Hiệu quả mô hình chăm sóc bệnh lý hô hấp mạn tính tại cơ sở

Với định hướng lấy phòng bệnh hơn chữa bệnh, ngành y tế Thành phố Hồ Chí Minh đang tập trung phát triển mô hình chăm sóc bệnh lý hô hấp mạn tính tại tuyến y tế cơ sở. Nhất là với người bệnh mắc hen suyễn và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), hai căn bệnh có tỷ lệ tử vong cao và đang gia tăng tại Việt Nam.

Bệnh nhân hen suyễn khám, điều trị tại cộng đồng.

Bệnh nhân hen suyễn khám, điều trị tại cộng đồng.

“Gánh nặng” hô hấp mạn tính

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, hen suyễn và COPD nằm trong nhóm bệnh lý gây tử vong hàng đầu, ảnh hưởng đến hàng trăm triệu người trên toàn cầu. Riêng tại Việt Nam, tỷ lệ mắc COPD hiện ở mức hơn 10%, cao nhất trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đây là thách thức lớn đối với hệ thống y tế, nhất là trong bối cảnh già hóa dân số và sự gia tăng của các yếu tố nguy cơ về môi trường, lối sống.

Từ thực tế đó, mô hình phát hiện sớm và quản lý bệnh hô hấp mạn tính ngay tại cộng đồng được xem là giải pháp bền vững, vừa giúp giảm tình trạng quá tải cho tuyến trên, vừa giúp người bệnh tiếp cận y tế kịp thời, thuận tiện và ít tốn kém.

Mô hình chăm sóc bệnh nhân hen và COPD tại cộng đồng khởi đầu từ năm 2000 tại Bệnh viện Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh, sau đó từng bước được nhân rộng và hiện đã có mặt tại hơn 250 đơn vị y tế trên cả nước. Đây là một trong những sáng kiến y khoa tiêu biểu, góp phần định hình hệ thống y tế dự phòng hiện đại, hướng đến mục tiêu chăm sóc sức khỏe toàn dân.

Đáng chú ý, Trạm y tế Phường 15 (Quận 11 cũ, nay là phường Phú Thọ) là đơn vị y tế cơ sở duy nhất trong cả nước đang triển khai mô hình này. Với sự hỗ trợ chuyên môn từ Bệnh viện Quận 11, trạm y tế đã tiếp nhận và theo dõi hàng trăm lượt bệnh nhân, không chỉ trong địa bàn mà còn từ các phường, xã lân cận tìm đến.

Y sĩ Ngô Thị Sáu, nhân viên trạm y tế, chia sẻ: “Chúng tôi chủ động rà soát, truyền thông đến người dân trong cộng đồng, giúp họ tiếp cận dịch vụ y tế nhanh chóng. Rất nhiều người cao tuổi, có những cô, bác hơn 80 tuổi vẫn duy trì đều đặn lịch khám hô hấp tại trạm”.

Một trường hợp điển hình là ông Nguyễn Hữu Tiến, 85 tuổi, cư trú tại phường Phú Thọ, ông Tiến cho biết: “Trước đây mỗi lần lên cơn hen là tôi phải đi xa, rất cực. Giờ trạm y tế gần nhà có khám hô hấp, tôi yên tâm hơn nhiều, không cần đi bệnh viện tuyến trên nữa”.

Theo PGS, TS, Bác sĩ Lê Thị Tuyết Lan, Chủ tịch Liên Chi hội Hen - Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng Thành phố Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Hội Hô hấp Việt Nam, việc đưa mô hình về tuyến cơ sở cần tiến hành từng bước, bảo đảm chắc chắn về chuyên môn. “Sự hỗ trợ của tuyến trên rất quan trọng, nhất là đối với người bệnh có hoàn cảnh khó khăn, neo đơn, họ có thể được khám, theo dõi và cấp phát thuốc ngay tại phường, xã”, bà Lan nhấn mạnh.

Hướng tới hệ thống chăm sóc sức khỏe toàn diện

Đánh giá về mô hình chăm sóc bệnh nhân hô hấp tại cộng đồng, Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho rằng, việc triển khai chăm sóc bệnh hô hấp tại tuyến phường, xã là nỗ lực rất đáng ghi nhận. Đồng thời ông Khoa cũng lưu ý rằng các thiết bị y tế phục vụ chẩn đoán, điều trị hen và COPD thường phức tạp, đòi hỏi chuyên môn cao từ cán bộ y tế.

Sau 25 năm triển khai, mô hình này đã được trao Giải thưởng KOVA năm 2017 và Giải thưởng thành tựu y khoa năm 2022. Đây là những minh chứng rõ ràng về giá trị thực tiễn mà mô hình mang lại cho người bệnh.

Không dừng lại ở đó, Liên Chi hội Hen - Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng Thành phố Hồ Chí Minh đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ phát triển 500 đơn vị chăm sóc hô hấp tại tuyến cơ sở trên cả nước. Để đạt mục tiêu này, các địa phương cần được hỗ trợ mạnh mẽ về đào tạo nhân lực, đầu tư trang thiết bị cũng như triển khai hiệu quả cơ chế phối hợp giữa các tuyến y tế. Đây cũng là định hướng phù hợp với chủ trương của Bộ Y tế trong việc nâng cao vai trò của trạm y tế phường, xã trong chăm sóc sức khỏe ban đầu. Tuy nhiên, để trạm y tế thật sự trở thành “người gác cổng” sức khỏe nhân dân, vẫn cần tháo gỡ những “điểm nghẽn” về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, Sở Y tế đã thí điểm mô hình liên kết giữa trạm y tế và bệnh viện tuyến trên. Theo đó, người bệnh được khám, sàng lọc tại cơ sở, nếu phát hiện có triệu chứng hô hấp sẽ được chuyển lên tuyến trên để chẩn đoán, điều trị bước đầu. Sau khi ổn định, họ quay lại trạm y tế địa phương để tiếp tục được cấp thuốc, theo dõi sức khỏe định kỳ.

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: “Chúng tôi đã tổ chức đấu thầu thuốc tập trung, bảo đảm cung ứng đầy đủ thuốc điều trị bệnh hô hấp mạn tính tại các trạm y tế, nhất là các nhóm bệnh như hen suyễn, COPD, cao huyết áp, đái tháo đường. Bảo hiểm xã hội Thành phố Hồ Chí Minh cũng tích cực phối hợp để thực hiện điều này”.

Hiện tại, toàn thành phố có 168 phường, xã, tương ứng với 168 trạm y tế. Theo ông Châu, thời gian tới ngành y tế thành phố sẽ tăng cường đầu tư cho hệ thống y tế cơ sở, khắc phục tình trạng thiếu bác sĩ đa khoa, trang thiết bị, bảo đảm đầy đủ thuốc điều trị theo danh mục bảo hiểm y tế.

Ông cũng lưu ý: “Nhiều nghiên cứu cho thấy nếu dự phòng tốt cho người bệnh sẽ hạn chế được cơn hen cấp tính hoặc không để COPD chuyển nặng. Danh mục thuốc đã được cập nhật, điều quan trọng là bác sĩ điều trị cần mạnh dạn kê toa đúng, sớm, nhằm kéo dài tuổi thọ và số năm sống khỏe cho người bệnh”.

Việc phát triển mô hình chăm sóc bệnh lý hô hấp mạn tính tại tuyến y tế cơ sở không chỉ góp phần bảo vệ sức khỏe người dân, mà còn thể hiện chiến lược phát triển y tế bền vững, lấy con người làm trung tâm. Với sự đồng lòng của ngành y tế, các cấp chính quyền và cộng đồng, mô hình này kỳ vọng sẽ được nhân rộng hơn nữa trong thời gian tới, tiến tới mục tiêu mọi người dân đều được chăm sóc sức khỏe ban đầu một cách toàn diện, thuận tiện và công bằng.

nhật thành

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/hieu-qua-mo-hinh-cham-soc-benh-ly-ho-hap-man-tinh-tai-co-so-post892983.html