Hiệu quả từ sự đổi mới

Với sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng của các cơ quan của Quốc hội, đợt 1 kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XIV diễn ra từ ngày 20 đến 28-5-2020 đã thành công, hiệu quả. Việc áp dụng hình thức họp trực tuyến đã thể hiện sự linh hoạt, tận dụng tối đa lợi thế công nghệ hiện đại và là thời cơ để đổi mới phương thức hoạt động của Quốc hội trong tương lai gần.

Hội trường phiên khai mạc.

Nghị sự những nội dung quan trọng

Ngay sau phiên khai mạc ngày 20-5, kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XIV đã đi ngay vào chương trình nghị sự với nội dung về việc phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA); phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa một bên là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và một bên là Liên minh châu Âu và các nước thành viên Liên minh châu Âu (EVIPA); phê chuẩn gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động quốc tế về xóa bỏ lao động cưỡng bức. Đây đều là những hiệp định, công ước quan trọng, xuất phát từ chính lợi ích phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và cam kết mở rộng hợp tác quốc tế của Đảng, Nhà nước ta.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 được kiểm soát, việc bắt tay ngay vào phục hồi, phát triển kinh tế là một trong những yêu cầu cấp thiết hiện nay. Cử tri Bùi Văn Hùng (phường Mậu Lương, quận Hà Đông) đánh giá, nhiều nội dung luật, nghị quyết về thúc đẩy phát triển kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho người dân, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước như dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi); dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Nghị quyết về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp; dự án Luật Đầu tư (sửa đổi); dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi); dự án Luật Thỏa thuận quốc tế… được Quốc hội xem xét, thảo luận ngay từ đầu kỳ họp đã thể hiện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân.

Đại biểu sử dụng hệ thống công nghệ thông tin tại kỳ họp.

Đặc biệt, tại kỳ họp này, Quốc hội đã dành sự quan tâm thỏa đáng đến quyền, lợi ích của thế hệ tương lai đất nước với nội dung giám sát tối cao về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em; thảo luận về dự án Luật Thanh niên (sửa đổi). Quốc hội cũng thảo luận về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 và dự án Luật Biên phòng Việt Nam.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, hầu hết các phiên thảo luận của Quốc hội tại đợt 1, kỳ họp thứ chín đã diễn ra sôi nổi, có chất lượng cao. Mặc dù là kỳ họp trực tuyến nhưng các đại biểu đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, trí tuệ, đồng thời phát huy tinh thần đoàn kết, dân chủ, tích cực thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến, góp phần vào thành công kỳ họp, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của cử tri và nhân dân cả nước.

Kỳ họp của sự đổi mới

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, đây là lần đầu tiên trong lịch sử, Quốc hội tổ chức họp trực tuyến. Do đó, công tác kỹ thuật đã được chuẩn bị hết sức khẩn trương, bảo đảm hạ tầng công nghệ, kết nối thông suốt. Ngoài ra, công tác bảo đảm an ninh, an toàn thông tin mạng cũng được các đại biểu đánh giá tốt.

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Đoàn Hà Nội).

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Đoàn Hà Nội) đánh giá, đợt họp trực tuyến vừa qua cho thấy, các đại biểu ở các điểm cầu tham gia thảo luận, tranh luận không kém gì họp trực tiếp ở hội trường Quốc hội. Điều này cho thấy việc họp trực tuyến đã mang lại hiệu quả cao, góp phần giảm chi phí kỳ họp và bảo đảm khoảng cách an toàn trong bối cảnh cả nước đang tập trung ngăn chặn dịch Covid-19.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) cho rằng, đây là cơ hội để đổi mới mạnh mẽ hoạt động của Quốc hội và việc họp trực tuyến nên tiếp tục được duy trì. “Quốc hội một năm không nhất thiết chỉ họp 2 kỳ, mà có thể chia thành 3-4 kỳ. Và mỗi kỳ họp tập trung nên ngắn, chỉ cần 7-10 ngày đối với những vấn đề cần thiết thảo luận tập trung, còn lại có thể lựa chọn vấn đề để tổ chức họp trực tuyến”, đại biểu Hoàng Văn Cường nêu ý kiến.

Theo dõi toàn bộ các phiên họp được truyền hình, phát thanh trực tiếp, cử tri Bùi Khánh Toàn (phường Nguyễn Trung Trực, quận Ba Đình) cho biết, dù các đại biểu phát biểu ở điểm cầu tại Nhà Quốc hội hay 63 tỉnh, thành phố thì người dân đều nghe rõ, nhìn rõ, bảo đảm thông tin thông suốt.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cũng cho biết, có đến 73% đại biểu đề nghị duy trì cách thức tổ chức một kỳ họp chia thành hai đợt. Đồng thời, hơn 94% các đại biểu đánh giá tốt công tác tổ chức; cách thức đăng ký phát biểu; hệ thống đường truyền âm thanh, tín hiệu; công tác hỗ trợ cho đại biểu trong tham gia họp trực tuyến...

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, mặc dù là lần đầu tiên Quốc hội tổ chức họp trực tuyến nhưng công việc diễn ra suôn sẻ. Đây là nét đổi mới, thể hiện sự linh hoạt trong hoạt động của Quốc hội, song vẫn bảo đảm duy trì không khí dân chủ, công khai của kỳ họp theo đúng quy định của pháp luật và cũng là tiền đề để Quốc hội có thể cải tiến phương thức hoạt động, tiến tới rút ngắn thời gian nghị sự trong những kỳ họp sau.

Tiến Thành

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/chinh-tri/968760/hieu-qua-tu-su-doi-moi