Tháo gỡ bất cập trong tuyển dụng, luân chuyển giáo viên
Một trong những điểm đột phá của Luật Nhà giáo vừa được ký ban hành là việc giao thẩm quyền cho ngành Giáo dục trong tuyển dụng nhà giáo. Đây được xem là bước điều chỉnh quan trọng nhằm khẳng định vị thế, vai trò chủ động của ngành Giáo dục trong tuyển dụng, sử dụng, quản lí, phát triển đội ngũ nhà giáo. Từ đó, góp phần từng bước tháo gỡ những điểm nghẽn về chính sách đối với nhà giáo, đặc biệt là giải quyết bài toán thừa thiếu giáo viên; chủ động điều phối, hoạch định các kế hoạch phát triển đội ngũ nhà giáo cả trong ngắn hạn và dài hạn.
Quy định phù hợp với thực tiễn
Luật Nhà giáo có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2026 thống nhất giao thẩm quyền cho ngành Giáo dục chủ động trong tuyển dụng nhà giáo, phân cấp thẩm quyền tuyển dụng cho người đứng đầu cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập được tự chủ tuyển dụng nhà giáo; giao thẩm quyền cho Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quy định về thẩm quyền tuyển dụng nhà giáo trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên.
Luật cũng quy định Bộ GD&ĐT là cơ quan chủ trì phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh xây dựng chiến lược, đề án, kế hoạch phát triển đội ngũ nhà giáo thuộc thẩm quyền quản lí trình cấp có thẩm quyền quyết định; phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh đề xuất cơ quan có thẩm quyền phê duyệt số lượng biên chế nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập.

Sẽ giao thẩm quyền cho ngành Giáo dục trong tuyển dụng nhà giáo. Ảnh minh họa
Nhiều ý kiến cho rằng, quy định giao thẩm quyền cho ngành Giáo dục về tuyển dụng giáo viên trong Luật Nhà giáo là phù hợp với thực tiễn. Lý do là trên thực tế dù Bộ GD&ĐT được giao thẩm quyền chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục đại học, trung cấp sư phạm, cao đẳng sư phạm, giáo dục thường xuyên và giáo dục nghề nghiệp nhưng đối với việc quản lý nhà giáo thì Bộ GD&ĐT chỉ có quyền quản lý về chuyên môn đối với nhà giáo; không quản lý về số lượng, biên chế, công tác tuyển dụng, bổ nhiệm đối với nhà giáo.
Tại hầu hết các địa phương từ trước đến nay, cơ quan chuyên môn về giáo dục và đào tạo không phải là đơn vị chủ trì, đầu mối về tuyển dụng giáo viên nên không chủ động trong việc điều tiết số lượng, cơ cấu đội ngũ theo môn học, cấp học và không chủ động điều tiết được giáo viên thừa, thiếu. Điều này đã và đang gây khó khăn cho các địa phương trong việc giải quyết vấn đề luân chuyển giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu, hoặc chuyển công tác cho các giáo viên có nguyện vọng khi nơi đi và nơi đến không cùng cơ quan quản lý…
TS Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ GD&ĐT cho rằng, việc giao thẩm quyền cho ngành Giáo dục trong tuyển dụng nhà giáo sẽ tháo gỡ được một số bất cập. Trước hết, nó đảm bảo chiến lược tổng thể và có tầm nhìn dài hạn về đội ngũ nhà giáo, xu hướng phát triển đội ngũ cũng như yêu cầu về chất lượng phù hợp với chiến lược tổng thể về giáo dục quốc gia do ngành Giáo dục chủ trì.
Bên cạnh đó, quy định này cũng khắc phục được tình trạng tuyển không hết chỉ tiêu biên chế được giao trong khi tình trạng thiếu giáo viên đang diễn ra trên hầu khắp cả nước; đồng thời khắc phục việc tuyển dụng người không phù hợp với đặc thù nghề nghiệp của nhà giáo vì phương thức tuyển dụng chung giáo viên với các viên chức ngành nghề khác; nội dung thi chưa gắn liền với hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo.
Ngoài ra, việc giao quyền chủ động cho ngành Giáo dục trong việc tuyển dụng nhà giáo cũng khắc phục được tình trạng không thể điều động, luân chuyển nhà giáo giữa các cơ sở giáo dục trên địa bàn khi xảy ra tình trạng thừa thiếu cục bộ do phân cấp quản lý như hiện nay và góp phần nâng cao chất lượng nhà giáo do việc tuyển dụng sẽ có yêu cầu bắt buộc là thực hành sư phạm.
Cần cơ chế giám sát nhằm đảm bảo minh bạch, phòng ngừa tiêu cực
GS.TS Thái Văn Thành, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Nghệ An nhìn nhận, việc giao quyền tuyển dụng cho ngành Giáo dục là hoàn toàn phù hợp với yêu cầu của thực tiễn. Lý do là quy hoạch đội ngũ giáo viên cần bảo đảm đồng bộ, dài hạn, đảm bảo sự chủ động của cơ quan quản lý giáo dục các cấp. Đồng thời, điều này cũng góp phần thúc đẩy đổi mới công tác tuyển dụng, bổ nhiệm nhà giáo phù hợp hơn trong bối cảnh hiện nay.
Lãnh đạo nhiều cơ sở giáo dục cũng khẳng định, đây là quy định mang tính đột phá. Khi ngành Giáo dục được chủ động thực hiện chức năng bổ nhiệm, điều động cán bộ quản lý, nhà giáo tại địa phương, việc điều chỉnh biên chế cán bộ, giáo viên, nhân viên các nhà trường sẽ hài hòa, hợp lý hơn. Đồng thời, cán bộ quản lý, nhà giáo cũng có cơ hội trao đổi, học hỏi và phát huy năng lực, sở trường trong môi trường giáo dục khác nhau trên địa bàn, từ đó góp phần thu hẹp khoảng cách về chất lượng.
Tuy vậy, các ý kiến cũng cho rằng, để việc tuyển dụng đảm bảo minh bạch, công bằng cần phải có những quy định chặt chẽ về tiêu chuẩn tuyển dụng cũng như cơ chế giám sát, thanh tra, kiểm tra nhằm hạn chế tình trạng mỗi nơi làm một kiểu, thiếu đồng bộ, có thể làm phát sinh bất cập trong chất lượng đội ngũ. Trong đó, cần quy định cụ thể tiêu chuẩn, điều kiện tuyển dụng nhà giáo, xác lập cơ chế thanh, kiểm tra, giám sát đối với thực hiện quyền tự chủ tuyển dụng, quy định rõ trách nhiệm giải trình của người đứng đầu cơ sở giáo dục và cơ sở quản lý cấp trên khi xảy ra sai phạm, có chế tài xử lý rõ ràng, nghiêm minh với các hành vi vi phạm trong tuyển dụng.
Về vấn đề này, TS Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, Bộ GD&ĐT cho biết, để thực thi quy định này, trong thời gian tới, cơ quan soạn thảo Luật Nhà giáo sẽ phải ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành như Nghị định của Chính phủ, Thông tư của Bộ GD&ĐT, trong đó quy định cụ thể về quy trình, thủ tục, điều kiện tuyển dụng nhà giáo đảm bảo công khai, minh bạch, phòng ngừa tiêu cực.
Mặt khác, thực hiện chức năng quản lý nhà nước, ngành Nội vụ và ngành Giáo dục sẽ có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật trong công tác tuyển dụng, thực hiện các cơ chế giám sát đối với người đứng đầu cơ sở giáo dục.