Suy thận mạn âm thầm tấn công người trẻ

Việc phát hiện muộn kèm theo thói quen ăn uống, sinh hoạt thiếu lành mạnh, dùng thuốc không kiểm soát khiến nhiều người trẻ phải sống lệ thuộc vào chạy thận lọc máu suốt đời.

Tùy tiện sử dụng thực phẩm chức năng

Năm 2024, Nguyễn Tuấn Khang (23 tuổi, Hà Nội) chết lặng khi nhận kết luận "chức năng thận còn 10%, suy thận mạn giai đoạn 4, phải can thiệp lọc máu".

Nhiều người trẻ phát hiện suy thận muộn nên buộc phải điều trị lọc máu.

Nhiều người trẻ phát hiện suy thận muộn nên buộc phải điều trị lọc máu.

Vì mong muốn lên khối cơ, thể hình đẹp, Khang liên tục bổ sung khẩu phần giàu đạm, dùng đủ loại thực phẩm chức năng và thuốc tăng cơ được bạn tập mách bảo. Sau một thời gian sử dụng, Khang cảm nhận mình nhanh mệt hơn, kém ngủ, tiểu nhiều. Nhưng chỉ đến khi sức khỏe suy giảm, mệt mỏi, ăn uống kém rõ rệt, Khang mới tìm đến bệnh viện.

"Bác sĩ nói, chính việc bổ sung quá nhiều đạm động vật và sử dụng thực phẩm chức năng bừa bãi đã âm thầm hủy hoại thận của tôi và hệ quả giờ đây 3 buổi/tuần tôi phải gắn mình với chiếc máy chạy thận, tương lại gần như đã khép lại", Khang nuối tiếc chia sẻ.

BS Nguyễn Văn Thanh, Phó trưởng khoa Nội thận - Tiết niệu, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, mỗi tháng khoa tiếp nhận hàng chục ca bệnh trẻ tuổi nhập viện vì suy thận cấp hoặc mạn, trong đó phần lớn đều từng dùng thực phẩm chức năng hoặc "thuốc Đông y" tự mua.

Trả giá vì chủ quan

Tại Trung tâm Thận tiết niệu và Lọc máu, Bệnh viện Bạch Mai, cô gái trẻ Mai Phương (28 tuổi, Bắc Ninh) chạy thận nhân tạo đã 3 năm nay. "Do tôi chủ quan với sức khỏe bản thân, ngày học, đêm làm việc, rồi bữa ăn nào cũng tạm bợ với mì gói, đồ ăn nhanh, cà phê và nước ngọt... Giá như, trước đây tôi lưu ý với sức khỏe hơn...", Phương ngập ngừng khi nói về lý do khiến cô phải chạy thận.

Theo đó, kể từ sau khi ra trường, không từ bỏ bất cứ cơ hội việc làm nào, Phương luôn nỗ lực bất chấp cơ thể "gào thét" với lối sinh hoạt thiếu khoa học. Thậm chí, khi các cơn tiểu buốt xuất hiện, Phương cũng tự mua thuốc kháng sinh uống. Chỉ khi thấy buồn nôn, mệt mỏi, mất ngủ, thay đổi vị giác, Phương đi khám thì đã quá muộn với chỉ định suy thận mạn, phải điều trị thay thế thận sớm.

Còn với chị Nguyễn Hoa Mai (30 tuổi, Hà Nội) cũng buộc phải lọc máu chu kỳ, chờ cơ hội ghép thận vì suy thận mạn giai đoạn cuối. 5 năm trước, trong lần đi khám sức khỏe định kỳ, chị Mai đã được bác sĩ cảnh báo nước tiểu có protein niệu, cần điều trị bằng thuốc.

Uống thuốc "bữa đực, bữa cái", rồi cuốn vào công việc, có thời gian dài chị Mai bỏ quên việc tái khám và gần như không dùng thuốc. Khi cơ thể "đình công", đến bệnh viện khám, chị chỉ nhận được cái lắc đầu của bác sĩ bởi "chức năng thận dưới 10%".

Trung tâm Thận tiết niệu và Lọc máu đang điều trị nội trú khoảng 160 - 180 bệnh nhân thận. Trung bình mỗi ngày, nơi này tiếp nhận 30 - 40 ca mới. Đáng chú ý, tỷ lệ người bị suy thận dưới 30 tuổi ngày càng tăng. Nhiều trường hợp vào viện trong tình trạng quá muộn, không thể điều trị bảo tồn.

Gánh nặng khi mắc suy thận mạn

BS Thanh giải thích, nguyên nhân hàng đầu gây suy thận là bệnh cầu thận, sỏi tiết niệu và nhiễm trùng, bên cạnh đó là lối sống thiếu khoa học của người trẻ. Nhiều người trẻ duy trì thói quen ít vận động, thiếu ngủ, vệ sinh kém, uống không đủ nước, thường xuyên nhịn tiểu, lạm dụng rượu bia, hút thuốc lá, ăn mặn, tiêu thụ nhiều thịt, đường, đồ ngọt, thức ăn nhiều dầu mỡ, thực phẩm chế biến sẵn, béo phì, và sử dụng thuốc không kiểm soát...

Khi bệnh được phát hiện ở giai đoạn muộn, hệ quả không chỉ là chi phí điều trị cao, mà chất lượng sống, khả năng sinh sản và năng lực lao động suy giảm. Với người trẻ, suy thận mạn khiến cánh cửa tương lai dần khép.

Chi phí điều trị suy thận giai đoạn cuối đặt ra gánh nặng tài chính cho người bệnh và gia đình. Nếu không có BHYT, chi phí cho 1 tháng chạy thận (3 buổi/tuần) ước khoảng từ 9 - 15 triệu đồng; còn với ghép thận, chi phí từ 300 - 500 triệu đồng/ca, chưa kể các chi phí thuốc chống thải ghép sau đó.

TS. BS Nghiêm Trung Dũng, Giám đốc Trung tâm Thận tiết niệu và Lọc máu, Bệnh viện Bạch Mai cho rằng, suy thận mạn tính thường diễn biến âm thầm, không có triệu chứng rõ rệt ở giai đoạn đầu nên dễ bị bỏ qua. Hơn nữa, người trẻ hay chủ quan nghĩ bị mệt mỏi thông thường, ngại đến các cơ sở y tế khám dẫn tới không phát hiện sớm bệnh. Khi có dấu hiệu cảnh báo như mệt mỏi, buồn nôn, ăn không ngon miệng, bệnh đã giai đoạn muộn, khiến việc điều trị khó khăn, hiệu quả thấp.

"Chỉ cần xét nghiệm máu kiểm tra chức năng thận, tổng phân tích nước tiểu và siêu âm hệ tiết niệu là có thể sàng lọc và phát hiện sớm suy thận mạn tính. Chính vì vậy, người dân chủ động đi khám kiểm tra sức khỏe định kỳ và tầm soát bệnh thận ít nhất 1 lần/năm. Hiện chưa có biện pháp nào điều trị khỏi hoàn toàn suy thận mạn tính. Ở giai đoạn muộn, bệnh nhân buộc phải điều trị lọc máu cả đời hoặc ghép thận", BS Thanh chia sẻ.

Theo thống kê, Việt Nam hiện ghi nhận hơn 10 triệu người mắc bệnh thận mạn tính, chiếm khoảng 12,8% dân số trưởng thành. Mỗi năm có khoảng 8.000 ca mắc mới, với 800.000 bệnh nhân cần phải điều trị lọc máu. Đáng lưu ý, bệnh nhân mắc suy thận mạn tính ngày càng trẻ hóa, tăng ước khoảng 5%.

Để phòng bệnh, theo khuyến cáo của các bác sĩ, người dân cần thực hiện lối sống lành mạnh, chế độ ăn cân bằng, uống đủ nước, không ăn mặn, hạn chế đồ ăn nhanh và lạm dụng thức uống có cồn, tập thể dục thể thao hàng ngày tùy theo tình trạng sức khỏe từng cá nhân. Tránh sử dụng thuốc bừa bãi, đặc biệt là các thuốc không cần kê đơn, thuốc thảo dược không rõ nguồn gốc.

An Vũ

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.vn/suy-than-man-am-tham-tan-cong-nguoi-tre-192250709151021789.htm