Hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách
ĐBP - Các chương trình tín dụng chính sách đã tạo chuyển biến tích cực, góp phần cải thiện đời sống của người nghèo và đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tín dụng chính sách đã trở thành “điểm tựa” vững chắc, giúp người dân có việc làm ổn định, hỗ trợ sản xuất... vươn lên thoát nghèo.
Xác định nguồn vốn tín dụng chính sách ưu đãi là “đòn bẩy” hỗ trợ người nghèo, doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, kinh doanh, Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội (CSXH) tỉnh Điện Biên đã bám sát chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh, nhanh chóng đưa vốn đến đúng đối tượng thụ hưởng.
Hàng năm, các phòng giao dịch Ngân hàng CSXH niêm yết tất cả chương trình tín dụng chính sách tại điểm giao dịch xã. Đồng thời, phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị - xã hội tuyên truyền, phổ biến các chương trình tín dụng ưu đãi, đối tượng vay vốn, mức vay, thời hạn vay, lãi suất… để người dân nắm và tiếp cận nguồn vốn khi có nhu cầu. Cán bộ Ngân hàng CSXH tổ chức điều tra, rà soát, phê duyệt đối tượng đủ điều kiện vay vốn tín dụng chính sách, nhất là hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo. Trên cơ sở đó, Ngân hàng CSXH triển khai chương trình một cách kịp thời, đúng đối tượng thụ hưởng.
Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Trưởng phòng Kế hoạch - Nghiệp vụ tín dụng, Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh Điện Biên cho biết: Công tác cho vay vốn được thực hiện theo hướng rút gọn trình tự, thủ tục, giảm thời gian giải quyết hồ sơ, đảm bảo giải ngân vốn cho khách hàng trong thời gian sớm nhất. Ngân hàng cũng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay, đảm bảo nguồn vốn vay sử dụng đúng mục đích và mang lại hiệu quả cao nhất.
Giai đoạn 2014 - 2024, các chương trình tín dụng chính sách đã giúp trên 220.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác có nguồn vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế hộ gia đình, xây dựng nhà ở ổn định. Có vốn giúp người dân từng bước thay đổi tư duy, cách thức sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập, nâng cao đời sống, giảm nghèo bền vững. Cụ thể, nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã hỗ trợ tạo việc làm ổn định cho trên 20.000 lao động; 274 lao động được hỗ trợ vay vốn đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; 560 học sinh, sinh viên vay vốn để học chuyên nghiệp; đầu tư xây dựng gần 40.000 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; 4.120 hộ được hỗ trợ vay vốn làm nhà ở. Nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã đóng góp quan trọng vào thành quả phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo quốc phòng – an ninh, củng cố niềm tin của nhân dân các dân tộc đối với chính sách của Đảng và Nhà nước.
Ngoài nguồn vốn tín dụng chính sách từ Trung ương, hàng năm, tỉnh Điện Biên ưu tiên cân đối, bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng CSXH thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi trên địa bàn. Giai đoạn 2014 - 2024, tỉnh Ðiện Biên đã chuyển 99,44 tỷ đồng sang hệ thống Ngân hàng CSXH, nâng tổng số vốn địa phương chuyển ủy thác cho vay tín dụng xã hội lên 102,162 tỷ đồng.
Ông Lường Văn Thành, bản Phăng 2, xã Mường Phăng (TP. Ðiện Biên Phủ) là khách hàng thường xuyên của Ngân hàng CSXH trong nhiều năm qua. Nhờ nguồn vốn tín dụng ưu đãi, gia đình ông Thành từ hộ khó khăn vươn lên hộ khá bằng các mô hình sản xuất nông nghiệp.
Trước năm 2014, ông Thành chỉ có 3.000m2 ruộng và 5.000m2 vườn. Quanh năm trồng lúa, trồng ngô vất vả nhưng thu nhập chỉ đủ ăn và trang trải cuộc sống. Năm 2014, ông Thành được Ngân hàng CSXH tạo điều kiện cho vay 50 triệu đồng để chăn nuôi và trồng cây ăn quả trên đất vườn. Mô hình kinh tế hiệu quả, ông Thành trả hết nợ và cuộc sống đỡ vất vả hơn. Đến năm 2019, theo chủ trương tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp của TP. Ðiện Biên Phủ, ông Thành quyết định vay thêm 100 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH chuyển toàn bộ diện tích đất ruộng sang trồng nho, dâu tây. Đến nay, mô hình sản xuất của ông Thành đã trở thành mô hình điểm của xã Mường Phăng, giúp gia đình ông Thành thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Mường Nhé là huyện biên giới, vùng cao của tỉnh với 67,26% dân số là người dân tộc Mông. Giao thông đi lại khó khăn, cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ; người dân chủ yếu làm nông nghiệp theo tư duy và hình thức canh tác truyền thống, cuộc sống khó khăn, thiếu thốn.
Trước thực trạng đó, các chương trình tín dụng chính sách được xem như “bệ đỡ” để người dân Mường Nhé vươn lên. Nguồn vốn được phủ đến 100% thôn, bản trên địa bàn; hạn mức cho vay, thời gian và lãi suất tín dụng chính sách phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương. Do đó, người dân dễ dàng tiếp cận, sử dụng nguồn vốn. Sau nhiều năm triển khai, vốn tín dụng chính sách đã khẳng định được tính hiệu quả, giúp người dân chuyển đổi sản xuất, phát triển kinh tế hộ, tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống.
Ông Nguyễn Văn Úy, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Nhé cho biết: Hơn 10 năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách đã hỗ trợ gần 11.500 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác có vốn sản xuất kinh doanh; trên 1.300 hộ xóa được nhà tạm, dột nát; trên 1.000 lao động tạo được việc làm ổn định; 47 lao động đi xuất khẩu lao động; 82 học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn đi học. Tín dụng chính sách đã góp phần quan trọng giúp huyện Mường Nhé giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 50,19% năm 2014 xuống còn 41,26% năm 2024. Riêng năm 2024, huyện Mường Nhé giảm 6,04% hộ nghèo, vượt chỉ tiêu nghị quyết đề ra và cao hơn mức giảm nghèo bình quân của tỉnh.