Hiệu quả chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc ở xã Thành Sơn

Xã Thành Sơn (Mai Châu) có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, điều kiện kinh tế - xã hội (KT-XH) còn nhiều khó khăn. Thời gian qua, xã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó, tập trung triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, coi đây là một trong những giải pháp quan trọng để từng bước nâng cao đời sống người dân.

Xã Thành Sơn (Mai Châu) có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, điều kiện kinh tế - xã hội (KT-XH) còn nhiều khó khăn. Thời gian qua, xã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó, tập trung triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, coi đây là một trong những giải pháp quan trọng để từng bước nâng cao đời sống người dân.

Gia đình bà Hà Thị Trang, xóm Bin, xã Thành Sơn (Mai Châu) trồng giống ngô nếp đặc sản địa phương mang lại hiệu quả kinh tế khá.

Đồng chí Ngần Văn Diễn, Chủ tịch UBND xã Thành Sơn chia sẻ: Là xã thành lập trên cơ sở sáp nhập từ 3 xã Thung Khe, Pù Bin, Noong Luông. Sau khi sáp nhập xã có địa giới hành chính rất rộng, tính từ điểm đầu xã là xóm Thung Khe đến điểm cuối xã là xóm Nà Lụt có tổng chiều dài 26km. Từ thực tế đó, xã xác định công tác lãnh đạo, chỉ đạo tập trung hướng về cơ sở, triển khai hiệu quả các chương trình phát triển KT-XH. Trong đó, phát huy tốt vai trò của đội ngũ cán bộ, đảng viên là động lực thúc đẩy phát triển KT-XH, từng bước nâng cao đời sống người dân.

Thực hiện mục tiêu đó, hướng về cơ sở, đội ngũ cán bộ, đảng viên của xã không chỉ truyền tải, đưa nghị quyết của cấp ủy các cấp vào cuộc sống mà còn "xắn tay” vào việc cùng với nhân dân triển khai nhiều mô hình, chương trình phát triển KT-XH có hiệu quả. Như ở xóm Hiềng, sau nhiều lần tuyên truyền về chủ trương thực hiện mô hình chăn nuôi trâu, bò vỗ béo chưa thực sự mang lại hiệu quả thiết thực, Trưởng xóm Hà Văn An đã mạnh dạn vay vốn đầu tư thực hiện mô hình một cách bài bản, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Theo cách làm của trưởng xóm, 100% hộ dân ở xóm Hiềng đã học tập, mạnh dạn làm theo. Nhờ vậy, cuộc sống của nhiều hộ có hoàn cảnh khó khăn từng bước đi lên bằng mô hình chăn nuôi trâu, bò vỗ béo.

Ở xóm Thung Khe trước đây người dân cũng chỉ tập trung phát triển kinh tế nông nghiệp với cây ngô, lạc là chủ yếu. Thực hiện nghị quyết của Đảng bộ xã, chi bộ xóm đã xây dựng chương trình làm việc, chủ động trong công tác lãnh đạo, điều hành, tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa phù hợp với nhu cầu thị trường. "Từ chủ trương đó, bên cạnh cây ngô, cây lạc, từ năm 2020, xóm đưa thêm cây tỏi tía vào canh tác với diện tích hơn 2ha. Đây là lần đầu tiên người dân Thung Khe đưa cây tỏi tía vào sản xuất theo hướng hàng hóa. Nhờ vậy, nhiều hộ có thêm nguồn thu nhập ổn định, từng bước nâng cao đời sống”, Bí thư chi bộ xóm Thung Khe Hà Văn Hùng chia sẻ.

Ngoài cây tỏi tía được mở rộng sản xuất từ 7ha/năm lên trên 12ha/năm, với phương châm sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa đáp ứng nhu cầu thị trường, nâng cao hiệu quả, giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích sản xuất, thời gian qua, Thành Sơn tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa vào sản xuất các loại rau an toàn. Với sự hỗ trợ, giúp đỡ về giống, vốn của huyện, đặc biệt từ sự mạnh dạn đi đầu, làm trước của đội ngũ cán bộ, đảng viên đã từng bước thay đổi tư duy sản xuất của người dân theo hướng hàng hóa. Đến nay xã đã thành lập được 1 hợp tác xã rau sạch với sự tham gia, quy tụ ruộng đất của nhiều hộ dân. "Đây là một hướng đi hiệu quả, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, trình độ canh tác của người dân. Quan trọng hơn là đem lại giá trị, hiệu quả kinh tế cao gấp 6 lần so với trồng ngô, cao gấp 3 lần so với trồng lạc. Trước mắt cũng như về lâu dài, xã xác định đây là hướng đi chính. Hướng đi này cũng được cụ thể hóa bằng nghị quyết. Sau khi nghị quyết ban hành đã nhanh chóng đi vào cuộc sống, được người dân đón nhận, đồng tình hưởng ứng cao”, đồng chí Ngần Văn Diễn, Chủ tịch UBND xã nhấn mạnh.

Để có được những kết quả này, cũng theo đồng chí Chủ tịch UBND xã là do xã đã phát huy tốt vai trò tiên phong, đi đầu, làm trước của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Khi triển khai bất kỳ chủ trương, mô hình kinh tế nào thì đội ngũ cán bộ, đảng viên đều đóng vai trò tiên phong. Như việc triển khai mở rộng diện tích trồng tỏi tía ở xóm Thung Khe, nhiều hộ đảng viên xung phong làm trước, làm tốt. Từ đó tạo được niềm tin cho quần chúng nhân dân tin và làm theo. Hay như đội ngũ cán bộ, đảng viên ở các xóm: Hợp Thành, Hiềng, Bin, Nà Phặt, Nà Lụt... mạnh dạn vay vốn đầu tư phát triển chăn nuôi, mở rộng diện tích trồng rau, màu; mở rộng quy mô chăn nuôi, phát triển kinh tế gia đình theo tư duy mới đem lại hiệu quả kinh tế cao; đi đầu cụ thể hóa, đưa nghị quyết của Đảng bộ xã vào cuộc sống được người dân tin tưởng, làm theo. Nhờ vậy, từ chỗ toàn xã có gần ½ hộ dân thuộc hộ nghèo đến nay giảm còn 31,7%.

Mạnh Hùng

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/249/191412/hieu-qua-chuong-trinh-phat-trien-kinh-te-xa-hoivung-dong-bao-dan-toco-xa-thanh-son.htm