Hiệu quả từ mô hình nuôi ốc dưới tán bưởi
Đầu tư ít, lợi nhuận cao là đánh giá, nhận định từ các hộ hội viên nông dân (HVND) thực hiện mô hình nuôi ốc bươu (ốc nhồi) trên địa bàn thị trấn Mãn Đức (Tân Lạc). Những năm gần đây, mô hình nuôi ốc bươu xuất hiện ở vùng Mường Bi, bước đầu cho thấy hiệu quả.
Đầu tư ít, lợi nhuận cao là đánh giá, nhận định từ các hộ hội viên nông dân (HVND) thực hiện mô hình nuôi ốc bươu (ốc nhồi) trên địa bàn thị trấn Mãn Đức (Tân Lạc). Những năm gần đây, mô hình nuôi ốc bươu xuất hiện ở vùng Mường Bi, bước đầu cho thấy hiệu quả.
Tận dụng diện tích đất trống trong vườn trồng bưởi của gia đình, từ năm 2023, ông Trần Văn Pháo, khu Tân Phong, thị trấn Mãn Đức xây dựng mô hình nuôi ốc dưới tán bưởi. Hiện gia đình ông có 2 ao nuôi ốc, mỗi ao khoảng 3.000 con. Ông Pháo cho biết: Tôi xây dựng mô hình này sau khi đã đi tìm hiểu thực tế tại một số mô hình nuôi ốc bươu hiệu quả nhằm tích lũy thêm kiến thức, kỹ thuật. Chi phí đầu tư nuôi ốc không lớn, bởi bạt để quây ao nuôi giá khá rẻ, lại dễ làm. Nắm vững kiến thức thông qua các lớp đào tạo, tập huấn khoa học kỹ thuật của các cấp Hội Nông dân (HND) tổ chức, tôi áp dụng vào chăm sóc, nuôi thả. Thức ăn của ốc có sẵn trong tự nhiên như bèo tấm, lá cây, hay rau, củ, quả thả trên mặt nước. Mực nước nuôi ốc hiệu quả duy trì khoảng 30 - 70cm và đảm bảo nguồn nước sạch. Ngoài ra phải duy trì 1/3 mặt nước là bèo tây để làm mát và lọc nước. Nhờ đó, ốc phát triển, sinh trưởng tốt, nuôi từ 3 - 4 tháng là có thể xuất bán. Hiện tại, ốc bươu được các hộ giao buôn với giá khoảng 80.000 đồng/kg. Để chủ động con giống và cung ứng cho thị trường, hàng ngày, tôi gom trứng cho vào thùng ấp, đảm bảo nguồn giống chất lượng. Từ đầu năm đến nay, gia đình cung cấp ra thị trường trên 400kg ốc thương phẩm. Dự kiến đến cuối tháng 10 tiêu thụ nốt số ốc trong ao để tiến hành ấp trứng, chuẩn bị giống cho vụ sau.
Là hộ tiên phong đưa ốc bươu về nuôi, hiện gia đình ông Phạm Văn Phúc, Tiểu khu 2, thị trấn Mãn Đức có 2 ao lớn nuôi ốc được xây dựng trong vườn trồng bưởi. Mỗi ao có khoảng vài chục nghìn ốc bố mẹ và ốc giống. Từ đầu năm đến nay, gia đình ông tiêu thụ trên 5 tạ ốc, thu về khoảng 40 triệu đồng. Đưa chúng tôi đi tham quan mô hình, ông Phúc cho biết: Ốc bươu thường đẻ trứng từ tháng 3 đến tháng 10 âm lịch, sau đó ốc ngủ đông. Đến khoảng tháng 2 âm lịch năm sau, ốc bắt đầu ngoi lên mặt nước để đi tìm thức ăn. Trong quá trình nuôi, ngoài chú trọng xử lý môi trường nước thì nên thực hiện theo phương châm "phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Người nuôi ốc bươu cần lưu ý đến bệnh sưng vòi, là bệnh nguy hiểm nhất trên ốc, dễ gây chết hàng loạt nên phải giám sát ao nuôi thường xuyên. Việc nuôi ốc dưới tán bưởi vừa để tận dụng diện tích đất sản xuất, vừa có tác dụng làm mát, che chắn giúp hạn chế nguy cơ nước trong ao bị bẩn.
Không chỉ làm giàu cho bản thân, ông Phúc còn cung cấp giống và tận tình hướng dẫn kỹ thuật nuôi ốc bươu cho các hộ ở trong và ngoài huyện. Riêng trong Tiểu khu 2, có 3 - 4 hộ được ông hướng dẫn nuôi ốc hiệu quả. Cùng với đó, mô hình trồng bưởi được chăm sóc tốt cũng góp phần giúp gia đình ông có thêm thu nhập.
Với chi phí đầu tư thấp, thị trường ổn định, nhiều mô hình nuôi ốc bươu tại Tiểu khu 2, thị trấn Mãn Đức đã thành công, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ông Phạm Văn Thái, Chủ tịch HND thị trấn Mãn Đức cho biết: Có thể nói, nuôi ốc bươu là một mô hình mới, bước đầu cho thấy hiệu quả và khá phù hợp để HVND trên địa bàn nhân rộng, góp phần nâng cao thu nhập, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển. Tuy nhiên, để có thể thành công từ mô hình này, các hộ nuôi cần có kế hoạch đầu tư phù hợp cũng như tìm hiểu kỹ thuật chăm sóc, tránh tình trạng đầu tư ồ ạt theo phong trào, dẫn đến mất trắng, dễ lây lan dịch bệnh. Hiện Tiểu khu 2 có trên 10 hộ phát triển mô hình nuôi ốc bươu. Để góp phần giúp mô hình phát triển bền vững và được nhân rộng, HND thị trấn thường xuyên nắm tình hình ở các mô hình, tạo điều kiện giúp HVND được tham gia các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật để đảm bảo hiệu quả sản xuất...
Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/12/194548/hieu-qua-tu-mo-hinh-nuoi-oc-duoi-tan-buoi.htm