Hiệu quả của một nghị quyết qua thực tiễn công tác kiểm tra của Đảng
Huyện Si Ma Cai đang thay đổi từng ngày sau 30 năm tái lập tỉnh. Niềm vui càng được nhân lên khi bộ mặt nông thôn mới no ấm đang dần hiện hữu ở các vùng quê với những con đường được rải nhựa, đổ bê tông trải dài trên những sườn núi, những ngôi nhà khang trang, những vườn rau xanh mướt...
Là huyện vùng cao, mặc dù được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư, nhưng với xuất phát điểm thấp, trước năm 2014 tình hình kinh tế - xã hội của huyện Si Ma Cai đặc biệt khó khăn. Si Ma Cai là 1 trong 62 huyện nghèo của cả nước theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 26/3/2009 của Chính phủ, đồng thời là 1 trong 3 huyện nghèo và khó khăn nhất của tỉnh Lào Cai. Đa số nhân dân sống ở vùng cao, kinh tế dựa vào sản xuất nông nghiệp là chủ yếu, đến hết năm 2013 tỷ lệ hộ nghèo của huyện là 36,06%, cận nghèo 17,13%.
Trước những khó khăn của đồng bào các dân tộc huyện Si Ma Cai, để có cơ sở đánh giá đúng thực trạng, đề ra giải pháp khắc phục, qua nhiều lần làm việc, khảo sát tại cơ sở, ngày 7/4/2014, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai đã kiểm tra việc lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện Đề án số 4 ngày 15/10/2011 của Tỉnh ủy Lào Cai về “Giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2011 - 2015” đối với Huyện ủy Si Ma Cai và đồng chí Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện. Qua kết quả kiểm tra thực tế, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai đã chỉ rõ những khó khăn của Si Ma Cai, đồng thời chỉ đạo Ban Cán sự đảng UBND tỉnh Lào Cai, Huyện ủy Si Ma Cai tham mưu báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy xây dựng và ban hành Nghị quyết số 22-NQ/TU ngày 11/11/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai về "Giảm nghèo bền vững huyện Si Ma Cai đến năm 2020”, với mục tiêu tạo sự chuyển biến nhanh hơn về đời sống vật chất, tinh thần của người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số; phấn đấu đến năm 2020 huyện Si Ma Cai đạt mức phát triển trung bình của tỉnh.
Để thực hiện mục tiêu, Tỉnh ủy đã chỉ đạo các cấp, các ngành của tỉnh ban hành nhiều chính sách khuyến khích phát triển, đề ra nhiều chủ trương, giải pháp như xây dựng kết cấu hạ tầng, hỗ trợ vay vốn mua đại gia súc, trồng cỏ, làm chuồng trại chăn nuôi...
Sau hơn 6 năm thực hiện Nghị quyết số 22, huyện nghèo Si Ma Cai đã đạt được những kết quả to lớn, tạo ra những bước đột phá để giảm nghèo nhanh, bền vững. Đến hết năm 2020, huyện Si Ma Cai đã hoàn thành thắng lợi nhiều chỉ tiêu, mục tiêu Nghị quyết đề ra. Cơ cấu kinh tế nông – lâm nghiệp đã giảm từ 53,1% năm 2014 xuống còn 47,73% (Vượt 0,52% so với mục tiêu Nghị quyết); thu nhập đạt 31,5 triệu đồng/người/năm (tăng 11,5 triệu đồng so với mục tiêu Nghị quyết). Nhiều mô hình sản xuất đã được thực hiện, tập quán canh tác của người chăn nuôi từ quảng canh, chăn thả đã chuyển sang chăn nuôi nhốt và chăn thả có kiểm soát. Môi trường chăn nuôi được cải thiện. Nhiều sản phẩm nông nghiệp được thâm canh, nhiều mô hình sản xuất rau trái vụ, mô hình trồng cây ăn quả, nông nghiệp công nghệ cao được triển khai, nhiều diện tích nương đồi trồng ngô kém hiệu quả đã được người dân trồng cây ăn quả ôn đới như lê xanh, mận hậu, mận tím Tả Van đem lại năng suất cao, chất lượng, giá trị kinh tế cao. Cảnh quan môi trường được cải thiện, nhiều thôn có đường hoa xanh, sạch, đẹp, nhiều căn nhà mới xây với kiến trúc hiện đại.
Kết cấu hạ tầng của huyện Si Ma Cai có sự thay đổi rõ rệt, trung tâm huyện đã cơ bản hoàn thiện, trụ sở các cơ quan, đơn vị, mạng lưới giao thông nội thị, điện chiếu sáng công cộng, hệ thống cây xanh, tiểu khuôn viên đã hoàn thành. Hơn 6 năm trước, ở các thôn, bản, nhiều tuyến đường của huyện Si Ma Cai bị lầy lội vào mùa mưa và bụi vào mùa khô, qua thực hiện Nghị quyết 22-NQ/TW hệ thống giao thông đã phát triển rộng khắp, 100% đường liên xã, liên thôn đã được đầu tư cứng hóa. Hệ thống đường đất liên thôn, liên gia bằng đất được làm mới hoàn toàn bằng bê tông, đã giúp nông sản làm ra được tiêu thụ ngay và không bị ép giá, xe chở nông sản, hàng hóa thuận tiện khiến người dân ai cũng vui mừng, phấn khởi. 100% thôn, 97% hộ dân ở Si Ma Cai có điện lưới quốc gia đã giúp đưa các loại máy móc chế biến nông sản vào hoạt động, đưa các phương tiện sinh hoạt gia đình vào sử dụng phổ biến nâng cao chất lượng cuộc sống. Tính đến nay, toàn huyện có 6/13 xã đạt Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới, tăng 6 xã so với năm 2015 và đạt 150% mục tiêu Nghị quyết (Sau khi thực hiện việc sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã và thành lập thị trấn Si Ma Cai từ tháng 3/2020, đến nay còn 4/9 xã đạt Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới). Các chính sách an sinh xã hội được triển khai thực hiện đồng bộ, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 57,01% năm 2015 xuống xuống còn 13,09% năm 2020 (theo tiêu chí mới), trung bình mỗi năm giảm 8,8% (đạt cao so với mục tiêu Nghị quyết). 100% số hộ trên địa bàn huyện đã có nhà ở bán kiên cố, không còn nhà dột, nát. Quốc phòng, an ninh được củng cố và giữ vững. Công tác xây dựng Đảng, củng cố hệ thống chính trị đạt được nhiều kết quả quan trọng, Đảng bộ huyện có 40 tổ chức đảng trực thuộc, 2.293 đảng viên; 100% thôn, tổ dân phố, trường học, trạm y tế đều có đảng viên, 59/59 thôn có chi bộ độc lập.
Nghị quyết số 22-NQ/TU của Tỉnh ủy Lào Cai là Nghị quyết chuyên đề được ban hành qua thực tiễn công tác kiểm tra, giám sát của Tỉnh ủy, đã kịp thời phát hiện nhân tố mới, tích cực để phát huy, những tồn tại, hạn chế được khắc phục, sửa chữa kịp thời. Qua kiểm tra, giám sát của Đảng đã đề ra được những mục tiêu, giải pháp đáp ứng được tâm tư, nguyện vọng của cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương, sát với thực tế ở cơ sở, đem lại hiệu quả thiết thực, đưa Si Ma Cai từ một huyện khó khăn của tỉnh, nghèo nhất cả nước, từng bước vươn lên trở thành huyện có mức phát triển trung bình của tỉnh, thể hiện sự quan tâm, lãnh đạo sáng tạo, đúng đắn của Tỉnh ủy trong phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị của huyện Si Ma Cai.
Rời Si Ma Cai khi hoàng hôn rực rỡ ánh vàng đang buông xuống, cũng là lúc khắp các thôn, bản vùng cao bừng lên ánh sáng của lưới điện quốc gia, cuộc sống của đồng bào vùng cao ngày càng khá giả hơn, khẳng định công tác kiểm tra, giám sát của Đảng bộ tỉnh Lào Cai đã đi vào cuộc sống, đem lại hiệu quả thiết thực, những chủ trương lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh là đúng đắn. Rẻo cao Si Ma Cai đang hướng tới một cuộc sống tươi đẹp hơn sau 30 năm tái lập tỉnh.