Hiệu quả của hoạt động truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa tại Bắc Kạn
Hoạt động truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa được triển khai trong thời gian qua tại tỉnh Bắc Kạn đã bước đầu mang lại những hiệu quả nhất định.
Qua đó, góp minh bạch hóa thông tin, nâng cao sản lượng tiêu thụ các sản phẩm OCOP của tỉnh trên thị trường.
Nâng cao giá trị sản phẩm
Những năm gần đây giải pháp truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm đang được quan tâm. Xu hướng hiện nay là sử dụng công nghệ thông tin và các thiết bị điện tử để giúp cho việc cập nhật thông tin, quản lý dữ liệu và truy xuất nguồn gốc sản phẩm được thuận lợi. Với giải pháp này, doanh nghiệp sản xuất đưa thông tin lên hệ thống từ những khâu đầu của chuỗi sản xuất cho đến khâu đóng gói sản phẩm. Tất cả thông tin về sản phẩm được lưu trữ vào máy chủ, dễ dàng truy xuất và người mua có thể xem thông tin về lô hàng trên hệ thống ngay khi lô hàng chưa rời khỏi nơi sản xuất. Người tiêu dùng có thể dễ dàng truy xuất nhanh nguồn gốc sản phẩm bằng cách dùng ứng dụng trên điện thoại thông minh để quét mã QR in trên bao bì sản phẩm.
Ngày nay, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa được coi là “chìa khóa” khởi tạo niềm tin với người tiêu dùng và trở thành tiêu chí cần phải có trong sản xuất nông nghiệp và thực phẩm, góp phần mang lại những lợi ích thiết thực đối với cơ quan quản lý, doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Đối với cơ quan quản lý, hoạt động truy xuất nguồn gốc hỗ trợ việc theo dõi, giám sát, quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa; theo dõi, giám sát thị trường tiêu thụ và hỗ trợ xử lý các vấn đề phát sinh liên quan đến an toàn thực phẩm. Đối với doanh nghiệp, công khai, minh bạch quá trình sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm; góp phần nâng cao hiệu quả quảng bá sản phẩm, kiểm soát được thị trường và chất lượng sản phẩm, chống hàng giả, bảo vệ thương hiệu và uy tín doanh nghiệp… Đối với người tiêu dùng, kiểm tra được thông tin về nguồn gốc sản phẩm, chất lượng, an toàn thực phẩm; giúp người tiêu dùng nhận biết rõ ràng về sản phẩm thông qua truy xuất bằng mã trên mỗi sản phẩm, góp phần bảo vệ sức khỏe gia đình.
Ngày 19/01/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 100/QĐ-TTg phê duyệt Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc với các mục tiêu tổng quát là hoàn thiện hệ thống quy định pháp luật, văn bản, tài liệu hướng dẫn về truy xuất nguồn gốc; nâng cao nhận thức của các tổ chức, doanh nghiệp về truy xuất nguồn gốc; đảm bảo công khai, minh bạch các thông tin truy xuất nguồn gốc của sản phẩm, hàng hóa trên thị trường…
Để thực hiện các mục tiêu của Quyết định số 100/QĐ-TTg ngày 19/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ, Sở Khoa học và Công nghệ đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Quyết định số 100/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn và ban hành Quyết định phê duyệt danh mục sản phẩm hàng hóa chủ lực trọng điểm của tỉnh cần ưu tiên triển khai truy xuất nguồn gốc giai đoạn 2021 - 2025.
Năm 2023, Sở Khoa học và Công nghệ đã xây dựng kế hoạch tư vấn hướng dẫn, hỗ trợ 14 tổ chức, cá nhân cập nhật dữ liệu phù hợp các tiêu chuẩnViệt Nam về truy xuất nguồn gốc trên địa bàn tỉnh (xây dựng áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc). Theo đó, Sở đã hỗ trợ 140.000 mã và 28.000 tem QRCode cho 14 tổ chức cá nhân sản xuất sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh. Đồng thời hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hiện quy trình cập nhật thông tin sản phẩm để thực hiện truy xuất nguồn gốc. Các mã và tem QRCode sau khi bàn giao cho các tổ chức cá nhân đã được sử dụng hiệu quả trong quá trình in ấn bao bì các sản phẩm, giúp người tiêu dùng dễ dàng truy xuất nguồn gốc sản phẩm, từ đó giúp nâng cao uy tín sản phẩm địa phương trên thị trường trong nước.
Nhằm tiếp tục đẩy mạnh hoạt động truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn tỉnh để đáp ứng yêu cầu thị trường hiện nay, trong năm 2024, Sở Khoa học và Công nghệ đã xây dựng và triển khai Kế hoạch hỗ trợ, áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc đối với 02 sản phẩm trên địa bàn tỉnh. Theo đó, Sở Khoa học và Công nghệ hiện đang phối hợp với đơn vị cung cấp giải pháp truy xuất nguồn gốc thiết lập quy trình truy xuất nguồn gốc, hướng dẫn Chi nhánh hợp tác xã Nông nghiệp Yên Công và Cơ sở miến dong Nhất Thiện thực hiện quy trình, cập nhật thông tin các sản phẩm hàng hóa, thiết lập mã QRcode truy xuất nguồn gốc cho 2 sản phẩm là nấm hương và miến dong.
Tiếp tục tham mưu xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa địa phương
Năm 2023, Sở Khoa học và Công nghệ được giao xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa trên địa bàn tỉnh theo Kế hoạch số 278/KH-UBND ngày 25 tháng 4 năm 2023 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Đề án tổng thể chuyển đổi số tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030. Tuy nhiên do chờ các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Thông tin và Truyền thông hoàn thiện việc xây dựng và hướng dẫn nền tảng truy xuất nguồn gốc nông sản nên UBND tỉnh chỉ đạo tạm thời chưa thực hiện nhiệm vụ “Xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn”.
Hiện nay, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành 23 tiêu chuẩn quốc gia về việc Xây dựng hệ thống quản lý thông tin Truy xuất nguồn gốc cần đảm bảo tuân thủ các TCVN đối với các yêu cầu chung của hệ thống, hướng dẫn định dạng mã truy vết, hướng dẫn định dạng vật mang tin và các TCVN liên quan (Danh mục các TCVN về TXNG đã được công bố). Cùng với đó, từ tháng 7/2023, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã chính thức vận hành thử nghiệm Cổng thông tin Truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa quốc gia, là nơi tiếp nhận, kết nối các sản phẩm hàng hóa của tỉnh/thành phố trên toàn quốc tại địa chỉ https://truyxuatnguongoc.gov.vn
Mặt khác, qua thống kê, hiện toàn tỉnh có 182 sản phẩm OCOP 3 sao, về cơ bản đã thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Tuy nhiên, việc truy xuất nguồn gốc thông qua mã vạch GS1 hoặc mã QR của các cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh hiện nay chủ yếu thực hiện theo các chương trình hỗ trợ của trung ương và địa phương, chưa có sự đồng bộ, chưa đảm bảo đầy đủ thông tin, do đó chưa phát huy hết hiệu quả của việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Cơ quan quản lý nhà nước cũng gặp nhiều khó khăn trong việc quản lý dữ liệu quy trình sản xuất, chất lượng sản phẩm.
Do đó vừa qua, Sở Khoa học và Công nghệ đã có văn bản bổ sung nhiệm vụ, dự án chuyển đổi số mới năm 2025, theo đó tiếp tục tham mưu UBND tỉnh cho triển khai nhiệm vụ “Xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn”. Đây là nhiệm vụ quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong toàn bộ chuỗi sản xuất và cung ứng sản phẩm hàng hóa; đảm bảo quyền lợi của cả người sản xuất và người tiêu dùng trong việc cung cấp, minh bạch thông tin sản phẩm.
Nếu được triển khai và đi vào hoạt động, hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn sẽ góp phần đẩy mạnh hoạt động quản lý truy xuất nguồn gốc, nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa địa phương trong chuỗi cung ứng trên thị trường trong nước và quốc tế…/.
Theo Thu Hiền (TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CHUYỂN ĐỔI SỐ TỈNH BẮC KẠN)