Hiệu quả mô hình sản xuất ngô sinh khối liên kết tiêu thụ sản phẩm
Sự biến đổi khí hậu trong những năm gần đây đã ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Ngày càng có nhiều diện tích đất sản xuất không đủ nước tưới phải bỏ hoang hoặc trồng cây kém hiệu quả. Giải pháp có tính bền vững được Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai là xây dựng các mô hình cây trồng cạn để chuyển đổi cây trồng trong vụ hè thu. Mô hình trồng ngô sinh khối có liên kết bao tiêu sản phẩm của Công ty Cổ phần Tổng Công ty Thương mại Quảng Trị (Tổng Công ty Thương mại Quảng Trị) là mô hình mang lại hiệu quả cao được nông dân đồng tình hưởng ứng.
Hằng năm, vụ hè thu toàn tỉnh có gần 2.000 ha đất lúa không đủ nước tưới nên cây sinh trưởng kém, năng suất thấp, sâu bệnh gây hại nhiều dẫn đến sản xuất không hiệu quả. Trong những năm gần đây, ngành nông nghiệp tỉnh đã có những chính sách khuyến khích chuyển đổi diện tích lúa thiếu nước sang trồng các loại cây trồng cạn phù hợp như: Đậu xanh, dưa hấu, ngô lấy hạt... có giá trị kinh tế cao hơn.
Nhằm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, khai thác tiềm năng lợi thế đất đai, vụ hè thu năm 2022, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã triển khai mô hình sản xuất ngô sinh khối trên đất lúa thiếu nước có liên kết với Tổng Công ty Thương mại Quảng Trị để tiêu thụ sản phẩm.
Mô hình được triển khai trên diện tích 10 ha tại các xã Linh Trường và Phong Bình, huyện Gio Linh. Trên cơ sở vùng sản xuất tập trung, các thôn chọn hộ có đủ điều kiện tham gia mô hình, cam kết thực hiện đúng theo quy trình hướng dẫn nhằm mang lại hiệu quả cao. Có 65 hộ tham gia mô hình ở các thôn Ba De, Cu Đinh (xã Linh Trường) và Tổ hợp tác (THT) Lễ Môn (xã Phong Bình).
Trong quá trình thực hiện, cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông đã bám sát địa bàn, hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân nên các hộ tham gia mô hình tiến hành sản xuất thuận lợi. Giống ngô biến đổi gen NK7328 Bt/ GT có thời gian sinh trưởng ngắn, từ khi gieo đến thu hoạch 75 - 80 ngày, phù hợp gieo trồng trên đất lúa thiếu nước trong vụ hè thu. Đây là giống ngô chịu hạn mức độ trung bình, chịu úng kém, có khả năng sinh trưởng tốt trong điều kiện thâm canh, đặc biệt bộ phận thân lá phát triển mạnh cho năng suất sinh khối cao (năng suất sinh khối bao gồm thân lá chiếm khoảng 70% và quả chiếm khoảng 30%).
Do đó, biện pháp kỹ thuật là bón phân đầy đủ ngay từ giai đoạn cây con, nhất là phân đạm để tăng trưởng bộ phận thân lá. Kết quả, năng suất ngô sinh khối ở THT Lễ Môn đạt khoảng 65 tấn/ha, xã Linh Trường đạt 55 tấn/ha. Với giá bán sản phẩm ngô sinh khối 1.000 đồng/kg thì giá trị sản xuất đưa lại ở THT Lễ Môn đạt 65 triệu đồng/ha, lợi nhuận 25 triệu đồng/ha; tại các thôn của xã Linh Trường đạt 55 triệu đồng/ha, lợi nhuận 15 triệu đồng/ha.
So với trồng lúa thì mô hình trồng ngô sinh khối tại THT Lễ Môn mang lợi nhuận cao hơn nhiều lần trên cùng chân đất (trồng lúa chỉ mang lại lợi nhuận 1,2 triệu đồng/ha, trong khi trồng ngô sinh khối mang lại hiệu quả 25 triệu đồng/ha). Cân đối với các thôn Ba De và Cu Đinh của Linh Trường thì những chân đất này trong vụ hè thu bị bỏ hoang, cỏ mọc nhiều nhưng nay trồng ngô sinh khối hạn chế cỏ mọc, đất hoang hóa, lại có thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Mô hình trồng ngô sinh khối trên đất lúa thiếu nước tại xã Linh Trường và THT Lễ Môn xă Phong Bình bước đầu mang lại hiệu quả khá, tạo bước đột phá mới trong việc thực hiện luân canh cây ngô với cây lúa, góp phần hạn chế nguồn bệnh trong đất, tăng hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích. Kết quả mô hình đã làm thay đổi nhận thức, tập quán canh tác, tạo việc làm và tăng thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số xã Linh Trường, hạn chế tình trạng bỏ hoang đất trong vụ hè thu.
Từ đó giúp người dân nhận thức sâu rộng, lan tỏa về chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với biến đổi khí hậu. Mô hình đã thể hiện sự kết nối 3 nhà: Nhà nước - nhà nông và nhà doanh nghiệp về triển khai thực hiện, liên kết thu mua sản phẩm, mở ra hướng sản xuất gắn liền với tiêu thụ sản phẩm, thúc đẩy người dân an tâm đầu tư sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập, tạo hướng sản xuất bền vững trong nông nghiệp.
Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị Trần Cẩn cho biết: “Mô hình đã đạt được mục đích chuyển đổi đất lúa thiếu nước trong vụ hè thu sang sản xuất ngô sinh khối mang lại hiệu quả kinh tế cao trên đơn vị diện tích, luân canh cây trồng hạn chế sâu bệnh, mở ra hướng sản xuất thức ăn phát triển chăn nuôi, đồng thời tạo bước đột phá mới trong cơ cấu giống cây trồng, phù hợp với đất đai, khí hậu, mùa vụ, làm tăng hệ số sử dụng đất, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế trong chuỗi sản xuất nông nghiệp tại địa phương. Trên cơ sở những kết quả thu được và kinh nghiệm rút ra từ mô hình sản xuất, trung tâm sẽ tiếp tục nghiên cứu, thống nhất hoàn thiện quy trình sản xuất ngô sinh khối trên đất lúa thiếu nước hoàn chỉnh, áp dụng đại trà”.
Từ kết quả mô hình trồng ngô sinh khối, trong thời gian tới, địa phương cần quy hoạch vùng trồng ngô sinh khối tập trung, liên kết tiêu thụ sản phẩm, tạo hàng hóa, nâng cao thu thập cho nông dân. Các địa phương đủ điều kiện nhưng chưa thực hiện sản xuất mô hình ngô sinh khối thì cũng nên vận động nông dân chuyển đổi trên đất lúa thiếu nước trong vụ hè thu sang trồng ngô sinh khối và liên kết với Tổng Công ty Thương mại Quảng Trị tiêu thụ sản phẩm để tăng thu nhập của người dân, tránh bỏ hoang đất.
Huyện Gio Linh cần mở rộng phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị, Tổng Công ty Thương mại Quảng Trị để hỗ trợ các địa phương tiếp tục nhân rộng mô hình, đồng thời xây dựng kế hoạch mở rộng diện tích sản xuất ngô sinh khối trên đất lúa thiếu nước, liên kết tiêu thụ sản phẩm mang lại hiệu quả kinh tế cao. Mô hình mở ra hướng sản xuất nông nghiệp theo hướng tuần hoàn, đồng thời tạo bước đột phá mới trong cơ cấu giống cây trồng, phù hợp với đất đai, khí hậu, mùa vụ, làm tăng hệ số sử dụng đất, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế trong chuỗi sản xuất nông nghiệp tại địa phương.