Hiệu quả vốn tín dụng chính sách giúp nhân dân thoát nghèo

Nhờ nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội, nhiều gia đình ở huyện Vân Hồ có nguồn lực để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, từng bước nâng cao thu nhập, xóa đói nghèo.

Mô hình trồng cây táo Đài Loan của gia đình ông Đinh Văn Ểu, bản Thín, xã Xuân Nha, huyện Vân Hồ.

Mô hình trồng cây táo Đài Loan của gia đình ông Đinh Văn Ểu, bản Thín, xã Xuân Nha, huyện Vân Hồ.

Cùng cán bộ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Vân Hồ đến thăm mô hình nuôi bò và trồng cây ăn quả của gia đình ông Đinh Văn Ểu, bản Thín, xã Xuân Nha. Năm 2017, ông vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội, mua 4 con bò sinh sản, chuyển đổi 1.000 m2 đất trồng ngô, sắn sang trồng 100 cây táo Đài Loan.

Ông Đinh Văn Ểu phấn khởi nói: Cây táo Đài Loan rất dễ trồng, chăm sóc sinh trưởng phát triển tốt, gia đình tôi đã tận dụng phân chuồng bón cho cây. Sau hơn 1 năm, cây táo cho thu hoạch quả, năng suất trung bình đạt 60 kg/cây. Bán quả táo với 3 con bò, gia đình đã trả hết số vốn vay sớm hơn thời hạn 1 năm. Hiện nay, gia đình tôi vẫn duy trì đàn bò 10 con; mỗi năm thu hoạch hơn 6 tấn quả, bán với giá 20.000 đồng/kg, trừ chi phí thu lãi hơn 100 triệu đồng từ trồng táo. Dự kiến năm nay sẽ trồng thêm 600 cây táo, để tăng thêm thu nhập.

Còn gia đình chị Lò Thị Hà, bản Tưn, xã Xuân Nha, trước đây thuộc diện hộ nghèo. Năm 2018, được Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho vay 80 triệu đồng, chị mua 4 con bò sinh sản, trồng hơn 1 ha cỏ voi. Sau 2 năm, đàn bò của gia đình tăng lên 15 con. Từ nguồn vốn tích lũy, chị trồng thêm 1 ha măng bát độ. Năm 2024, gia đình chị thu 5 tấn măng và 2.000 cành giống; cùng với nuôi bò, mang lại thu nhập hơn 150 triệu đồng/năm. Gia đình chị đã thoát nghèo, cuộc sống, kinh tế ngày càng ổn định.

Mô hình nuôi cá lồng của nông dân xã Tân Xuân, huyện Vân Hồ.

Mô hình nuôi cá lồng của nông dân xã Tân Xuân, huyện Vân Hồ.

Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Vân Hồ đang triển khai 9 chương trình tín dụng ưu đãi, với 8.865 hộ được vay vốn, thông qua 222 tổ tiết kiệm và vay vốn, tổng dư nợ trên 557,7 tỷ đồng; chủ yếu đầu tư nuôi gia súc, cá lồng, trồng cây ăn quả, trồng rừng... góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện trung bình 4%/năm.

Ông Nguyễn Thế Chung, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, cho biết: Hằng năm, đơn vị chủ động tham mưu cho Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH huyện phân bổ hợp lý, kịp thời nguồn vốn vay đến các xã, đảm bảo đúng đối tượng, hỗ trợ tối đa hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, không để tồn đọng nguồn vốn. Phối hợp với UBND các xã, tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác thường xuyên kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay của các hộ.

Bên cạnh đó, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Vân Hồ còn phối hợp với các phòng, ban chuyên môn của huyện tổ chức tập huấn, định hướng, hướng dẫn nhân dân lựa chọn cây trồng, vật nuôi phù hợp để phát triển kinh tế gia đình và sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích; nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ tiết kiệm và vay vốn; phân công cán bộ tín dụng chính sách phụ trách địa bàn, tạo điều kiện tốt nhất để người dân tiếp cận với các nguồn tín dụng ưu đãi để đầu tư phát triển kinh tế gia đình.

Để vốn tín dụng chính sách đến được đúng đối tượng thụ hưởng và phát huy hiệu quả, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Vân Hồ tiếp tục tham mưu cho cấp ủy, chính quyền thực hiện tốt các chính sách tín dụng xã hội; phối hợp tư vấn, hướng dẫn người vay vốn mở rộng sản xuất, cách sử dụng đồng vốn hiệu quả, xây dựng các mô hình kinh tế phù hợp điều kiện thực tế tại địa phương.

Bài, ảnh: Thu Thảo

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/xa-hoi/hieu-qua-von-tin-dung-chinh-sach-giup-nhan-dan-thoat-ngheo-0s9hb3FHR.html