Hiệu ứng domino tăng học phí tại Hàn Quốc
Nhiều phụ huynh ở Hàn Quốc đang phải đối mặt với thực tế khắc nghiệt, đó là áp lực tài chính do chi phí giáo dục tư nhân cao 'ngất ngưởng' trong cuộc đua cho con học sớm.

Phụ huynh Hàn Quốc đang chi mạnh tay cho trẻ để theo học chương trình giáo dục tiếng Anh tư thục trước khi vào tiểu học. Ảnh: INT
Nguy cơ phản tác dụng khi trẻ học quá sớm
Một báo cáo gần đây cho biết, tại Hàn Quốc, gần 1/2 số trẻ nhỏ được ghi danh vào các chương trình giáo dục tư nhân (hagwon), đáng chú ý là những trường mẫu giáo dạy bằng tiếng Anh.
Cuộc cạnh tranh khốc liệt đến mức, nhiều người tại quốc gia này nói đùa rằng, trẻ mới biết đi phải... mặc tã để thi tuyển sinh chỉ để giành được một suất vào các trường mẫu giáo danh tiếng. Đây được coi là bước chuẩn bị thiết yếu để trẻ được nhận vào các hagwon danh giá sau này.
Nhiều phụ huynh đầu tư lớn cho con theo học tại các trường mẫu giáo tiếng Anh. Bởi, họ hy vọng điều đó sẽ giúp trẻ có được lợi thế suốt đời. Song, câu hỏi được đặt ra là: Liệu những chương trình tốn kém này có thực sự hữu ích hay chúng chỉ tạo ra một loạt vấn đề mới?
Giáo sư Lim Woong tại Khoa Sau đại học về Giáo dục của Đại học Yonsei ở Seoul chia sẻ: “Sau khi dạy hàng nghìn học sinh ở cả Hàn Quốc và Mỹ, tôi thường thấy rằng, những người bắt đầu học sớm không nhất thiết sẽ là người học tiếng Anh giỏi nhất, ngay cả sau nhiều năm tiếp xúc chuyên sâu”.
Ngược lại, theo GS Lim Woong, những học sinh phát triển hứng thú với tiếng Anh trong những năm tháng tuổi thiếu niên và theo đuổi môn học này ngoài nhà trường, bao gồm cả việc xem phim và đọc nhiều sách, thường có sự tiến bộ đáng kể. Điều này cho thấy, động lực tự thân có thể quan trọng hơn việc bắt đầu học sớm, đặc biệt là khi cha mẹ thúc ép con từ nhỏ.
Khi tiếng Anh lưu loát là điều bắt buộc - chẳng hạn như trong trường hợp di cư hoặc ở lại nước ngoài trong thời gian dài - trẻ em có thể gặp khó khăn ban đầu. Song, trẻ sẽ tự nhiên phát triển ngôn ngữ. Bởi, ngoại ngữ sẽ trở thành một phần trong cuộc sống hằng ngày của trẻ. Ngược lại, việc ép buộc học ngôn ngữ mà không có mục đích rõ ràng có thể khiến trẻ em coi tiếng Anh là một trở ngại, thay vì công cụ hoặc đặc quyền. Từ đó, tạo ra sự căng thẳng và mất hứng thú.
Một số nghiên cứu cho thấy, lợi ích của giáo dục sớm chuyên sâu không cao. Trẻ em có thể thành thạo phép nhân chỉ trong một hoặc hai tháng ở độ tuổi lên 7. Trong khi đó, nhóm trẻ cùng tuổi không học sớm có thể mất một năm hoặc lâu hơn để làm điều đó. Khoảng cách này xảy ra đơn giản vì não của trẻ chưa sẵn sàng phát triển.
Cha mẹ thường cho rằng, việc tiếp xúc sớm hơn luôn có lợi, giống như bắt đầu một cuộc đua trước khi tiếng còi vang lên. Song, theo GS Lim Woong, việc cho trẻ học quá nhiều môn học ở độ tuổi sớm hiếm khi mang lại lợi ích lâu dài nếu tài liệu không phù hợp với lứa tuổi.
Một nghiên cứu do Margaret Burchinal từ Đại học Virginia (Mỹ) và các đồng nghiệp thực hiện, đã theo dõi 4.667 trẻ em từ 3 đến 5 tuổi. Nghiên cứu phát hiện ra rằng, trẻ em học sớm thường vượt trội hơn các bạn cùng lứa về khả năng đọc viết và toán cho đến khoảng 9 tuổi. Tuy nhiên, đến năm 11 tuổi, nhiều trẻ có kết quả học tập giảm sút cùng với các vấn đề về hành vi. Đây là một chỉ báo đáng báo động về những rủi ro tiềm ẩn của áp lực học tập sớm.

Hàn Quốc đã chứng kiến mức tăng chi phí giáo dục mạnh nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009. Ảnh: INT
Học phí “tăng vọt”
Tại một trong những quận giàu có nhất của Seoul, trẻ 4 tuổi được rèn luyện để viết bài luận tiếng Anh gồm năm đoạn văn trong 15 phút. Những bài kiểm tra khắc nghiệt này, được thiết kế để tuyển sinh vào các trường mẫu giáo tiếng Anh. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo, đây là một cuộc chạy đua đang làm trầm trọng thêm bất bình đẳng và cướp đi sức khỏe cảm xúc của trẻ em.
Các kỳ thi tuyển sinh được cho là có câu hỏi phù hợp hơn với học sinh trung học, nhưng điều đó không phải là hiếm ở những trường mẫu giáo ưu tú tại Daechi-dong - một khu phố giàu có thuộc quận Gangnam của Seoul. Nơi đây thường được mệnh danh là “thủ đô giáo dục” của Hàn Quốc.
Khi “cơn sốt” giáo dục tiếng Anh sớm ngày càng gia tăng, học phí tại các trường mẫu giáo tiếng Anh tư thục tăng đột biến trên khắp Seoul và Gyeonggi. Nghị sĩ Kang Kyung-sook của Đảng Tái thiết Hàn Quốc và No Worry, một nhóm được thành lập bởi những công dân phản đối giáo dục tư nhân, đã công bố kết quả của cuộc khảo sát toàn diện được tiến hành vào tháng 5 về học phí mẫu giáo tiếng Anh tại 5 thành phố của Gyeonggi, gồm: Goyang, Anyang, Seongnam, Yongin và Hwaseong. Phân tích này được lấy từ dữ liệu chính thức do Văn phòng Giáo dục Seoul và Gyeonggi cung cấp, cùng với các cổng thông tin chính phủ dành cho trường mẫu giáo và trung tâm chăm sóc.
Ở Seoul, học phí trung bình hằng tháng tại các trường mẫu giáo tiếng Anh đạt 1,36 triệu won vào năm 2024, tăng 3,5% so với năm trước đó. Tuy nhiên, mức tăng học phí ở một số khu vực thậm chí còn cao hơn nhiều. Tỷ lệ này tăng 10,4% ở các quận Gangseo và Yangcheon, 12,7% ở các quận phía Tây Seoul và 13,4% ở các quận trung tâm Seoul.
Tại 5 thành phố được khảo sát của Gyeonggi, mức phí hằng tháng trung bình tăng vọt lên 1,23 triệu won vào năm 2024. Con số này tăng hơn 110.000 won so với năm 2023. Tỷ lệ tăng hằng năm lên tới 10,1% - gấp ba lần tốc độ tăng ở Seoul. Trong khi đó, Yongin ghi nhận mức tăng đột biến nhất là 13,7%.
Con số học phí trung bình bao gồm phí hướng dẫn hằng tháng, chi phí ăn uống, tài liệu giảng dạy, chi phí ký túc xá và phương tiện đi lại. Tuy nhiên, học phí không bao gồm các khoản phí bổ sung cho các chương trình sau giờ học.
Điều đó có nghĩa là chi phí thực tế của phụ huynh thậm chí còn cao hơn. Nhóm No Worry cảnh báo rằng, học phí mẫu giáo tiếng Anh hiện dao động trong khoảng từ 14,76 triệu đến 16,32 triệu won hằng năm.
Trong một tuyên bố, nhóm này cho biết: “Các phụ huynh đang chi tới 15 triệu won cho mỗi trẻ em để theo học chương trình giáo dục tiếng Anh tư thục trước khi vào tiểu học”. Trong khi số lượng trường mẫu giáo tiếng Anh và tổng số lớp học tại Seoul đã giảm, thì xu hướng thay đổi mạnh theo từng quận. Tổng số cơ sở tại thủ đô đã giảm 34 vào năm 2024, xuống còn 299. Số lượng lớp học cũng giảm nhẹ xuống còn 623.
Song, ở Gangnam và Seocho - những quận giàu có với nhu cầu tập trung về giáo dục tư nhân - tình hình lại cho thấy một câu chuyện khác. Số lượng cơ sở đã giảm từ 94 xuống còn 84, nhưng tổng số lớp học đã tăng từ 165 lên 181.
Các con số này báo hiệu sự phát triển của những học viện lớn hơn, có năng lực cao. “Điều đó cho thấy thị trường mẫu giáo tiếng Anh tại Gangnam và Seocho đang hợp nhất về các nhà khai thác quy mô lớn”, tổ chức No Worry cho biết.
Tại Gyeonggi, vào năm 2024, tổng số trường mẫu giáo đã giảm 3, xuống còn 119, nhưng số lượng lớp học tăng vọt lên 376, tức là tăng 101 so với năm trước. Riêng Anyang đã chứng kiến số lớp học tăng từ 22 lên 116. “Điều này chỉ ra sự tái cấu trúc thị trường. Trong đó, các nhà điều hành nhỏ hơn bị loại bỏ, do những tổ chức lớn hơn, có sức cạnh tranh mở rộng quy mô hoạt động”, tổ chức No Worry nhận định.

Tại một trong những quận giàu có nhất của Seoul, trẻ em bốn tuổi được rèn luyện để viết bài luận tiếng Anh gồm năm đoạn văn trong 15 phút. Ảnh: INT
No Worry cũng đã lên tiếng cảnh báo về thời gian giảng dạy. Các trường mẫu giáo tiếng Anh ở Seoul trung bình giảng dạy 5 giờ 24 phút mỗi ngày. Những trường ở năm thành phố tại Gyeonggi trung bình giảng dạy 5 giờ 8 phút, dài hơn khoảng 2 giờ so với thời gian giảng dạy trung bình hằng ngày dành cho học sinh tiểu học lớp một và lớp hai. Thậm chí, con số này còn dài hơn thời gian giảng dạy của học sinh trung học cơ sở năm nhất.
Hàn Quốc đã chứng kiến mức tăng chi phí giáo dục mạnh nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009, do sự gia tăng đột biến trong học phí đại học trên cả nước.
Theo Cục Thống kê Hàn Quốc, chi phí liên quan đến giáo dục đã tăng 2,9% so với cùng kỳ năm ngoái vào tháng 3. Đây là con số cao nhất kể từ mức tăng 4,8% vào tháng 2/2009. Các nhà chức trách cho rằng, sự gia tăng này chủ yếu là do học phí đại học tại các tổ chức tư nhân tăng lần đầu tiên sau 16 năm.
Sự gia tăng đột biến về học phí đã tạo ra hiệu ứng domino, đẩy chi phí giáo dục lên cao ở các lĩnh vực khác. Học phí mẫu giáo tăng 4,3% so với cùng kỳ năm ngoái vào tháng 3. Đây là mức tăng cao nhất trong chín năm kể từ mức tăng đột biến 8,4% vào tháng 2/2016 - chấm dứt chuỗi giảm liên tục kéo dài 58 tháng bắt đầu từ tháng 5/2020.
Các chi phí giáo dục khác cũng tăng mạnh, như học phí cho các nền tảng học trực tuyến (9,4%) và chương trình học tại nhà (11,1%). Trong số các hoạt động sau giờ học, lớp thể thao ghi nhận mức tăng cao nhất là 3,9%, tiếp theo là nghệ thuật (2,9%) và âm nhạc (2,2%).
Các nhà chức trách Hàn Quốc cho rằng, sự gia tăng học phí trong thời gian gần đây có thể khiến lạm phát tăng. Trong bối cảnh này, ngày càng có nhiều lo ngại về hiệu ứng lan tỏa, có thể thúc đẩy nhiều tổ chức chưa tăng học phí đi theo xu hướng này. Một quan chức của Cục Thống kê Hàn Quốc cho biết: Việc tăng học phí trong học kỳ đầu tiên của năm học 2025 sẽ tiếp tục tác động đến lạm phát cho đến tháng 2 năm sau.
Theo Koreajoongangdaily; KoreaHerald
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/hieu-ung-domino-tang-hoc-phi-tai-han-quoc-post739149.html