Hiệu quả ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào trồng trọt
ĐBP - Tận dụng tối đa tiềm năng địa phương kết hợp với áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, anh Ngô Xuân Đức, bản Huổi Phạ, phường Điện Biên Phủ thành công với mô hình trồng dưa lưới bằng phương pháp thủy canh trong nhà màng, đem lại hiệu quả kinh tế vượt trội.
Sau khi tham khảo các mô hình tại nhiều nơi và nhu cầu người tiêu dùng trong tỉnh, anh Đức nhận thấy lợi thế của gia đình có quỹ đất để phát triển nông nghiệp theo tiêu chuẩn hữu cơ. Sản phẩm dưa của gia đình anh Đức dù giá cao hơn giá bình quân thị trường nhưng sản xuất ra đến đâu đều có người đặt mua đến đó, vì sản phẩm được trồng theo quy trình xanh, sạch, hạn chế tối đa sử dụng các loại thuốc hóa chất.
Anh Đức cho biết: Mô hình nhà màng tận dụng tối đa những yếu tố thuận lợi của thời tiết, ánh sáng tự nhiên, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. So với các phương pháp trồng truyền thống thì độ an toàn cao hơn; người tiêu dùng yên tâm khi sử dụng.

Người dân đội 8, phường Mường Thanh chăm sóc vườn thanh long.
Một mô hình tiêu biểu khác là mô hình trồng thanh long ruột đỏ do Trung tâm Khuyến nông - Giống cây trồng, Vật nuôi tỉnh triển khai thực hiện năm 2018. Mô hình chuyển giao ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất; quy hoạch cây trồng theo vùng, mỗi vùng 1 sản phẩm đặc trưng; đưa giống mới, có năng suất chất lượng cao vào cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện khí hậu của địa phương. Đồng thời, hướng tới sản xuất theo hướng hàng hóa, nâng cao hiệu quả kinh tế cho các hộ trồng thanh long theo hướng bền vững; tạo ra nguồn giống tại chỗ để bà con mở rộng diện tích với chi phí thấp. Ngoài ra, mô hình góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao giá trị sản xuất trên 1ha canh tác, phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững.
Năm 2018, gia đình ông Nguyễn Thế Vịnh, đội 8, phường Mường Thanh là 1 trong 8 hộ tham gia mô hình với 3.000m2. Ông Vịnh cho biết: Gia đình tôi làm 300 trụ trồng thanh long từ năm 2018 đến nay. Ngoài giống thanh long ruột đỏ mà trung tâm hỗ trợ là giống mới có chất lượng, mẫu mã quả hơn hẳn giống cũ thì đến nay vườn thanh long của gia đình tôi có 5 giống khác nhau. Đặc điểm của cây thanh long không kén đất, dễ chăm sóc, thu hoạch 5 - 6 tháng liên tục.
Tham gia mô hình trồng thanh long đã đem lại thu nhập ổn định cho người dân. Trung bình, một năm người dân thu hoạch từ 6 - 7 lứa, giá từ 10.000 - 20.000 đồng/kg. Đến nay, sau 7 năm triển khai, trên địa bàn phường Mường Thanh đã phát triển hơn 10ha thanh long. Mô hình không chỉ giúp nông dân sử dụng đồng vốn hiệu quả, nâng cao thu nhập mà còn nâng cao nhận thức của người dân về tái cơ cấu cây trồng, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng hiệu quả trồng trọt, góp phần xây dựng nông thôn mới bền vững.
Đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp đã nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi, tạo nền tảng để hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Từ đó, nhiều sản phẩm nông nghiệp đã xây dựng được thương hiệu, khẳng định vị thế trên thị trường trong và ngoài tỉnh. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 9 đơn vị sản xuất nông sản theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ được cấp giấy chứng nhận; 4 cơ sở chế biến, kinh doanh được cấp giấy chứng nhận HACCP; toàn tỉnh đã có 16 vùng trồng được cấp mã số vùng trồng nội địa với tổng diện tích 75,6ha; có 104 sản phẩm OCOP. Nhờ đó, sản phẩm nông sản địa phương từng bước nâng cao khả năng cạnh tranh, cải thiện thu nhập, ổn định đời sống cho nông dân.