Hiệu quả ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất và đời sống
Thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW của Ban Bí thư khóa IX về đẩy mạnh phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ sinh học phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH đất nước, 15 năm qua, tỉnh Quảng Trị đã triển khai ứng dụng có hiệu quả công nghệ sinh học (CNSH) vào sản xuất và đời sống, đã tác động tích cực đến quá trình phát triển KT-XH của tỉnh.
Để cụ thể hóa Chỉ thị số 50-CT/TW, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo kịp thời, tạo hành lang pháp lý để các ngành, các cấp, các đơn vị, cá nhân tổ chức thực hiện nhằm phát triển CNSH trên địa bàn tỉnh như Chỉ thị số 06-CT/TU, ngày 1/8/2006 “Về việc đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”; Chương trình hành động số 64-CTHĐ/TU về thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương “Về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”; Nghị quyết số 03/2010/NQ-HĐND “Về việc phát triển khoa học và công nghệ tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2010 - 2015, định hướng đến năm 2020”; Nghị quyết số 08/2014/NQ-HĐND “Về phát triển khoa học và công nghệ tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2015 - 2020”; Nghị quyết số 31/2017/NQ-HĐND “Về chính sách hỗ trợ ứng dụng, nhân rộng các kết quả khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2017-2025”; UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 658/QĐ-UBND phê duyệt “Đề án đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đến năm 2015”; Quyết định số 2116/QĐ-UBND phê duyệt “Dự án đầu tư xây dựng Trung tâm phát triển công nghệ sinh học”…
Trong quá trình tổ chức thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW, tỉnh đã quan tâm phát triển nguồn nhân lực về KH&CN; đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư; phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, ứng dụng CNSH; đồng thời, tăng cường hợp tác về KH&CN với các trường đại học, trung tâm nghiên cứu KH&CN và quốc tế để đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực KH&CN... Đến nay, nguồn nhân lực KH&CN của tỉnh không ngừng phát triển về số lượng và chất lượng. Từ năm 2016 đến nay, tỉnh đã tập trung đào tạo cán bộ chuyên sâu về CNSH các lĩnh vực gồm: Công nghệ nuôi cấy mô, công nghệ vi sinh vật, công nghệ sản xuất các loại nấm, công nghệ lên men sinh khối, công nghệ sơ chế và bảo quản nông sản, công nghệ chiết xuất chế biến... Các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường, Hội Nông dân tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố đã tổ chức nhiều lớp tập huấn về ứng dụng CNSH trong lĩnh vực nông nghiệp cho cán bộ, hội viên.
Nhờ vậy, đã nâng cao chuyên môn nghiệp vụ thuộc lĩnh vực CNSH cho đội ngũ cán bộ trực tiếp triển khai nhiệm vụ. Những năm qua thông qua ngân sách trung ương, ngân sách địa phương và xã hội hóa đã từng bước đầu tư hạ tầng cơ sở vật chất để từng bước phát triển CNSH trên địa bàn với số tiền hơn 37 tỉ đồng. Tỉnh cũng đa dạng hóa các nguồn đầu tư cho nghiên cứu, ứng dụng, sản xuất các sản phẩm CNSH. Nhờ vậy, kinh phí đầu tư cho KH&CN tăng thêm hằng năm.
Kết quả sau 15 năm thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW của Ban Bí thư khóa IX, nhận thức của cán bộ, đảng viên và người dân về đẩy mạnh phát triển và ứng dụng CNSH đã có bước chuyển biến rõ rệt. Việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác nghiên cứu ứng dụng và phát triển CNSH được các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể quan tâm. Sự phối hợp hoạt động của các ngành với các địa phương, doanh nghiệp trong quá trình nghiên cứu, ứng dụng CNSH ngày càng hiệu quả. Một số doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh đã mạnh dạn ứng dụng các sản phẩm của CNSH vào đời sống, nhất là các giống cây, giống con và các chế phẩm sinh học đem lại hiệu quả kinh tế cao.
CNSH đã được ứng dụng rộng rãi trong sản xuất và đời sống trên địa bàn, nhất là trong sản xuất nông nghiệp như: Sản xuất phân hữu cơ từ rác thải hữu cơ và phế phụ phẩm nông nghiệp; phòng, chống sâu bệnh hại đối với cây trồng, vật nuôi; xử lý ao nuôi thủy sản; bổ sung thức ăn chăn nuôi; sản xuất giống cây trồng bằng công nghệ nuôi cấy mô đã nâng cao chất lượng, ổn định tính di truyền và kiểm soát dịch bệnh; làm đệm lót sinh học trong chăn nuôi giảm thiểu ô nhiễm môi trường; bảo quản, chế biến nông sản; sản xuất các loại nấm ăn, nấm dược liệu; ứng dụng công nghệ kỵ khí, biogas và chế phẩm E.M để xử lý chất thải, nước thải trong sản xuất ở các làng nghề… Việc ứng dụng CNSH nhằm hướng tới một nền nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch và an toàn thực phẩm. Ngành KH&CN tỉnh đã tập trung vào các nhiệm vụ nghiên cứu, ứng dụng công nghệ về giống cây trồng, nuôi cấy mô tế bào để bảo tồn, lưu giữ, phát triển và sản xuất các loại cây lâm nghiệp, cây dược liệu, cây hoa có giá trị kinh tế cao có giá trị kinh tế cao như: Các dòng keo lai, cây ba kích, sâm cau, lam kim tuyến, các giống hoa…. Đặc biệt cây keo lai đã khẳng định tính ưu việt trong việc nâng cao năng suất và chất lượng gỗ rừng trồng, nhất là trồng theo chứng chỉ FSC. Đối với vật nuôi, đã ứng dụng công nghệ thụ tinh nhân tạo bò đối với dự án nông thôn miền núi tại các địa bàn 8 xã vùng biển của Quảng Trị chịu ảnh hưởng của sự cố môi trường biển.
CNSH còn được ứng dụng để sản xuất giống nấm, nấm ăn và nấm dược liệu, xây dựng liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm nhằm chuyển đổi ngành nghề, tận dụng phế thải nông nghiệp tạo sản phẩm hàng hóa, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân. Trong bảo quản chế biến nông sản, CNSH được ứng dụng để chế biến sâu theo hướng nâng cao giá trị các sản phẩm, nguyên liệu mang tính đặc thù của địa phương như: Công nghệ sản xuất đông trùng hạ thảo, tỏi đen, chế biến và sấy hồ tiêu, ném, nuôi cấy tảo xoắn… vừa tạo được những sản phẩm mới mang tính đặc thù, vừa bảo quản được nông sản, vừa nâng cao giá trị từ đó hình thành hàng hóa thương mại.
Ứng dụng CNSH đã đem lại những kết quả quan trọng. Trong sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNSH đã góp phần hạn chế dịch bệnh đối với cây trồng, vật nuôi; góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng tích cực; từng bước nâng cao tính ổn định, giảm dần tính phụ thuộc vào thời tiết trong sản xuất nông nghiệp; nâng cao giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích canh tác; góp phần bảo vệ môi trường sinh thái… Ông Lê Mậu Bình, Phụ trách Phòng Nghiên cứu ứng dụng và phát triển KH&CN, Trung tâm Nghiên cứu, Ứng dụng và Thông tin KH&CN tỉnh cho biết: “CNSH đã ứng dụng khá rộng rãi trên địa bàn tỉnh và mang lại hiệu quả tích cực. Sử dụng các chế phẩm sinh học trong trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản đều tăng khả năng chống chịu với dịch bệnh của cây trồng, vật nuôi, cho hiệu quả kinh tế cao, không làm độc hại môi trường sản xuất, môi trường sinh thái, tạo ra sản phẩm sạch, bảo vệ sức khỏe con người”.
Để đẩy mạnh hơn nữa ứng dụng CNSH trong thời gian tới, theo Giám đốc Sở KH&CN Trần Ngọc Lân, ngành KH&CN tăng cường chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu, ứng dụng có hiệu quả CNSH. Tiếp tục đầu tư, tăng cường tiềm lực cho hoạt động nghiên cứu, ứng dụng CNSH, xây dựng các tổ chức KH&CN đủ năng lực triển khai các dự án ứng dụng công nghệ cao về lĩnh vực CNSH. Tăng cường hợp tác với các tổ chức KH&CN trong và ngoài nước trên lĩnh vực CNSH để tạo bước đột phá trong phát triển và ứng dụng CNSH vào sản xuất, đời sống.
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=154076