Làm giàu từ mô hình sản xuất nông nghiệp sạch của bà con các dân tộc thiểu số ở Gia Lai
Giữa cao nguyên bazan nắng gió, những cánh đồng cà phê, hồ tiêu, sầu riêng, rau màu... của đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh Gia Lai đang từng ngày khoác lên mình diện mạo mới. Không còn canh tác theo kiểu truyền thống, phụ thuộc thời tiết, nhiều hộ đã mạnh dạn chuyển sang sản xuất nông sản sạch theo quy trình kỹ thuật hiện đại như VietGAP, GlobalGAP... để nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo vệ sức khỏe và tăng thu nhập. Đó là một hành trình không dễ dàng, nhưng với niềm tin và sự đồng hành của chính quyền, nhiều nông dân người Ba Na, Gia Rai... đang từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Nhờ áp dụng đúng kỹ thuật và các tiêu chuẩn VietGAP, cây cà phê đã cho năng suất cao. Ảnh: Minh Anh
Gieo “tri thức” trên đồng ruộng
Chúng tôi đến làng Kép 1, xã Ia Ly trong những ngày đầu vụ thu hoạch cà phê. Giữa nắng sớm, bà H’Bren, người dân tộc Gia Rai tay thoăn thoắt hái từng chùm cà phê chín đỏ, miệng hồ hởi: “Giờ làm cà phê sạch cực hơn, phải ghi chép đủ hết, nhưng đổi lại bán được giá cao, có người tới tận rẫy đặt mua”. Cách đây 3 năm, gia đình bà H’Bren vẫn làm cà phê theo kiểu cũ, dùng phân hóa học và thuốc trừ sâu tràn lan, năng suất bấp bênh. Từ khi được tham gia mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP do Phòng Nông nghiệp và Trung tâm Khuyến nông tổ chức, bà H’Bren bắt đầu thay đổi tư duy canh tác. “Tập huấn xong là mình thử làm liền. Ban đầu hơi khó vì phải tuân thủ nhiều quy trình, nhưng cán bộ hướng dẫn kỹ lắm. Mình làm quen dần, thấy đất đai màu mỡ hơn, cà phê đẹp trái, bán được giá cao hơn so với trước gần 20%” - bà H’Bren chia sẻ.
Người hàng xóm của bà H’Bren là ông Rơ Châm Hyur cũng mạnh dạn chuyển đổi cây trồng theo hướng VietGAP. Ông Hyur cũng là hộ đầu tiên của làng trồng sầu riêng theo quy trình này vào năm 2024. Ông Hyur kể, gia đình ông có 7ha đất sản xuất. Trước đây, ông trồng 3ha cà phê, diện tích còn lại thì cho thuê. Năm 2019, ông được tham gia hội thảo về trồng sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP. Sau đó, ông trồng 300 cây sầu riêng giống Monthong theo hình thức vừa trồng xen cà phê, vừa trồng tập trung. Năm 2024, gần 150 cây sầu riêng cho thu gần 7 tấn quả. Với giá bán 70 ngàn đồng/kg, ông thu về 490 triệu đồng, lãi gần 400 triệu đồng. “Thời gian tới, tôi sẽ đầu tư trồng thêm sầu riêng nhằm tăng thu nhập” - ông Hyur bộc bạch. Ông Rơ Châm Punh, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Kép 1 cho biết: “Ông Rơ Châm Hyur là hộ đầu tiên của làng trồng sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP. Ông cũng tích cực chia sẻ kinh nghiệm cho người dân trong làng. Đến nay, làng có 150/194 hộ trồng sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP, trong đó, hộ ít có 50 cây, hộ nhiều 300 cây”.
Không riêng gì bà H’Bren, ông Hyur mà nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã Ia Khươl, Chư Prông, Ia Boòng, Ia Grai, Chư Sê, Đắk Đoa... cũng đang học cách “làm nông có bài bản”. Từ việc lựa chọn giống cây trồng, cách chăm sóc, ghi chép nhật ký sản xuất đến kiểm soát sâu bệnh bằng biện pháp sinh học, mọi quy trình đều phải tuân thủ nghiêm ngặt. Những điều tưởng chừng xa lạ, nay đã trở nên quen thuộc trong câu chuyện đời thường của người nông dân.
Gian nan thay đổi tư duy sản xuất
Tuy vậy, để có được những chuyển biến tích cực như hôm nay, hành trình thay đổi tư duy sản xuất của bà con đồng bào dân tộc thiểu số ở Gia Lai cũng đầy thử thách. Nhiều hộ từng quen với lối canh tác du canh du cư, lệ thuộc vào thời tiết, chưa từng nghĩ tới khái niệm “tiêu chuẩn chất lượng” hay “truy xuất nguồn gốc”.

Nhờ thay đổi trong tư duy sản xuất, đồng bào dân tộc thiểu số ở Gia Lai đang từng bước thoát khỏi đói nghèo. Ảnh: Minh Anh
Ông Siu Blih, làng Krông, xã Ia Hrung kể: “Lúc đầu, mấy anh cán bộ xuống vận động làm theo quy trình, tôi không hiểu gì hết. Nghĩ làm theo thì cực, mà chưa chắc bán được giá cao nên cũng ngại lắm. Nhưng sau mấy vụ thấy người ta trồng rau sạch bán đắt hơn, tôi mới bắt đầu học”. Thách thức không chỉ ở nhận thức, mà còn ở vốn đầu tư. Làm nông sản sạch đòi hỏi chi phí cao hơn, từ phân bón hữu cơ, hệ thống tưới tiết kiệm nước đến việc xây dựng nhà lưới, nhà màng, khu sơ chế... Trong khi đó, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn nghèo, khó tiếp cận vốn vay ngân hàng hay hỗ trợ kỹ thuật.
Gia Lai có diện tích đất rộng lớn, màu mỡ cùng điều kiện khí hậu thuận lợi để phát triển nông nghiệp. Những năm gần đây, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã áp dụng quy trình canh tác cây trồng theo các tiêu chuẩn để tạo ra nông sản sạch, chất lượng cao. Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Gia Lai, đến năm 2025, toàn tỉnh có gần 200 mô hình sản xuất nông nghiệp đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, trong đó, phần lớn tập trung ở các vùng trồng rau, cà phê, hồ tiêu... Tuy nhiên, tỷ lệ hộ đồng bào dân tộc thiểu số tham gia còn khiêm tốn do thiếu điều kiện ban đầu và kỹ năng sản xuất hiện đại.
Trước những khó khăn đó, chính quyền tỉnh Gia Lai và các tổ chức đoàn thể đã vào cuộc tích cực. Từ các chương trình hỗ trợ giống cây trồng, vật tư nông nghiệp đến các lớp tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn ghi chép sổ tay sản xuất, bà con dần được tiếp cận mô hình nông nghiệp sạch một cách bài bản. Nhiều dự án như “Hỗ trợ phát triển nông nghiệp bền vững vùng dân tộc thiểu số” do tỉnh phối hợp cùng các tổ chức phi chính phủ triển khai đã giúp hàng trăm hộ đồng bào ở các xã đặc biệt khó khăn có cơ hội chuyển đổi mô hình sản xuất. Tiêu biểu là mô hình trồng rau thủy canh trong nhà màng tại xã Mang Yang, do nhóm thanh niên người Ba Na khởi xướng. Ban đầu chỉ là vài luống rau thử nghiệm, nay đã trở thành hợp tác xã nhỏ cung cấp rau sạch cho siêu thị và trường học trong huyện. Anh Kpă Tih, thành viên nhóm chia sẻ: “Lúc đầu chỉ nghĩ trồng để ăn, sau thấy bà con ủng hộ, mình mạnh dạn mở rộng. Nhờ có kỹ thuật và hỗ trợ của huyện, rau mình giờ sạch, đẹp, bán không đủ”. Ngoài ra, ngành nông nghiệp địa phương cũng đang khuyến khích xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản. Việc kết nối giữa nông dân với doanh nghiệp không chỉ giải bài toán đầu ra, mà còn tạo động lực để bà con nâng cao chất lượng sản phẩm.
Từ những thay đổi trên cánh đồng đến sự thay đổi trong tư duy sản xuất, đồng bào dân tộc thiểu số ở Gia Lai đang từng bước thoát khỏi đói nghèo bằng chính nội lực và sự hỗ trợ thiết thực của các cấp, ngành. Mô hình làm nông sản sạch không chỉ giúp tăng thu nhập, mà còn tạo thói quen canh tác bền vững, thân thiện với môi trường, gìn giữ nguồn tài nguyên cho thế hệ sau. Ông Phạm Hữu Phước, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông nhận định: “Đồng bào dân tộc thiểu số là một lực lượng sản xuất quan trọng. Nếu họ được hỗ trợ đúng cách, được tiếp cận khoa học kỹ thuật và vốn, chắc chắn họ sẽ làm chủ được kinh tế hộ gia đình, góp phần phát triển nông nghiệp xanh, sạch của tỉnh”.
Đến thăm những vườn rau xanh ngát, những vườn cà phê trĩu quả trên vùng đất đỏ bazan Gia Lai, chúng tôi hiểu rằng, cuộc sống của người dân nơi đây đang dần thay đổi không nhờ vào phép màu mà từ sự thay đổi trong cách nghĩ, cách làm. Những hạt giống hy vọng đã được gieo trồng và sẽ nảy mầm vững chãi trên chính mảnh đất từng một thời khô cằn.