Hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở Tuần Giáo

ĐBP- Thực hiện công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, những năm qua huyện Tuần Giáo đã tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng đào tạo. Từ đó, giúp lao động nông thôn trên địa bàn nâng cao tay nghề, tìm kiếm việc làm, biết áp dụng kiến thức đã học vào lao động sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Người dân bản Mường I, xã Mường Mùn tham gia lớp học nghề kỹ thuật trồng và bảo quản, sơ chế biến nấm.

Với mục tiêu nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề, huyện Tuần Giáo đã chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền, tư vấn học nghề và việc làm cho người lao động; nhất là phổ biến các chủ trương, chính sách của Nhà nước về dạy nghề cho lao động nông thôn, lao động người dân tộc thiểu số. Huyện đã triển khai nhiều hình thức tuyên truyền đa dạng. Hàng năm huyện đều tổ chức khảo sát nhu cầu học nghề của lao động nông thôn qua việc phát phiếu thông tin về nhu cầu học nghề, khảo sát qua các cuộc họp thôn, bản; đánh giá nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh để xây dựng kế hoạch đào tạo nghề cho phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Đồng thời, đa dạng hóa hình thức, ngành nghề, phương pháp đào tạo nhằm nâng cao chất lượng; quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, bổ sung trang thiết bị, phương tiện phục vụ giảng dạy, học tập; chú trọng nâng cao chất lượng giáo viên dạy nghề, chủ động ứng dụng các phương pháp giảng dạy mới trong đào tạo nghề cho người lao động.

Ông Phạm Văn Hạnh, Phó trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Tuần Giáo cho biết: Tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện đã đạt kết quả đáng ghi nhận. Số lao động được hỗ trợ học nghề hàng năm tương đối cao. Từ năm 2021 đến nay, huyện đã mở gần 50 lớp đào tạo nghề cho hơn 1.600 lao động nông thôn trên địa bàn, bao gồm 4 lớp nghề phi nông nghiệp và 45 lớp nghề nông nghiêp. Một số lớp nghề chủ yếu được mở là kỹ thuật chăn nuôi gà đồi, vườn; kỹ thuật chăn nuôi, phòng trị bệnh cho lợn; kỹ thuật trồng thâm canh cây ăn quả; kỹ thuật trồng và bảo quản, sơ chế biến nấm; kỹ thuật sản xuất rau an toàn; kỹ thuật gò hàn… Sau đào tạo phần lớn người lao động đã biết vận dụng kiến thức đã học vào sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt để tăng năng suất lao động, tạo việc làm tại chỗ; một số hộ đã xây dựng được mô hình sản xuất hiệu quả cho nguồn thu nhập ổn định. Tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo nghề chiếm khoảng 75%, riêng lao động học nghề phi nông nghiệp gần như đều có việc làm sau đào tạo nhờ tự mở cửa hàng hoặc đi làm thuê cho các doanh nghiệp, xưởng cơ khí trên địa bàn.

Những năm trước đây, gia đình anh Lò Văn Ngoai, bản Nong Giáng, xã Quài Nưa hết sức khó khăn. Song nhờ được tham gia lớp học nghề kỹ thuật chăn nuôi thủy sản và chăm sóc, phòng trị bệnh cho gia súc, anh đã mạnh dạn vay vốn để đào ao nuôi cá giống, cá thịt, xây dựng chuồng trại chăn nuôi trâu sinh sản. Nhờ chăm sóc, chăn nuôi đúng kỹ thuật, mô hình kinh tế của gia đình anh Ngoai đã mang lại hiệu quả cao, không chỉ giúp gia đình thoát cảnh đói nghèo mà còn có nguồn thu nhập ổn định. Hiện gia đình anh nuôi 6 con trâu sinh sản, hàng chục con lợn thịt/năm và khoảng 3.000m2 ao nuôi cá giống, cá thịt. Trừ chi phí, mỗi năm gia đình anh thu nhập khoảng trên 150 triệu đồng.

Bằng nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện Tuần Giáo đã có sự chuyển biến rõ rệt, nhận thức của các cấp, ngành và người lao động về ý nghĩa, sự cần thiết của việc học nghề đã được nâng cao. Đặc biệt, qua đào tạo nghề đã góp phần đem lại năng suất và thu nhập cao hơn, tạo việc làm cho nhiều lao động nông thôn, nâng tỷ lệ lao động đã qua đào tạo của huyện đạt trên 53%. Từ đó, góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Bài, ảnh: Huyền Lâm

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/xa-hoi/199827/hieu-qua-dao-tao-nghe-cho-lao-dong-nong-thon-o-tuan-giao