Hiệu quả từ những hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất
Nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm, nhiều hợp tác xã (HTX) nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Long An đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) trong quá trình sản xuất, bước đầu đạt kết quả tích cực.
Xu hướng tất yếu
Những năm gần đây, HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp phát triển nhanh về số lượng, phát huy được vai trò trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Hiện toàn tỉnh có 221 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp và thủy sản. Trong đó, nhiều HTX chủ động, tích cực liên kết với doanh nghiệp (DN) trong khâu tiêu thụ sản phẩm, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập, từng bước cải thiện đời sống của thành viên và các hộ dân liên kết, từ đó thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp tại địa phương.
Tuy nhiên, vẫn còn không ít HTX hoạt động với quy mô nhỏ, lẻ, sản phẩm chưa đủ sức cạnh tranh trên thị trường, thiếu liên kết trong sản xuất và tiêu thụ, chưa tạo được vùng sản xuất tập trung dẫn tới số lượng sản phẩm hàng hóa chưa đủ lớn và không ổn định. Chính vì vậy, việc phát triển các HTX có quy mô lớn và năng lực ƯDCNC trong sản xuất, hoạt động theo chuỗi giá trị là xu hướng tất yếu, có ý nghĩa rất quan trọng.
Đến nay, toàn tỉnh xây dựng được 16 HTX điểm và 4 HTX điển hình về nông nghiệp ƯDCNC trên 3 cây, 1 con (lúa, thanh long, rau và con bò). Nhìn chung, các HTX điểm, điển hình phát huy tốt vai trò “cầu nối” liên kết sản xuất theo hướng hàng hóa, tăng thu nhập cho thành viên, doanh thu cho HTX, tạo việc làm cho nhiều lao động. Loại hình CNC mà các HTX đang ứng dụng vào sản xuất là hệ thống tưới phun, tưới nhỏ giọt có hệ thống điều khiển tự động, bán tự động; công nghệ nhà lưới, nhà màng;... Việc ƯDCNC giúp các HTX chủ động trong sản xuất, giảm sự lệ thuộc vào thời tiết, khí hậu, tiết kiệm chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm và tăng doanh thu.
Là 1 trong 16 HTX được chọn làm điểm để ƯDCNC vào sản xuất, HTX Dịch vụ Nông nghiệp Dương Xuân (xã Dương Xuân Hội, huyện Châu Thành) đã phát huy vai trò trong việc mở rộng diện tích thanh long ƯDCNC. Hiện HTX có 584 thành viên (trong đó 115 thành viên chính thức), chia thành 20 tổ hợp tác, sản xuất trên 380ha (tăng 25,8ha so với năm 2021). Toàn bộ thành viên của HTX đều ƯDCNC vào sản xuất, trong đó có trên 66ha đạt tiêu chuẩn VietGAP. Ông Lê Tấn Bửu (thành viên HTX Dịch vụ Nông nghiệp Dương Xuân) cho biết: “Vào HTX, nông dân được tham gia nhiều lớp tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật trồng thanh long; được HTX hỗ trợ 30% các sản phẩm sinh học để chăm sóc và phòng trừ sâu, bệnh. Ngoài ra, HTX còn hỗ trợ 30% chi phí mua bóng đèn compact ánh sáng đỏ, giúp tiết kiệm điện trong quá trình xông đèn”.
Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp Dương Xuân - Phan Thanh Sơn chia sẻ: “HTX đang tích cực phối hợp ngành chức năng vận động người trồng thanh long chuyển đổi phương thức canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Đồng thời, HTX hỗ trợ phân hữu cơ vi sinh và các chế phẩm sinh học cho 674 hộ tham gia chương trình VietGAP, với tổng diện tích trên 440ha. Từ đầu năm 2022 đến nay, HTX đã cung ứng 98 tấn phân gà sấy với giá thấp hơn thị trường cho các thành viên”.
Tại huyện Cần Đước, việc xây dựng HTX điểm sản xuất nông nghiệp ƯDCNC được địa phương quan tâm thực hiện. Với thế mạnh là cây rau, huyện chọn HTX Rau an toàn Mười Hai (ấp 4, xã Long Khê) làm HTX điểm để ƯDCNC vào sản xuất. Giám đốc HTX Rau an toàn Mười Hai - Lê Văn Giấy thông tin: “Từ năm 2018 đến nay, HTX tổ chức sản xuất rau theo hướng VietGAP gắn với việc ƯDCNC và phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm. HTX hiện có 31 thành viên góp vốn và 50 thành viên hợp tác sản xuất. Bên cạnh sản xuất rau theo hướng VietGAP, HTX còn sản xuất rau hữu cơ, mang lại lợi nhuận cao cho các thành viên”.
Tiếp tục đồng hành, hỗ trợ
Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Cần Đước - Nguyễn Thị Cẩm Vân cho biết: “Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, nông dân cần chủ động chuyển đổi phương thức sản xuất, mạnh dạn đầu tư trang thiết bị hiện đại để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Hàng năm, ngành Nông nghiệp huyện tổ chức nạo vét kênh, mương thủy lợi nội đồng, khơi thông dòng chảy bảo đảm việc tưới, tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp; đồng thời, phối hợp các sở, ngành liên quan mở các lớp tập huấn áp dụng khoa học - kỹ thuật, nâng cao trình độ sản xuất kết hợp bảo đảm vệ sinh môi trường".
Theo nhiều nông dân, khó khăn nhất trong quá trình ƯDCNC vào sản xuất chính là nguồn vốn bởi để đầu tư trang thiết bị, máy móc, hệ thống tưới nước tự động, hệ thống quản lý qua Internet,... cần có nguồn vốn lớn. Bên cạnh đó, ảnh hưởng của thiên tai, thời tiết cũng tác động rất lớn đến việc sản xuất.
Chương trình Phát triển nông nghiệp ƯDCNC gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 có quy định cụ thể các chính sách hỗ trợ. Đối tượng được áp dụng chính sách hỗ trợ là các HTX, hộ gia đình, cá nhân, cơ sở chăn nuôi trên địa bàn tỉnh thực hiện sản xuất 4 loại cây trồng (lúa, rau, thanh long, chanh) và nuôi bò thịt, tôm nước lợ.
Tùy từng trường hợp, các DN, HTX có thể được hỗ trợ 70% chi phí đầu tư cho cơ sở bảo quản nông sản (gồm sấy, chiếu xạ, khử trùng, đông lạnh, bảo quản) để xây dựng hạ tầng về giao thông, điện, nước, xử lý chất thải, nhà xưởng và mua thiết bị, mức hỗ trợ không quá 2 tỉ đồng/dự án; hỗ trợ 70% chi phí cho các DN có dự án đầu tư cơ sở chăn nuôi bò thịt quy mô 300 con trở lên để xây dựng hạ tầng về xử lý chất thải, giao thông, điện, nước, nhà xưởng và mua thiết bị, mức hỗ trợ tối đa không quá 5 tỉ đồng/dự án; đối với các DN, HTX có dự án nuôi tôm nước lợ ƯDCNC quy mô tối thiểu 5ha trở lên sẽ được chương trình hỗ trợ 200 triệu đồng/ha để xây dựng hạ tầng, cấp nước, thoát nước, xử lý môi trường, mức hỗ trợ tối đa không quá 10 tỉ đồng/dự án; hỗ trợ 60% chi phí cho các DN có dự án đầu tư thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, vỏ chai, bao bì thuốc bảo vệ thực vật, nước thải sinh hoạt tại nông thôn, thu gom, xử lý chất thải làng nghề, nông thôn để mua thiết bị, xây dựng hệ thống xử lý, mức hỗ trợ tối đa không quá 5 tỉ đồng/dự án;...
Thực hiện chương trình này, tỉnh phấn đấu đến năm 2025, có 60.000ha lúa, 6.000ha thanh long, 3.000ha chanh, 2.000ha rau, 100ha nuôi tôm nước lợ ƯDCNC trong sản xuất và đàn bò thịt có khoảng 300 con bò cái sinh sản được cải tạo, 20.000 con bò gieo tinh nhân tạo với các giống chất lượng cao như Brahman, Droughtmaster, Angus,...
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Chí Thiện thông tin: “ƯDCNC trong sản xuất trên địa bàn tỉnh bước đầu tạo được nguồn nông sản hàng hóa sạch, bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm và tăng sức cạnh tranh trên thị trường, góp phần thúc đẩy thực hiện thành công Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Thời gian tới, Sở tiếp tục tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về sản xuất nông nghiệp ƯDCNC; tập trung nguồn kinh phí khuyến nông để hỗ trợ xây dựng và phát triển các mô hình ƯDCNC mới. Sở cũng sẽ kết nối và khuyến khích DN, HTX, tổ hợp tác liên kết xây dựng các chuỗi sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, đầu tư xây dựng cơ sở chế biến nông sản tại địa phương để nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho người dân”./.