Nhiều ý kiến về 'đóng bảo hiểm thất nghiệp trên 144 tháng không được bảo lưu'

Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng nên bỏ đề xuất đóng bảo hiểm thất nghiệp trên 144 tháng không được bảo lưu.

Trong thông báo mới đây của Tổng thư ký Quốc hội, tại phiên thảo luận tổ về Luật Việc làm (sửa đổi) đầu tháng 11-2024 có 64 lượt ý kiến đại biểu Quốc hội về dự luật này. Trong đó, nhiều đại biểu bày tỏ chưa đồng tình với thời gian, mức hưởng, đối tượng không được hưởng bảo hiểm thất nghiệp.

Thời gian hưởng tối đa 12 tháng

Theo dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng đã đóng bảo hiểm thất nghiệp gần nhất trước khi thất nghiệp, nhưng tối đa không quá 5 lần mức lương tối thiểu tháng theo vùng.

Người đóng bảo hiểm thất nghiệp từ 12 đến dưới 36 tháng sẽ hưởng 3 tháng trợ cấp. Sau đó cứ thêm 12 tháng đóng thì cộng 1 tháng hưởng, tối đa không quá 12 tháng. Người lao động đóng đủ 144 tháng (tức 12 năm) sẽ hưởng tối đa 12 tháng trợ cấp.

Thời gian đóng trên 144 tháng sẽ không được bảo lưu để tính hưởng trợ cấp thất nghiệp cho lần tiếp theo.

 Sau khi nhận bảo hiểm thất nghiệp nhiều người quay trở lại tìm kiếm việc làm. Ảnh: T.L

Sau khi nhận bảo hiểm thất nghiệp nhiều người quay trở lại tìm kiếm việc làm. Ảnh: T.L

Như vậy, người lao động có đi làm và đóng bảo hiểm thất nghiệp nhiều hơn 12 năm thì thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa mà họ có thể nhận được cũng chỉ là 12 tháng. Nếu chưa từng nghỉ việc hưởng trợ cấp cũng không được bảo lưu thời gian dôi dư.

Ngoài ra, người lao động không được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi đơn phương chấm dứt hợp đồng trái quy định của Bộ luật Lao động; đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc không đúng quy định của Luật Viên chức.

Thêm vào đó, họ cũng không được nhận trợ cấp thất nghiệp khi đủ điều kiện hưởng lương hưu, bị sa thải theo pháp luật về lao động hoặc bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc theo pháp luật về viên chức.

Như vậy, dự luật đã bổ sung đối tượng không được nhận trợ cấp thất nghiệp là người bị đuổi việc do vi phạm kỷ luật của đơn vị sử dụng lao động, hoặc bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc theo pháp luật về viên chức.

Đề xuất nâng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp lên 75%

Nhiều đại biểu Quốc hội đã đề xuất nâng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hiện hành từ 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp lên mức 75%.

Cạnh đó, luật cũng không nên khống chế thời gian hưởng tối đa là 12 tháng mà nên quy định thời gian hưởng trợ cấp được tính theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp. Cụ thể, cứ đóng đủ 12 đến đủ 36 tháng được hưởng 3 tháng trợ cấp thất nghiệp, sau đó cứ đóng đủ trên 12 tháng được hưởng thêm 1 tháng trợ cấp. “Quy định như vậy mới hợp lý, đảm bảo công bằng” - đại biểu Quốc hội nêu quan điểm.

Đáng chú ý, nhiều ý kiến đề nghị bỏ quy định “thời gian đóng trên 144 tháng sẽ không được bảo lưu để tính hưởng trợ cấp thất nghiệp cho lần tiếp theo”. Mục đích là để đảm bảo quyền lợi của người lao động và khuyến khích người lao động có tay nghề lâu năm, làm việc lâu dài với doanh nghiệp, tuân thủ nguyên tắc đóng, hưởng.

Thêm vào đó, nhiều ý kiến đề nghị cân nhắc bỏ quy định không cho người lao động bị sa thải hoặc bị kỷ luật không được hưởng trợ cấp thất nghiệp, bởi quy định này chưa đánh giá được những hệ lụy và lấy ý kiến đối tượng chịu tác động.

Ngoài ra, có đại biểu cho rằng thực tế nhiều trường hợp suốt quá trình làm việc chưa từng nhận trợ cấp thất nghiệp. Vì vậy, đại biểu đề nghị cần quy định cho phép người lao động khi nghỉ hưu mà có thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp nhưng chưa được hưởng thì được nhận một khoản trợ cấp về bảo hiểm thất nghiệp một lần, tương tự như khi tham gia BHXH để đảm bảo tính công bằng theo nguyên tắc “có đóng, có hưởng”.

Trước đó, thẩm tra các nội dung trên, Ủy ban Xã hội của Quốc hội cũng thấy rằng nên cân nhắc bỏ đề xuất “người lao động bị sa thải theo pháp luật về lao động hoặc bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc theo pháp luật về viên chức thì không được nhận tiền trợ cấp thôi việc”, nhằm tạo điều kiện cho người lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp do họ cũng có thời gian đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

Tuy nhiên, Bộ LĐ-TB&XH vẫn cho rằng bảo hiểm thất nghiệp là loại hình bảo hiểm ngắn hạn, tính chia sẻ rủi ro cao, mặt khác “không bảo lưu đối với thời gian đóng trên 144 tháng” kế thừa quy định hiện hành của Luật Việc làm 2013, không phải quy định mới, nhằm đảm bảo cân đối quỹ.

Mức trợ cấp thất nghiệp theo quy định hiện hành là mức thu nhập tối thiểu để giảm bớt khó khăn cho người bị mất việc làm, phù hợp với điều kiện Việt Nam và thông lệ quốc tế hiện nay.

Người lao động muốn tăng mức hưởng và kéo dài thời gian hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp chỉ còn cách đóng thêm tiền. Tuy nhiên, qua xem xét, cơ quan soạn thảo nhận thấy hiện doanh nghiệp cũng như người lao động đang khó khăn, việc tăng đóng vào quỹ không khả thi.

Ông VŨ TRỌNG BÌNH, Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH)

VIẾT LONG

Nguồn PLO: https://plo.vn/nhieu-y-kien-ve-dong-bao-hiem-that-nghiep-tren-144-thang-khong-duoc-bao-luu-post821568.html