Hiệu quả từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng
Sau gần 10 năm triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) đã tác động tích cực đến công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, rừng được bảo vệ, phát triển tốt hơn, qua đó góp phần tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống cho người dân ở các cộng đồng dân cư giáp ranh với rừng.
Các hộ trồng rừng trên địa bàn tỉnh thường xuyên được tuyên truyền chính sách pháp luật về bảo vệ, phát triển rừng, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công tác bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng.
Rừng được bảo vệ tốt hơn
Gia đình ông Triệu Văn Xuân ở khu Tân Hồi, xã Kim Thượng, huyện Tân Sơn là một trong những hộ điển hình của xã về trồng rừng. Hơn 10 năm trồng rừng, đến nay gia đình ông có gần 10ha, chủ yếu là keo, bồ đề, trẩu, mỗi năm cho thu nhập gần 100 triệu đồng. Ngoài ra, ông còn được giao khoán bảo vệ 23ha rừng và được hưởng chính sách chi trả DVMTR. Ông Xuân chia sẻ: “Từ khi nhận khoán, các thành viên trong gia đình đều nêu cao tinh thần bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng. Đặc biệt, những năm trở lại đây, gia đình tôi và các hộ dân trong khu đã bỏ việc đốt nương làm rẫy, nhờ đó nhiều năm nay bản không xảy ra hiện tượng cháy rừng. Hàng năm, được nhận tiền DVMTR, gia đình tôi dùng để mua phân bón, cây, con giống phát triển kinh tế. Việc chi trả DVMTR kịp thời đã giúp cho người dân chúng tôi phấn khởi, tạo động lực, nâng cao ý thức trong công tác bảo vệ, phát triển rừng”. Nằm gần hồ Thủy điện Thác Bà, từ khi được hưởng lợi từ DVMTR, gia đình ông Nguyễn Văn Thụ ở khu 8, xã Đại Phạm, huyện Hạ Hòa có trách nhiệm hơn trong việc nâng cao ý thức bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng, phát triển rừng, nhờ đó nhiều năm nay khu 8 nói riêng và xã Đại Phạm nói chung không xảy ra hiện tượng cháy rừng. Ông Hà Văn Cảnh - Phó Chủ tịch UBND xã Đại Phạm thông tin: Từ khi triển khai thực hiện chính sách, rừng đã được bảo vệ tốt hơn. Hàng năm, xã đã chỉ đạo các khu dân cư tổ chức họp dân công khai số tiền nhận được, đưa ra phương án sử dụng, bảo đảm công khai, minh bạch, qua đó, tạo được sự đồng tình, ủng hộ của người dân, nhiều năm qua, trên địa bàn xã không có tình trạng phá rừng làm nương, rừng được bảo vệ tốt.Chính sách chi trả DVMTR đã thu hút lực lượng lao động lớn trong dân, nhất là ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn trực tiếp tham gia bảo vệ rừng. Hàng năm, trên địa bàn tỉnh có 250 hộ, nhóm hộ nhận khoán thuộc Vườn Quốc gia Xuân Sơn, xã Kim Thượng, huyện Tân Sơn; xã Đông Cửu, huyện Thanh Sơn; xã Đại Phạm, huyện Hạ Hòa được hưởng lợi từ DVMTR và các lợi ích khác từ rừng mang lại đời sống người làm nghề rừng từng bước được cải thiện.Trên địa bàn toàn tỉnh hiện có tổng diện tích rừng và đất quy hoạch cho phát triển rừng trên 180.000ha, trước khi có chính sách chi trả DVMTR, kinh phí hàng năm Nhà nước hỗ trợ ngành Lâm nghiệp của tỉnh còn hạn chế, do vậy công tác bảo vệ, phát triển rừng gặp khó khăn. Từ khi triển khai chính sách chi trả DVMTR đã phát huy hiệu quả rõ rệt, thông qua công tác tuyên truyền, nhận thức, ý thức, trách nhiệm trong công tác bảo vệ, phát triển rừng của cấp ủy, chính quyền cơ sở, người dân được nâng lên đáng kể, rừng được bảo vệ tốt hơn. Các tổ, đội quần chúng bảo vệ rừng được trang bị bảo hộ lao động, dụng cụ tuần tra canh gác rừng. Công tác quản lý chi tiêu tiền DVMTR được cộng đồng thực hiện nghiêm túc, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch.
Nhờ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, người dân ở xã Đại Phạm, huyện Hạ Hòa tích cực tham gia bảo vệ và phát triển rừng.
Phát huy hiệu quả dịch vụ môi trường rừng
Để phát huy hiệu quả nguồn kinh phí DVMTR, từ khi thành lập Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đến nay, Quỹ đã phối hợp với Chi cục Lâm nghiệp (từ năm 2013 đến năm 2018), Chi cục Kiểm lâm (từ năm 2018 đến nay) tham mưu, triển khai, thực hiện các chương trình, kế hoạch hoạt động hàng năm của Quỹ; thực hiện công tác nghiệm thu, thanh quyết toán tiền chi trả DVMTR cho các đơn vị cung ứng DVMTR trên địa bàn tỉnh; phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát diện tích rừng cung ứng dịch vụ môi trường trên địa bàn tỉnh làm cơ sở thanh toán tiền DVMTR hàng năm; xây dựng các chương trình, dự án trồng rừng thay thế, hỗ trợ trồng rừng sản xuất, trồng cây phân tán, trồng rừng cảnh quan,... Đồng thời, mở các lớp tuyên truyền, tập huấn các nghị định, thông tư, văn bản hướng dẫn thực hiện chính sách chi trả DVMTR trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, hàng năm Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc các hộ nhận khoán đẩy mạnh công tác tuần tra, bảo vệ diện tích rừng cung ứng DVMTR trên địa bàn. Qua kiểm tra, các đơn vị chủ rừng thực hiện tốt việc nghiệm thu, giải ngân, thanh toán tiền DVMTR đúng đối tượng, chi trả đầy đủ số tiền cho các hộ nhận khoán bảo vệ rừng theo kế hoạch đã được phê duyệt. Bình quân chi trả trên 122 triệu đồng/năm, từ năm 2013 đến năm 2020, tổng số tiền chi trả theo các quyết định được UBND tỉnh phê duyệt hàng năm trên 1,2 tỉ đồng.Ông Đỗ Ngọc Đoàn - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm cho biết: Việc thực hiện chính sách chi trả DVMRT trên địa bàn toàn tỉnh góp phần nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ rừng, nhận thức của người dân về quản lý, bảo vệ rừng được nâng lên, không còn hiện tượng lấn chiếm đất rừng để làm nương rẫy, nạn khai thác gỗ rừng trái phép giảm đáng kể. Đây là nguồn lực tài chính mới, bền vững, góp phần tạo thêm nhiều việc làm, phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, từng bước cải thiện, nâng cao đời sống của người dân gắn với xây dựng nông thôn mới, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.Để chính sách chi trả DVMTR tiếp tục phát huy hiệu quả, ngoài nỗ lực của đơn vị, cần sự vào cuộc tích cực của chính quyền các cấp trong công tác tuyên truyền nội dung Luật Lâm nghiệp đến các chủ rừng, vận động các cơ sở sản xuất có liên quan tích cực tham gia, góp phần nâng cao năng lực quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, đồng thời tỉnh xem xét, phê duyệt đề án rà soát rừng thuộc lưu vực nội tỉnh, làm cơ sở để thực hiện chi trả tiền DVMTR cho các đối tượng cung ứng dịch vụ từ nguồn thu nội tỉnh.