Hiệu trưởng đánh hiệu phó: Đừng để xung đột 'âm ỉ' diễn ra
Xét về chức vụ, thiên chức người thầy, tuổi đời, tuổi nghề rõ ràng thầy hiệu trưởng và phó hiệu trưởng trường Tiểu học Ngư Thủy Bắc đáng trách vô cùng.
Sự việc ông Phan Anh Tuấn - hiệu trưởng trường Tiểu học Ngư Thủy Bắc (huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) lao vào đánh đấm ông Lê Đức Huấn – phó hiệu trưởng, khiến ông phải nhập viện khiến cho nhiều người bàng hoàng, ngán ngẩm.
Bởi lẽ, trong một trường học, hiệu trưởng; phó hiệu trưởng nhà trường- những người đứng đầu đơn vị là những “đầu tàu” để chèo lái đơn vị về mọi mặt. Họ là phải là những tấm gương sáng để đồng nghiệp, học trò noi theo.
Thế nhưng, chỉ vì mỗi cái chuyện mở cổng trường mà những lãnh đạo nhà trường đã có những hành xử không phù hợp trong môi trường giáo dục.
Mặc dù sau sự việc này, Phan Anh Tuấn - Hiệu trưởng trường Tiểu học Ngư Thủy Bắc xin lỗi học sinh, thầy cô giáo, ban đại diện cha mẹ học sinh nhưng vẫn còn đó nhiều nỗi buồn trong việc ứng xử giữa cấp trên- cấp dưới; giữa đồng nghiệp với đồng nghiệp hiện nay ở các nhà trường.
Hiệu trưởng đánh phó hiệu trưởng- tấm gương mờ trước học trò
Thời gian qua, tình trạng bạo lực học đường diễn ra khá phức tạp ở mọi cấp học, mọi địa phương khác nhau khiến cho những người quan tâm đến giáo dục thực sự lo lắng.
Tuy nhiên, khi nói về bạo lực học đường của học trò, mọi người hay nghĩ đến nguyên nhân là do các em tiêm nhiễm những thói hư, tật xấu trên phim ảnh, mạng xã hội. Rồi, cha mẹ, thầy cô chưa quan tâm đúng mức, thói vô cảm lên ngôi…
Bây giờ, hiệu trưởng và hiệu phó trường Tiểu học Ngư Thủy Bắc ẩu đả, đánh nhau sẽ đổ lỗi vì cái gì đây? Xét về chức vụ, thiên chức người thầy, tuổi đời, tuổi nghề rõ ràng thầy hiệu trưởng và phó hiệu trưởng trường Tiểu học Ngư Thủy Bắc đáng trách vô cùng.
Bởi lẽ, ngay từ khi còn ngồi học ở trường sư phạm, họ đã được học về tâm lý lứa tuổi; xử lý tình huống sư phạm; học về chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm. Khi ra trường, họ đều là những người đã trưởng thành, có nhiều năm đứng lớp mới được quy hoạch, bổ nhiệm làm lãnh đạo, quản lý nhà trường.
Là những người đứng đầu đơn vị trường học lại là trường Tiểu học- nơi mà tỉ lệ giáo viên nữ chiếm đa số và học sinh ở cấp học này đang còn rất nhỏ. Đáng lẽ ra hiệu trưởng, phó hiệu trưởng phải có cách ứng xử mềm mỏng, uyển chuyển linh hoạt và tạo ra một điểm tựa cho đơn vị, cho đồng nghiệp và học trò nhưng họ lại có cách hành xử đáng trách.
Nguyên nhân sự việc tưởng chừng vô thưởng vô phạt bởi đó chỉ là chuyện đóng, mở cổng trường mà ẩu đả với nhau. Việc ông Phan Anh Tuấn đánh ông Lê Đức Huấn bị thương, phải vào Trạm Y tế xã Ngư Thủy Bắc sơ cứu rồi đưa lên Bệnh viện Đa Khoa huyện Lệ Thủy để điều trị thì không còn lý do gì để biện minh cho hành động này cả.
Ai đúng, ai sai không còn là vấn đề quan trọng sau sự việc này. Bởi lẽ, họ đã tạo ra một “tấm gương” cực xấu, cực mờ trước đồng nghiệp, học trò và phụ huynh trong nhà trường sau sự việc này.
Hiệu trưởng đi đánh phó hiệu trưởng thì làm sao dạy dỗ, uốn nắn được học trò. Trong trường học, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng nhà trường mà không nêu gương thì nói ai, ai dẫn dắt đơn vị?
Cho dù, trong buổi chào cờ đầu tuần của Trường Tiểu học Ngư Thủy Bắc, ông Phan Anh Tuấn, hiệu trưởng trường, đã có lời xin lỗi về hành vi bạo lực với đồng nghiệp. Nhưng, vì sao lại để xảy ra tình huống trớ trêu đến như vậy?
Bài học nào được rút ra từ sự việc hiệu trưởng đánh phó hiệu trưởng?
Thực ra, không phải đến khi sự việc hiệu trưởng đánh phó hiệu trưởng trường Tiểu học Ngư Thủy Bắc xảy ra thì nhiều người mới nghĩ đến mối quan hệ giữa hiệu trưởng và phó hiệu trưởng nhà trường có vấn đề mà thực tế nhiều nơi cũng đã và đang xảy ra những xung đột trong quá trình công tác.
Những xung đột này có khi nó âm ỉ, cũng có khi gay gắt trong điều hành trường học và trong các cuộc họp của nhà trường.
Xét về vị trí, quyền hạn thì phó hiệu trưởng là “người giúp việc” cho hiệu trưởng- điều này đã được thể hiện rõ trong nhiều văn bản hiện hành của ngành giáo dục. Một khi đã là “người giúp việc” thì phải thừa hành mệnh lệnh của thủ trưởng đơn vị- đó là điều bất di bất dịch trong các đơn vị trường học.
Bởi vậy, công việc của một phó hiệu trưởng thường rất nhiều- nếu là trường loại II, loại III thì chỉ có 1 phó hiệu trưởng. Đương nhiên, vị này sẽ phụ trách cả chuyên môn; phổ cập; ngoài giờ; giảng dạy theo định mức và thực hiện các nhiệm vụ khác theo sự phân công của hiệu trưởng.
Điều này cũng đồng nghĩa, hiệu trưởng có thể làm nhiều việc và thậm chí họ cũng không cần làm việc nhiều, miễn là họ phân công, sắp xếp công việc hợp lý, họ kiểm tra, đôn đốc các công việc của nhà trường. Miễn sao ổn thỏa là được.
Tuy nhiên, có những phó hiệu trưởng mới được bổ nhiệm thì họ thường phục tùng một cách tuyệt đối nhưng những phó hiệu trưởng đã làm nhiều nhiệm kỳ thì không phải cái gì họ cũng phục tùng hiệu trưởng.
Đặt trong trường hợp ông Lê Đức Huấn đã từng làm hiệu trưởng ở một đơn vị khác, bây giờ làm phó hiệu trưởng trường Tiểu học Ngư Thủy Bắc- dưới quyền ông Phan Anh Tuấn - hiệu trưởng sẽ thấy được nhiều vấn đề phức tạp có thể xảy ra.
Song, vì lý do gì đi chăng nữa sự việc hiệu trưởng đánh phó hiệu trưởng nhà trường cũng đáng xấu hổ và đương nhiên sẽ bị lên án.
Hành động của họ dù xuất phát từ nguyên nhân, lý do gì cũng khó nhận được sự đồng tình của dư luận. Cái tôi của 2 người quá lớn, chỉ vài phút thiếu kiềm chế bản thân đã làm liên lụy đến ngành, đến hình ảnh người thầy trước bàn dân thiên hạ.
Chính vì thế, trường học muốn phát triển đi lên, nội bộ đoàn kết thì việc đầu tiên các thành viên trong Ban giám hiệu nhà trường phải hòa thuận, thống nhất được quan điểm chỉ đạo và điều hành.
Việc đầu tiên là họ phải gương mẫu trong lối sống và xây dựng đoàn kết nội bộ, tránh phe phái, cục bộ. Tránh trường hợp lôi kéo, phe phái trong đơn vị. Một khi trong trường có phe phái với nhau sẽ đấu đá, không phục tùng nhau.
Điều tối kị là trước đồng nghiệp, học trò thì những hiệu trưởng, phó hiệu trưởng nhà trường phải gương mẫu trong lời ăn, tiếng nói và hành động của mình bởi họ là những người đứng đầu đơn vị.
Trong quá trình công tác, những va chạm là điều khó tránh khỏi nhưng hiệu trưởng, phó hiệu trưởng phải kiềm chế được cảm xúc bởi đây cũng được xem như là một tình huống sư phạm trong môi trường giáo dục.
Bởi khi không kiềm chế được hành động, lời lẽ để xảy ra sự việc đáng tiếc, danh dự không đơn thuần là những cá nhân gây ra sự việc mà còn là danh dự của toàn nhà trường, địa phương. Bảo vệ danh dự bản thân đã khó, bảo vệ, giữ gìn danh dự của cả đơn vị lại càng khó hơn.
Nếu hiệu trưởng và phó hiệu trưởng đánh nhau, xung đột với nhau, mất đoàn kết với nhau thì làm sao nói được đồng nghiệp, học trò, làm sao cùng nhau thúc đẩy sự phát triển cho đơn vị mà mình đang lãnh đạo, quản lý, điều hành?