Ngân hàng VIB: Chiến lược bán lẻ phát huy hiệu quả, lợi nhuận dự báo tăng 22%

Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt, Ngân hàng VIB (mã cổ phiếu VIB) đang tiếp tục phát huy thế mạnh cho vay bán lẻ, đặc biệt ở mảng cho vay mua nhà và mua ô tô. Dự kiến hoạt động cho vay mua nhà và mua ô tô của ngân hàng này sẽ tăng tốc đang kể trong nửa cuối năm.

ASEAN Securities dự báo lãi ròng năm nay của Ngân hàng VIB sẽ tăng trưởng 22,1% so với năm 2024.

ASEAN Securities dự báo lãi ròng năm nay của Ngân hàng VIB sẽ tăng trưởng 22,1% so với năm 2024.

Theo đánh giá mới đây của Chứng khoán Đông Nam Á (ASEAN Securities), trong bối cảnh mức độ cạnh tranh giữa các ngân hàng ngày càng trở nên gay gắt, việc Ngân hàng VIB (mã cổ phiếu VIB) tập trung phát triển cho vay bán lẻ, với trọng tâm là cho vay mua nhà và vay kinh doanh, là chiến lược đúng hướng, vừa giúp kiểm soát rủi ro mà vẫn đảm bảo hiệu quả kinh doanh.

Cho vay bán lẻ của Ngân hàng VIB luôn duy trì ở mức cao nhất toàn ngành, chiếm đến 81% tổng dư nợ của ngân hàng này vào cuối quý 1/2024. Trong đó, cho vay mua nhà là mảng kinh doanh cốt lõi, chiếm gần 50% trong dư nợ vay bán lẻ của ngân hàng.

Ngoài ra, theo ASEAN Securities, Ngân hàng VIB đang giữ TOP 1 thị phần cho vay mua ô tô trên thị trường và ngân hàng này đang triển khai loạt động thái để đẩy mạnh mảng cho vay kinh doanh với trọng tâm là các hộ kinh doanh nhỏ, nhà bán hàng trên các nền tảng thương mại điện tử.

Cơ cấu cho vay bán lẻ tối ưu này mang lại nhiều lợi ích chiến lược cho Ngân hàng VIB, thông qua việc đa dạng hóa rủi ro hiệu quả thay vì phụ thuộc vào khách hàng doanh nghiệp lớn đồng thời tạo cơ hội bán chéo sản phẩm dịch vụ, ASEAN Securities đánh giá.

Cơ cấu dư nợ cho vay của Ngân hàng VIB qua các quý. (Nguồn: ASEAN Securities)

Cơ cấu dư nợ cho vay của Ngân hàng VIB qua các quý. (Nguồn: ASEAN Securities)

Đặc biệt, trong hoạt động cho vay mua nhà, 99,5% các khoản vay tại Ngân hàng VIB là được đảm bảo bằng sổ đỏ/sổ hồng. Danh mục cho vay thế chấp của ngân hàng này (chiếm 80%) chủ yếu là các khoản cho vay mua nhà ở trên thị trường thứ cấp với đầy đủ giấy tờ pháp lý. Tỷ lệ tài sản đảm bảo cao đã giúp Ngân hàng VIB duy trì mức dự phòng rủi ro tín dụng (LLR) thấp hơn toàn ngành và có lợi thế trong thu hồi nợ xấu.

Với việc các điều khoản về xử lý nợ xấu tại Nghị quyết 42/2017/QH14 vừa được luật hóa tại Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Ngân hàng VIB sẽ tăng tốc đáng kể trong việc xử lý nợ xấu tồn đọng, từ đó tăng thu nhập ngoài lãi từ hoạt động thu hồi nợ, đồng thời gián tiếp cải thiện tỷ lệ nợ xấu và giảm chi phí dự phòng rủi ro.

Về triển vọng kinh doanh thời gian tới, theo ASEAN Securities, trong bối cảnh thị trường bất động sản nhà ở đang phục hồi tích cực, dư nợ cho vay mua nhà của Ngân hàng VIB sẽ tăng trưởng mạnh trong giai đoạn 2025 - 2026.

Tính đến hết quý 1/2025, nguồn cung bất động sản nhà ở tại Việt Nam đã tăng 33% so với quý 1/2024; trong khi đó, tỷ lệ hấp thụ cũng tăng gấp đôi so với quý 4/2024. Xu hướng tích cực này dự kiến sẽ tiếp tục được duy trì khi loạt dự án nhà ở mới được tháo gỡ vướng mắc pháp lý, tái khởi động, tâm lý người mua cải thiện, cùng với lãi suất cho vay mua nhà đang ở mức hấp dẫn.

Sản lượng xe ô tô tiêu thụ trong 5 tháng đầu năm 2025 ở mức khả quan. (Nguồn: Metric, VAMA, ASEAN Securities)

Sản lượng xe ô tô tiêu thụ trong 5 tháng đầu năm 2025 ở mức khả quan. (Nguồn: Metric, VAMA, ASEAN Securities)

Tương tự, tại mảng cho vay mua ô tô, số liệu từ Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho thấy doanh số bán xe trong 5 tháng đầu năm 2025 đã tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhiều hãng xe hiện vẫn duy trì các chương trình khuyến mãi và ưu đãi lãi suất để kích thích nhu cầu tiêu dùng. Nhờ đó, nhu cầu mua xe được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng tích cực trong nửa cuối năm, kéo theo nhu cầu vay mua ô tô cũng có xu hướng đi lên.

Với vị thế dẫn đầu thị trường cho vay mua xe, Ngân hàng VIB được kỳ vọng sẽ hưởng lợi lớn từ xu hướng này khi gia tăng dư nợ cho vay và thu hút thêm khách hàng mới.

Tỷ lệ CASA của Ngân hàng VIB có xu hướng cải thiện dần qua các quý sẽ giúp giảm chi phí sử dụng vốn (COF). (Nguồn: ASEAN Securities)

Tỷ lệ CASA của Ngân hàng VIB có xu hướng cải thiện dần qua các quý sẽ giúp giảm chi phí sử dụng vốn (COF). (Nguồn: ASEAN Securities)

Cũng theo ASEAN Securities, biên lãi ròng (NIM) của Ngân hàng VIB đã tạo đáy trong quý 1/2025 và sẽ tăng dần trong các quý tiếp theo trong bối cảnh chi phí sử dụng vốn có xu hướng giảm và tỷ suất sinh lợi Tài sản có sinh lãi (YOEA) được cải thiện.

Dựa trên các điều kiện thị trường hiện tại, ASEAN Securities dự báo Ngân hàng VIB sẽ ghi nhận 20.202 tỷ đồng thu nhập lãi thuần và 8.799 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong năm nay, lần lượt tăng 20,6% và 22,1% so với năm 2024.

Minh Huế

Nguồn Tạp chí Công thương: https://tapchicongthuong.vn/ngan-hang-vib--chien-luoc-ban-le-phat-huy-hieu-qua--loi-nhuan-du-bao-tang-22-142523.htm