Hiệu quả tích cực trong liên kết tuyên truyền tư vấn, giới thiệu việc làm
Thời gian qua, công tác tuyên truyền, định hướng học nghề, tìm việc làm để người dân nâng cao thu nhập được UBND huyện Cao Lãnh quan tâm, chỉ đạo các ngành và UBND các xã, thị trấn tập trung thực hiện với nhiều giải pháp cụ thể như: phối hợp khảo sát nhu cầu học nghề của thanh niên, người dân tại các xã, thị trấn; vận động người dân đăng ký tham gia học nghề, tìm việc làm trong, ngoài huyện; đăng ký đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng.

Học sinh Trường THCS Tân Hội Trung (huyện Cao Lãnh) tham gia hoạt động trải nghiệm học nghề tại Trường Cao đẳng Cơ điện Xây dựng Việt Xô chi nhánh Đồng Tháp
Năm 2024, UBND huyện ban hành kế hoạch về chuyển dịch lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ, đào tạo nghề phi nông nghiệp, chỉ đạo cơ quan chuyên môn, UBND các xã, thị trấn phối hợp các tổ chức chính trị - xã hội triển khai thực hiện nhiều giải pháp phù hợp với địa phương, nhu cầu của người dân. Các ngành đã tuyên truyền các danh mục nghề, chính sách hỗ trợ của Nhà nước theo Quyết định số 1169 của UBND tỉnh về phê duyệt mức chi phí đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng theo Quyết định số 46 ngày 28/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời trong các buổi sinh hoạt chi tổ hội, Tổ nhân dân tự quản tại khóm, ấp, người dân đều được tiếp cận với các thông tin tuyên truyền, tư vấn học nghề, chế độ, chính sách học nghề.
Phòng Nội vụ, UBND các xã, thị trấn, các tổ chức chính trị - xã hội thường xuyên khảo sát nhu cầu học nghề của người dân, nhu cầu tuyển dụng và đào tạo nghề cho công nhân các doanh nghiệp để kịp thời tham mưu, đề xuất, hỗ trợ đào tạo; rà soát, cập nhật tình hình giải quyết việc làm sau đào tạo; chú trọng gắn kết giữa cơ sở giáo dục và doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động trong đào tạo. Qua đó, các ngành, đơn vị liên quan phối hợp các cơ sở thủ công mỹ nghệ trên địa bàn huyện bao tiêu sản phẩm của người học nghề, hầu hết người lao động sau khi hoàn thành chương trình học nghề nhận gia công tại nhà đối với các nghề như: tạo sản phẩm từ lục bình, bẹ chuối; đan ghế nhựa... Đối với nghề sửa kiểng bonsai, vận hành, sửa chữa máy phun xịt thuốc; nữ công gia chánh, người dân sau khi học nghề có thể tự tìm việc làm ở địa phương bằng cách tham gia các Tổ hợp tác như: trồng và sửa kiểng thuê, phun xịt thuốc, dịch vụ nấu ăn... Tỷ lệ lao động có việc làm sau học nghề đạt từ 70 - 80%, thu nhập trung bình từ 200.000 đồng - 300.000 đồng/người/ngày.
Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, các trường THPT, THCS trên địa bàn huyện phối hợp tổ chức tư vấn, phân luồng cho học sinh THCS, đưa học sinh THPT trên địa bàn tham dự các buổi trải nghiệm hướng nghiệp trực tiếp tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Hàng năm, các ngành, các trường THCS, THPT trên địa bàn huyện phối hợp Trường Cao đẳng Cộng đồng và Trường Cao đẳng Cơ điện Xây dựng Việt Xô chi nhánh Đồng Tháp tổ chức tư vấn hướng nghiệp cho học sinh đang học lớp 9. Hoạt động trải nghiệm và hướng nghiệp thực hiện theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với thời lượng 105 tiết/lớp/năm học, nội dung được giáo viên tích hợp, lồng ghép vào các môn học và hoạt động giáo dục của nhà trường.
Công tác tư vấn nghề nghiệp, việc làm, hỗ trợ khởi nghiệp cho học sinh trong nhà trường từng bước được nâng lên và mang lại hiệu quả thiết thực. Các chính sách hỗ trợ học nghề, tìm việc làm được UBND huyện quan tâm, triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời. Từ đầu năm 2025 đến nay, thông qua công tác phối hợp, toàn huyện Cao Lãnh có 108/250 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng và 115 lao động đang học định hướng. Phòng chuyên môn huyện phối hợp tổ chức tuyên truyền tư vấn đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài tại Trường THPT Cao Lãnh 2, có 50 học sinh tham dự.
Trong thời gian tới, UBND huyện, phòng chuyên môn phối hợp tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về vai trò, vị trí của đào tạo nghề đối với phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn. Các ngành phối hợp tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp xây dựng kế hoạch đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu của từng địa phương. Chú trọng đào tạo nghề theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp. Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, các đơn vị trường THCS, THPT tăng cường cung cấp thông tin, kiến thức về thị trường lao động, nhu cầu tuyển dụng, mức thu nhập để học sinh hiểu và lựa chọn nghề. Cùng với đó, duy trì và phát triển các Câu lạc bộ nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; Câu lạc bộ ý tưởng khởi nghiệp để học sinh có môi trường hình thành, phát triển các ý tưởng, dự án khởi nghiệp...