xem xét dữ liệu của 5,4 triệu người. Trong đó, khoảng 20% đã được tiêm mũi vaccine đầu tiên của Pfizer/BioNTech hoặc AstraZeneca.
Gần đây, các nhà khoa học đã thực hiện nghiên cứu trên những người được tiêm 2 mũi vaccine của Pfizer hoặc một mũi vaccine do AstraZeneca sản xuất. Kết quả cho thấy cả hai loại vaccine đều có hiệu quả trong việc chống biến chủng SARS-CoV-2 mới B117 từ Anh.
Anh và Argentina là hai quốc gia đầu tiên cấp phép sử dụng vaccine của AstraZeneca vào ngày 30/12/2020. Ngày 3/1, Ấn Độ phê duyệt phiên bản của AZD1222 với tên gọi Covishield, do Viện Huyết thanh nước này sản xuất.
Ngày 16/2, Tổ chức Y tế Thế giới phê duyệt vaccine AZD1222 của AstraZeneca trong sử dụng khẩn cấp, khuyến nghị với người từ 18 tuổi trở lên. Đây là vaccine Covid-19 thứ 2 mà WHO phê duyệt để sử dụng khẩn cấp.
AstraZeneca dự kiến sản xuất 2 tỷ liều mỗi năm. Loại vaccine này đã được cấp phép có điều kiện (CMA) hoặc phê duyệt cho sử dụng khẩn cấp ở 20 quốc gia, trên bốn châu lục bao gồm một số quốc gia Mỹ Latinh, Ấn Độ, Morocco, Anh….