Hiệu quả từ các chương trình tín dụng chính sách ở Lâm Hà
Nhằm góp phần xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội với phương châm 'Không để người nghèo và các đối tượng yếu thế bị bỏ lại phía sau', thời gian qua, nguồn vốn từ các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn huyện Lâm Hà thật sự trở thành 'cánh tay nối dài' giữa Đảng, Nhà nước với các hộ nghèo, hộ chính sách trên địa bàn.
![Khen thưởng cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong hoạt động tín dụng chính sách năm 2024](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_07_439_51414926/da31fa7ec2302b6e7221.jpg)
Khen thưởng cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong hoạt động tín dụng chính sách năm 2024
Bà Chắng Khánh Quỳnh Lan - Phó Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Lâm Hà cho biết: “Năm 2024, Ban Đại diện Hội đồng Quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện đã bám sát các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, nghị quyết của Hội đồng Quản trị cấp trên, các văn bản của NHCSXH Việt Nam và NHCSXH tỉnh đã chỉ đạo NHCSXH huyện và các cấp, các ngành có liên quan triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh gắn với Chương trình Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết 11 của Chính phủ nhằm đảm bảo an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững”.
Theo đó, thực hiện các chỉ tiêu theo nghị quyết đã đề ra, Ban Đại diện Hội đồng Quản trị NHCSXH huyện Lâm Hà duy trì họp định kỳ để triển khai các văn bản, nghị quyết của Ban Đại diện Hội đồng Quản trị cấp trên và tổ chức chỉ đạo triển khai thực hiện cơ bản tốt các chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra trong năm 2024. Đơn cử, trong năm, tổng nguồn vốn nhận ủy thác của địa phương tăng trưởng là trên 3,8 tỷ đồng; tăng trưởng dư nợ tín dụng đạt 8,75%/năm; tỷ lệ thu hồi nợ đến hạn 98,93% (tăng 2,31%); tỷ lệ nợ quá hạn/tổng dư nợ 0,1%; tỷ lệ giải ngân tại xã 98,93% (tăng 0,35%); tỷ lệ thu nợ tại xã 97,84% (tăng 4,7%). Năm 2024, hoàn thành 101% huy động vốn qua tổ chức cá nhân; tỷ lệ tổ xếp loại tốt 97,38% (tăng 3,98%); đạt 4 điểm giao dịch xã kiểu mẫu. Các thành viên Ban Đại diện, Hội ủy thác hoàn thành 100% kế hoạch kiểm tra, giám sát; chất lượng tín dụng chính sách của Phòng Giao dịch xếp loạt tốt; 16/16 điểm giao dịch xã hoạt động ổn định.
Với những kết quả đạt được trong năm 2024, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Lâm Hà được xếp loạt tốt về chất lượng tín dụng chính sách; 16/16 điểm giao dịch xã hoạt động ổn định. Trong năm với doanh số cho vay gần 159 tỷ đồng/3.530 hộ vay, vốn tín dụng chính sách giúp cho 154 lượt hộ nghèo, 226 lượt hộ cận nghèo, 313 lượt hộ thoát nghèo được vay vốn phát triển kinh tế; giúp cho 366 hộ gia đình sinh sống tại vùng khó khăn được sử dụng vốn để sản xuất, kinh doanh; giải quyết tạo việc làm tại chỗ cho 544 lao động; giúp xây dựng 3.314 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn hợp chuẩn; giúp 200 học sinh, sinh viên được vay vốn trang trải chi phí học tập; tạo điều kiện cho 15 cán bộ, công chức, viên chức xây dựng mới nhà ở theo Nghị định 100/CP; giúp 35 hộ nghèo vay vốn làm nhà ở; 18 đối tượng chấp hành xong án phạt tù có vốn để sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm...
Để vốn tín dụng chính sách trở thành kênh quan trọng, góp phần cùng địa phương thực hiện có hiệu quả mục tiêu về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội, phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi, thời gian qua, địa phương đã phát triển chuỗi giá trị các sản phẩm OCOP, các mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác, ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội.
Đến cuối năm 2024, hộ nghèo đa chiều của huyện Lâm Hà còn 1.657 hộ (4,34%), giảm 661 hộ (1,77%) so với đầu năm; trong đó, hộ nghèo chung còn 560 hộ (1,47%), giảm 300 hộ (0,82%); hộ cận nghèo chung còn 1.097 hộ (2,88%), giảm 352 hộ (0,94%).
Ông Đinh Đức Chí - Phó Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà đánh giá, thời gian qua, Ban Đại diện Hội đồng Quản trị NHCSXH huyện đã bám sát các chỉ thị của Đảng, nghị quyết của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện, mục tiêu, định hướng hoạt động của NHCSXH để chỉ đạo hoạt động tín dụng chính sách gắn với mục tiêu thoát nghèo bền vững, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội.
UBND các xã, thị trấn đã phát huy vai trò lãnh chỉ đạo đối với tín dụng chính sách, chỉ đạo triển khai thực hiện các chương trình tín dụng của NHCSXH tại địa phương bảo đảm đúng đối tượng thụ hưởng, tích cực chỉ đạo việc xử lý nợ xấu... Các ban, ngành và chính quyền cơ sở thường xuyên quan tâm, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho hoạt động của NHCSXH trên địa bàn. Các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác thường xuyên chấn chỉnh công tác hoạt động nhận ủy thác của các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác cấp xã, Ban Quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn nhằm nâng cao chất lượng tín dụng trên địa bàn...
Qua đó, từ vốn vay của NHCSXH đã tạo “đòn bẩy” cho nhiều hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn huyện Lâm Hà có thêm điều kiện phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu giảm nghèo và chung tay xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
“Trong thời gian tới, huyện Lâm Hà sẽ tiếp tục chỉ đạo tuyên truyền sâu rộng đến người dân về nội dung và thủ tục vay vốn của các chương trình tín dụng, làm tốt công tác kiểm tra sử dụng vốn để bảo đảm vốn vay sử dụng đúng mục đích và hiệu quả, tăng cường thu hồi nợ đến hạn, nợ quá hạn để tạo lập nguồn vốn vay quay vòng; rà soát, nắm bắt nhu cầu vay vốn của các đối tượng thụ hưởng để giải ngân kịp thời, tạo mọi điều kiện thuận lợi trong vay vốn”, ông Đinh Đức Chí nhấn mạnh.