Hiệu quả mô hình phân loại rác tại nguồn ở Hà Nam
Hơn 2 năm thực hiện thí điểm phân loại rác tại nguồn ở ba huyện Bình Lục, Lý Nhân, Thanh Liêm thuộc tỉnh Hà Nam đã đem lại những kết quả thiết thực trong bảo vệ môi trường.
Với quyết tâm nói không với rác thải nhựa và thúc đẩy phân loại rác tại nguồn, tỉnh Hà Nam từ năm 2022 đến nay đã có những thay đổi rõ rệt về ý thức bảo vệ môi trường của người dân.
Những bể chứa rác hữu cơ tập trung của xã
Tại thôn Văn Phú, thị trấn Bình Mỹ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam có hơn 100 hộ gia đình đã tham gia thí điểm mô hình phân loại rác hữu cơ tại nguồn.
Tại đây, mỗi gia đình được hỗ trợ xây dựng hoặc trang bị bể ủ rác hữu cơ trong vườn nên rác thải hữu cơ bao gồm rau củ, lá cây, thức ăn thừa, được gom vào bể ủ để phân hủy tự nhiên, tạo ra phân bón hữu cơ phục vụ cho việc trồng trọt.
Ông Nguyễn Văn Bảnh (một người dân tham gia mô hình trên tại xã Công Lý, huyện Lý Nhân, Hà Nam) cho biết, trước kia tất cả rác trong nhà đều gom chung vào túi nilon. Hiện nay, gia đình tận dụng rác hữu cơ để làm phân bón cho cây cối, tiết kiệm đáng kể chi phí mua phân và khu vực quanh nhà cũng sạch sẽ, rau trồng cũng an toàn hơn.
Tuy nhiên, ông Bảnh cho rằng, không phải gia đình nào cũng có đủ điều kiện để xây dựng bể ủ, đặc biệt với những hộ dân không có vườn hoặc diện tích đất hạn chế.
Để giải quyết vấn đề này, chính quyền xã Công Lý đã xây dựng các bể xử lý rác hữu cơ tập trung trên đất công, giúp tất cả người dân có thể tham gia phân loại và xử lý rác hiệu quả. Những bể tập trung này không chỉ giúp giảm áp lực xử lý rác, mà còn khuyến khích sự tham gia của cả cộng đồng.
Theo đại diện chính quyền xã Công Lý, việc xây dựng bể xử lý rác hữu cơ tập trung là giải pháp tối ưu để hỗ trợ các hộ gia đình có diện tích hạn chế. Nhờ có những bể này, trên địa bàn có thể đảm bảo mọi người đều có cơ hội tham gia phân loại rác hữu cơ, đồng thời giảm bớt chi phí xử lý rác cho ngân sách huyện.
Khi trường học, “quán cóc” chung tay bảo vệ môi trường
Cũng tại xã Công Lý, huyện Lý Nhân, quán cháo nhỏ của chị Nguyễn Thị Châm đã trở thành một hình mẫu trong việc giảm thiểu rác thải nhựa. Từng sử dụng hộp nhựa dùng một lần để đựng cháo, chị Châm sau đó nhận thấy sự bất tiện khi đựng đồ nóng bằng hộp nhựa không chỉ làm giảm hương vị món ăn, mà còn gây lo ngại về sức khỏe.
Do đó, chị đã quyết định thay đổi, cung cấp hai lựa chọn cho khách hàng là sử dụng hộp giấy với giá tăng thêm 1.000 đồng hoặc mang theo dụng cụ đựng từ nhà.
“May mắn là quyết định này của tôi nhận được hưởng ứng của nhiều người, đến nay khách hàng của tôi không còn dùng túi nilon hay hộp nhựa nữa" - chị Châm chia sẻ.
Không chỉ dừng lại ở cộng đồng, các sáng kiến đã lan tỏa tới các trường học khi tại Trường THCS xã Thanh Hải và THCS xã Liêm Túc, huyện Thanh Liêm, việc lồng ghép nội dung bảo vệ môi trường vào bài học và tổ chức cuộc thi sáng tạo đã giúp học sinh nhận thức sâu sắc hơn về trách nhiệm của mình.
Ngoài giờ học, mỗi tháng các em học sinh của trường sẽ cùng Đoàn thanh niên địa phương tổ chức dọn dẹp đường làng ngõ xóm, góp phần lan tỏa thông điệp “sạch từ nhà ra ngõ".
UBND tỉnh Hà Nam kỳ vọng với sự đồng lòng từ người dân, các mô hình phân loại rác tại nguồn sẽ được nhân rộng ra toàn tỉnh, góp phần xây dựng một hệ thống quản lý môi trường bền vững, hướng tới mục tiêu giảm 30-40% chi phí xử lý rác và nâng cao chất lượng cuộc sống cho cộng đồng.
Nguồn Công Lý: https://congly.vn/hieu-qua-mo-hinh-phan-loai-rac-tai-nguon-o-ha-nam-461883.html