Hiệu quả những chính sách hỗ trợ giảm nghèo ở Quản Bạ
Nhằm thực hiện tốt công tác giảm nghèo bền vững; huyện Quản Bạ đã triển khai, thực hiện hiệu quả nhiều chính sách hỗ trợ, ưu tiên người nghèo như: Nghị quyết 30a của Chính phủ, Chương trình 135 và tín dụng chính sách trên địa bàn. Các chính sách đã đi vào cuộc sống bằng những nguồn vốn ưu đãi, hợp lý; giúp nhiều hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn có điều kiện phát triển sản xuất, tăng thu nhập, vươn lên thoát nghèo và góp phần không nhỏ trong công cuộc làm thay đổi diện mạo nông thôn.
Đồng chí Hạng Dương Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Quản Bạ cho biết: Với đặc thù là huyện vùng cao núi đá còn nhiều khó khăn như Quản Bạ, thì việc giảm nghèo nhanh và bền vững luôn được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu. Từ khi có Nghị quyết 30a, Chương trình 135 được triển khai, thực hiện đồng bộ; huyện đã xây dựng kế hoạch và phối hợp với các ban, ngành chuyên môn huyện, các xã, thị trấn thực hiện hiệu quả nhiều dự án hỗ trợ cụ thể, minh bạch; bằng nhiều nỗ lực đến nay, cuộc sống của người dân đã có nhiều thay đổi, các thôn, xã thường xuyên bị ảnh hưởng thiên tai bão, lũ sớm được hồi sinh; các thôn vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới có nhiều khởi sắc về các mô hình kinh tế tiêu biểu hay các mô hình giảm nghèo phát huy hiệu quả như: Thôn Tùng Nùn, Lùng Tám Cao (xã Lùng Tám); thôn Na Quang (Bát Đại Sơn); Phín Ủng, Cốc Pục (Nghĩa Thuận) và các xã Tùng Vài, Quyết Tiến, Thanh Vân...
Trong năm 2019, với các chính sách đặc thù theo Nghị Quyết 30a, huyện được bố trí cấp nguồn vốn trên 8,695 tỷ đồng; huyện đã phân bổ nguồn vốn và sử dụng hợp lý như: Hỗ trợ bảo vệ và phát triển rừng trên 3,892 tỷ đồng; hỗ trợ phát triển sản xuất gần 4 tỷ đồng để triển khai, thực hiện 10 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cụ thể như: Hỗ trợ trồng khoai tây, lạc và giống lạc mới theo hướng hàng hóa; hỗ trợ trồng lúa chất lượng cao, chăn nuôi thỏ, gà địa phương;... Với tổng kinh phí trên 3,700 tỷ đồng, số hộ được hưởng lợi 2.850 hộ; hỗ trợ nhân rộng mô hình giảm nghèo đã giải ngân 300/300 triệu đồng nhằm hỗ trợ 25 hộ thực hiện mô hình chăn nuôi gà địa phương và chim bồ câu tại xã Đông Hà... Chương trình 135 được cấp vốn trên 3,539 tỷ đồng, hỗ trợ các dự án phát triển sản xuất và 40 hộ nghèo mua trâu, bò hàng hóa. Đến nay, các nguồn vốn đã được các cơ quan chuyên môn trực tiếp giải ngân 100%; các dự án, mô hình đã và đang đạt hiệu quả bước đầu, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân yên tâm sản xuất, sinh kế hóa... Ngoài ra, các chính sách tín dụng của Ngân hàng CSXH huyện đã giúp cho các gia đình chính sách được tiếp cận nguồn vốn để phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo mạnh mẽ.
Đến thôn Tùng Nùn, xã Lùng Tám là một trong những thôn điển hình về thay đổi cuộc sống; từ một thôn nghèo, thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lũ càn quét… Từ khi dự án hỗ trợ sản xuất được triển khai đến nay, diện tích gieo trồng luôn đạt trên 218 ha; có 16 mô hình kinh tế mang lại hiệu quả, cho thu nhập cao như: Nuôi bò, chim bồ câu, lợn đen, thỏ...; thu nhập bình quân đầu người đạt 15 triệu đồng; năm 2019, có 13 hộ thoát nghèo...
Hiệu quả từ các chính sách hỗ trợ giảm nghèo đang được thực hiện ở Quản Bạ đã mang lại nhiều chuyển biến tích cực trong đời sống của người dân; số hộ nghèo giảm ừng năm, đời sống của nhân dân ngày được nâng cao. Đến nay, toàn huyện có 251 mô hình kinh tế hiệu quả; năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm còn 33,52%, thu nhập bình quân đầu người toàn huyện đạt trên 22 triệu đồng... Đó là cơ sở để huyện tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện công khai, dân chủ và bàn bạc trong nhân dân để tạo sự đồng thuận trong thực hiện các chính sách, từng bước mang lại cuộc sống mới cho người dân nghèo Quản Bạ.
Bài, ảnh: Vương Mai