Hiệu trưởng 10 năm không giao bài tập cho học sinh dịp Tết
'Tôi hứa với học sinh từ nay, thầy cô giáo sẽ không giao bài tập về nhà trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán để các con được hưởng cái Tết thoải mái, bình an và ấm áp bên gia đình'.
Trên đây là thư ngỏ của ông Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie Hà Nội gửi thầy cô giáo của trường dịp Tết Nguyên đán 2024.
Trong thư, thầy Khang viết: "... Thay mặt các thầy cô giáo, tôi hứa với học sinh của trường từ nay thầy cô giáo sẽ không giao bài tập về nhà trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán.
Nhân dịp Tết Nguyên đán 2024, tôi nhắc lại lời hứa được nhiều thế hệ học sinh yêu thích. Chúng ta dành cho các con được hưởng một cái Tết thoải mái, bình an và ấm áp bên gia đình".
Sau khi đưa lên mạng xã hội, thư ngỏ của thầy Khang nhận "bão like" (yêu thích) và bình luận ủng hộ trên mạng xã hội.
Theo đại diện nhà trường, việc không giao bài tập về nhà trong dịp nghỉ Tết Nguyên Đán đã thành thông lệ hơn 10 năm nay.
Năm 2012, khi ứng cử Ban chỉ huy Liên đội tại Đại hội Liên đội của Trường Marie Curie, một học sinh đã nêu kế hoạch hành động, trong đó có nói rằng, nếu được bầu làm Liên đội trưởng, em sẽ đề nghị với thầy hiệu trưởng không giao bài tập Tết cho học sinh nữa. Ý kiến này sau đó được các học sinh tham dự hưởng ứng mạnh mẽ.
Từ câu chuyện này, hiệu trưởng nhà trường đã quyết định từ đó trở đi không giao bài tập về nhà cho học sinh trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán.
Tết là dịp để học trò được nghỉ ngơi, đoàn viên bên gia đình. Vì vậy, thầy cô không cần giao bài tập để học sinh được vui chơi, tham gia các hoạt động cùng gia đình một cách thoải mái, không bị áp lực bài vở.
Trong một lần trả lời phỏng vấn, cô Lê Thị Hải Anh, giáo viên Trường THPT Thăng Long (Hà Nội) cho rằng có thể giao bài tập ở mức vừa phải để củng cố kiến thức cho học sinh lớp 9 và học sinh THPT, nhưng với các lớp bé hơn thì không nên.
"Bộ GD&ĐT chủ trương tránh quá tải cho học sinh, giờ thầy cô lại giao quá nhiều bài tập trong thời gian nghỉ Tết, tăng áp lực cho học sinh là không cần thiết", cô Hải Anh cho hay.
Về lo lắng nếu không giao bài tập, học sinh sẽ quên kiến thức, thói quen nền nếp học tập, PGS.TS Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết, bài tập không phải "con ngáo ộp", có thể "gò" học sinh vào khuôn khổ.
Thầy cô đừng quan niệm bài tập chỉ là nhớ kiến thức lý thuyết khô khan. Hãy biến bài tập thành các nhiệm vụ hứng khởi, qua đó học sinh được trải nghiệm giá trị và ý nghĩa của Tết truyền thống.
"Trong bối cảnh hiện nay, một ngày số lượng thông tin, kiến thức sản sinh ra luôn vượt quá khả năng tiếp nhận và xử lý của con người.
Chúng ta không thể kỳ vọng học sinh sẽ dành mọi thời gian có thể có để ôn luyện, ghi nhớ kiến thức.
Học trò sẽ cần người thầy hỗ trợ hướng dẫn về phương pháp để tìm kiếm tri thức, có chiến lược phân tích, tổng hợp để rút ra những quy luật riêng áp dụng vào cuộc sống. Các con sẽ không cần những bài tập chỉ để khỏi quên thông tin kiến thức.
Tôi tin tấm lòng, sự sáng tạo của thầy cô sẽ mang đến nhiều bài tập Tết truyền cảm hứng và tạo động lực học tập tốt hơn nữa cho học trò", TS Nam nói.