Hiệu quả từ vốn vay giải quyết việc làm tại huyện Đông Sơn
Vốn vay giải quyết việc làm (GQVL) là một trong những chương trình tín dụng ưu đãi được Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Đông Sơn (NHCSXH Đông Sơn) triển khai hiệu quả. Nguồn vốn này đã hỗ trợ tích cực cho người dân có thêm điều kiện phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững và tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Cán bộ NHCSXH Đông Sơn kiểm tra tình hình sử dụng vốn vay tại hộ bà Bùi Thị Sen ở thôn Yên Cẩm 1, xã Đông Yên.
Trong những năm qua, ngoài nguồn vốn được phân bổ từ cấp trên, NHCSXH Đông Sơn đã tích cực huy động nguồn vốn nhàn rỗi từ dân cư, từ nhận ủy thác của ngân sách huyện để tăng trưởng nguồn lực cho vay. Ngân hàng đã phối hợp với chính quyền địa phương, các ban, ngành và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp triển khai đầy đủ, kịp thời các chính sách liên quan đến chương trình, cho vay đến 100% điểm giao dịch xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân tiếp cận nguồn vốn vay; tư vấn, hướng dẫn người vay mở rộng sản xuất, kinh doanh, cách sử dụng đồng vốn hiệu quả gắn với các mô hình kinh tế phù hợp điều kiện thực tế tại địa phương. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra giám sát việc sử dụng vốn vay cũng được ngân hàng chú trọng. Qua đó, nguồn vốn cho vay GQVL đã được triển khai nhanh chóng, kịp thời, đúng đối tượng, các hộ vay vốn đều sử dụng vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương, có thu nhập ổn định cuộc sống.
Năm 2023, gia đình bà Phạm Thị Nhuận ở thôn Triệu Xá, xã Đông Tiến được NHCSXH Đông Sơn cho vay 100 triệu đồng vốn GQVL để thực hiện dự án trồng rau an toàn trong nhà lưới. Hiện nay, mô hình trồng rau của bà Nhuận có diện tích 1.000m2, với đủ các loại rau theo mùa vụ, tạo ra thu nhập bình quân hơn 10 triệu đồng/tháng.
Tại thôn Yên Cẩm 1, xã Đông Yên, bà Bùi Thị Sen cũng được tiếp cận với nguồn vốn chương trình GQVL cho vay 100 triệu đồng, cùng với vốn tự có, bà Sen đã đầu tư mở rộng mô hình nhà màng, nhà lưới trồng các loại rau, quả sạch theo hướng VietGAP. Trên diện tích 5.000m2 nhà lưới, mỗi năm bà Sen trồng xen canh 2 vụ dưa, 1 vụ cà chua, đem lại doanh thu trên 800 triệu đồng và lợi nhuận gần 200 triệu đồng. Bà Sen phấn khởi chia sẻ: “Mong muốn có vốn mở rộng sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm ổn định cho các thành viên trong gia đình, nên khi được cán bộ NHCSXH Đông Sơn tuyên truyền về nguồn vốn vay, tôi đăng ký vay vốn với lãi suất ưu đãi, thủ tục vay vốn thuận lợi, giải ngân nhanh, tôi thấy rất vui. Từ nguồn vốn vay, tôi đã mở rộng sản xuất, kinh doanh, thu nhập của gia đình tôi tăng lên. Chúng tôi cam kết sẽ sử dụng vốn vay hiệu quả, thực hiện việc trả lãi và gốc đúng hạn theo quy định”.
Ông Đặng Ngọc Hoàn, Giám đốc NHCSXH Đông Sơn, cho biết: “Nguồn vốn vay GQVL đã phát huy tốt hiệu quả, tạo “đòn bẩy” quan trọng, tạo việc làm cho người lao động trên địa bàn huyện. Quá trình triển khai nguồn vốn tín dụng chính sách luôn có sự phối hợp chặt chẽ giữa ngân hàng với chính quyền địa phương cùng các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác trong công tác tuyên truyền; bình xét cho vay, hướng dẫn hộ vay làm thủ tục hồ sơ, giải ngân, kiểm tra sau khi cho vay... Đến nay, chương trình cho vay GQVL đã hỗ trợ vốn vay cho 1.365 lao động, với tổng dư nợ đạt 96,3 tỷ đồng. Đối tượng cho vay chủ yếu là các hộ gia đình có mục đích sản xuất, kinh doanh rõ ràng, có tiềm năng phát triển, hiệu quả kinh tế cao và có khả năng giải quyết việc làm cho nhiều lao động nông thôn. Đặc biệt ưu tiên cho vay các mô hình sản xuất sản phẩm OCOP, sản phẩm sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Nhờ nguồn vốn này, nhiều hộ đã đầu tư vào các mô hình chăn nuôi, trồng cây ăn quả, kinh doanh dịch vụ, phát triển ngành nghề... tạo thu nhập ổn định, GQVL tại chỗ cho nhiều lao động. Để tạo thêm nhiều việc làm tại địa phương, nâng cao thu nhập cho người lao động, chúng tôi rất mong cấp ủy, chính quyền tiếp tục quan tâm, cân đối ngân sách địa phương ủy thác cho NHCSXH huyện để cho vay GQVL, tạo điều kiện tốt hơn cho nhiều người dân phát triển sản xuất”.