Hiệu quả trong hợp tác Việt Nam - Ấn Độ tại Mỹ Sơn

Thực hiện các bản thỏa thuận giữa chính phủ hai nước, Ấn Độ đã và đang tiếp tục giúp Việt Nam trùng tu, phục hồi các nhóm tháp tại di tích Mỹ Sơn

Vừa qua, ông Phan Thái Bình, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Nam, đã ký công văn gửi Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, thống nhất với Ý định thư về dự án bảo tồn và phục hồi khu tháp F ở Mỹ Sơn, do phía Ấn Độ đề xuất.

Tháp F cần sớm được trùng tu

Theo ông Phan Thái Bình, ngày 21-12-2020, Thủ tướng Việt Nam và Thủ tướng Ấn Độ đã ra Tuyên bố tầm nhìn chung Việt Nam - Ấn Độ về hòa bình, thịnh vượng và lợi ích của người dân hai nước. Qua đó, chính phủ hai bên đã ký kết 7 thỏa thuận, bản ghi nhớ và 3 chương trình tăng cường hợp tác song phương. Trong đó, Chính phủ Ấn Độ thống nhất tài trợ "Dự án bảo tồn, phát huy giá trị nhóm tháp F thuộc khu di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn, xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam". Sau Tuyên bố tầm nhìn chung giữa 2 chính phủ, UBND tỉnh Quảng Nam đã phối hợp chặt chẽ với Đại sứ quán Ấn Độ triển khai nội dung đã được thống nhất. Trong giai đoạn 2020-2023, UBND tỉnh Quảng Nam đã đón và làm việc với đoàn chuyên gia của cơ quan khảo sát và khảo cổ Ấn Độ (ASI) liên quan việc xây dựng báo cáo dự án trùng tu và bảo tồn nhóm tháp F tại di sản văn hóa Mỹ Sơn.

Ban Quản lý (BQL) di sản văn hóa Mỹ Sơn cho biết những năm trước, trong quá trình thực hiện dự án trùng tu khu tháp K, H, A, các chuyên gia ASI đã xây dựng báo cáo dự án trùng tu và bảo tồn nhóm tháp F tại di sản văn hóa Mỹ Sơn. Riêng từ tháng 11-2023 đến tháng 1-2024, đoàn chuyên gia đã quay lại Mỹ Sơn thu thập các dữ liệu cần thiết để lên kế hoạch trùng tu, bảo tồn 3 nhóm tháp E, F và A' trong những năm tiếp theo.

Ông Nguyễn Công Khiết, Giám đốc BQL di sản văn hóa Mỹ Sơn, cho biết khu tháp F trước đây có 3 ngôi tháp F1, F2, F3. Trong những năm chiến tranh tháp F3 đã bị bom đạn đánh sập hoàn toàn. Hiện chỉ còn 2 tháp F1, F2.

Trong đó, tháp F1 là đền chính, tọa lạc ở trung tâm khu tháp F. Tháp F1 có niên đại thế kỷ VIII - IX, bề mặt gạch đã chuyển màu vàng nhạt, mủn, nhiều nơi có dấu hiệu hoàn thổ. Di tích này được khai quật năm 2003, chưa có dấu vết trùng tu. Nhiều khe nứt dài và sâu, xiên từ trong ra ngoài, tường bao nhiều đoạn gãy đứt xô lệch khá nghiêm trọng.

Tháp F2 là tháp cổng, đã bị sập chỉ còn mảng tường đang ở trạng thái nghiêng và được chống bằng những thanh sắt. Do đó, việc có giải pháp bảo tồn trong thời gian tới là cấp thiết.

Thành công từ hợp tác Việt Nam - Ấn Độ

Trước khi tiến hành các bước để chuẩn bị trùng tu nhóm tháp F, Chính phủ Ấn Độ đã hỗ trợ Việt Nam trùng tu các nhóm tháp A, K, H tại di tích Mỹ Sơn.

Theo BQL di sản văn hóa Mỹ Sơn, sau hơn 6 năm thực hiện, dự án bảo tồn, tôn tạo di sản văn hóa thế giới khu di tích Mỹ Sơn đã hoàn thành cơ bản các nội dung chính của dự án, bảo đảm các nguyên tắc về bảo tồn di tích, được Cục Di sản văn hóa - Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch và các chuyên gia của Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia đánh giá tốt. Thông qua quá trình thực hiện dự án đã góp phần nâng cao năng lực về quản lý, chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, tạo điều kiện xây dựng và hình thành lực lượng công nhân lành nghề về bảo tồn di tích. Việc hoàn thành công tác tu bổ, tôn tạo tại 2 khu tháp H, K và một phần khu A không những khắc phục tình trạng hư hỏng, xuống cấp của các di tích mà còn góp phần phục hồi, hoàn thiện không gian kiến trúc khu đền tháp Mỹ Sơn.

Diện mạo khu tháp K tại di tích Mỹ Sơn trước khi được chính phủ Ấn Độ hỗ trợ trùng tu

Diện mạo khu tháp K tại di tích Mỹ Sơn trước khi được chính phủ Ấn Độ hỗ trợ trùng tu

Đáng chú ý, trong quá trình tu bổ, tôn tạo di tích đã phát hiện được 734 hiện vật các loại, trong đó có những hiện vật độc đáo của nền điêu khắc Chăm Pa, phục vụ công tác trưng bày và nghiên cứu lịch sử văn hóa Chăm. Đặc biệt, trong quá trình bóc tách lớp đất bị vùi lấp trong lòng tháp A10, các chuyên gia Ấn Độ và Việt Nam đã phát hiện một đài thờ sa thạch với Linga - Yoni liền khối còn nguyên vẹn. Đây là bộ Linga - Yoni liền khối lớn nhất của nền điêu khắc Chăm Pa được tìm thấy đến nay, hiện đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia.

Các chuyên gia của cơ quan khảo sát và khảo cổ Ấn Độ (ASI) hỗ trợ trùng tu nhóm tháp A tại di tích Mỹ Sơn

Các chuyên gia của cơ quan khảo sát và khảo cổ Ấn Độ (ASI) hỗ trợ trùng tu nhóm tháp A tại di tích Mỹ Sơn

Theo ông Phan Thái Bình, dự án hợp tác giữa hai chính phủ Việt Nam và Ấn Độ trong công tác bảo tồn, tôn tạo các nhóm tháp A, K, H tại Mỹ Sơn giai đoạn 2016-2022 đã đạt được những kết quả tích cực. Các nhóm tháp A, K, H sau khi trùng tu đã được các chuyên gia trong nước, quốc tế và du khách đánh giá cao.

Diện mạo khu tháp K tại di tích Mỹ Sơn sau khi được chính phủ Ấn Độ hỗ trợ trùng tu

Diện mạo khu tháp K tại di tích Mỹ Sơn sau khi được chính phủ Ấn Độ hỗ trợ trùng tu

Có thể thấy kết quả thực hiện của dự án bảo tồn, tôn tạo di sản văn hóa thế giới khu di tích Mỹ Sơn là một bằng chứng sinh động về tình đoàn kết, hữu nghị và sự hợp tác đầy hiệu quả của Chính phủ và nhân dân hai nước Việt Nam - Ấn Độ.

Tuyên dương tập thể lao động xuất sắc

Ngày 30-7, tại Hội nghị tuyên dương khen thưởng phong trào thi đua yêu nước năm 2024, đồng thời phát động phong trào thi đua chào mừng kỷ niệm 420 năm danh xưng Duy Xuyên, BQL di sản văn hóa Mỹ Sơn được trao tặng Cờ thi đua và danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc từ UBND tỉnh Quảng Nam. UBND huyện Duy Xuyên cũng đã trao giấy khen cho 3 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác trong năm 2023 - 2024.

Bài và ảnh: TRẦN THƯỜNG

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/hieu-qua-trong-hop-tac-viet-nam-an-do-tai-my-son-1962408062013178.htm