Hiểu về Công ước chống tra tấn: Quyền và nghĩa vụ của người bị trục xuất

Trục xuất là hình phạt chính hoặc hình phạt bổ sung áp dụng đối với người nước ngoài phạm tội (người không có quốc tịch Việt Nam) buộc người đó trong thời hạn nhất định phải rời khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Về quy định việc áp dụng hình thức xử phạt trục xuất theo thủ tục hành chính, Chính phủ ban hành Nghị định số 97/2006/NĐ-CP ngày 15/9/2006. Nghị định này quy định về đối tượng bị trục xuất, thủ tục áp dụng hình thức xử phạt trục xuất, biện pháp quản lý người vi phạm trong thời gian làm thủ tục trục xuất, quyền và nghĩa vụ của người bị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc tổ chức thi hành hình thức xử phạt trục xuất.

Trục xuất theo thủ tục hành chính là buộc người nước ngoài có hành vi vi phạm pháp luật phải rời khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Theo đó, người nước ngoài có hành vi cố ý hoặc vô ý vi phạm các quy định của pháp luật Việt Nam mà theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính phải bị trục xuất; người nước ngoài phạm tội bị tòa án xử phạt trục xuất không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này mà thực hiện theo quy định của Nghị định số 54/2001/NĐ-CP ngày 23/8/2001 của Chính phủ.

 Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Trong trường hợp Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác với quy định của Nghị định này thì áp dụng quy định của Điều ước quốc tế đó. Cơ quan phát hiện vi phạm xét thấy người nước ngoài thực hiện hành vi vi phạm pháp luật đủ điều kiện áp dụng hình thức xử phạt trục xuất, phải gửi ngay hồ sơ vụ vi phạm đến CQCA cấp tỉnh nơi người nước ngoài đăng ký tạm trú, thường trú hoặc nơi xảy ra hành vi vi phạm để lập hồ sơ đề nghị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất.

Trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ vi phạm, GĐ CA cấp tỉnh có trách nhiệm hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất. Về quyền và nghĩa vụ của người bị trục xuất, pháp luật Việt Nam nêu rõ: Người bị trục xuất được biết mình bị trục xuất vì lỗi vi phạm gì; được nhận quyết định trục xuất chậm nhất 24g trước khi thi hành; được liên hệ với cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự của nước mà mình là công dân để được bảo vệ, trợ giúp; được mang theo tài sản hợp pháp của mình rời khỏi Việt Nam; được khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Còn nghĩa vụ, người bị trục xuất phải thực hiện đầy đủ các quy định ghi trong Quyết định Xử phạt trục xuất; xuất trình giấy tờ tùy thân theo yêu cầu của cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh; tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam, chịu sự quản lý của CQCA trong thời gian làm thủ tục trục xuất; nhanh chóng chấp hành đầy đủ các nghĩa vụ về dân sự, hành chính, kinh tế theo quy định của pháp luật (nếu có). Trường hợp không tự nguyện chấp hành, sẽ bị cưỡng chế thi hành theo Điều 66 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002; hoàn thành các thủ tục cần thiết để rời khỏi lãnh thổ Việt Nam.

Bên cạnh đó, Điều 3 Công ước chống tra tấn cũng nêu rõ:

1. Không một quốc gia thành viên nào được trục xuất, trao trả về hoặc dẫn độ một người cho một quốc gia khác, nơi có nhiều lý do thực tế để tin rằng người đã có nguy cơ bị tra tấn.

2. Để xác định xem có những lý do đó hay không, các nhà chức trách có thẩm quyền phải xem xét mọi yếu tố có liên quan, bao gồm sự tồn tại của một mô hình vi phạm các quyền con người một cách thô bạo, trắng trợn và phổ biến ở quốc gia liên quan, nếu có.

Bản chất nguyên tắc “không trao trả” thể hiện trong Điều 3 Công ước được hiểu là quốc gia không những không được phép tra tấn công dân hoặc những người dưới quyền tài phán của mình, mà còn không được phép buộc những người nước ngoài trở về hoặc tới một quốc gia khác, nếu người đó có nguy cơ bị tra tấn tại quốc gia đó.

“Trục xuất” được dùng trong tình huống đối tượng nhập cảnh một cách hợp pháp nhưng sau đó bị buộc rời khỏi lãnh thổ. “Trao trả” dùng trong tình huống đối tượng nhập cảnh bất hợp pháp. “Dẫn độ” là hành vi cơ quan có thẩm quyền của một quốc gia trao người cho cơ quan có thẩm quyền của quốc gia khác nhằm mục đích xét xử hoặc thi hành án, trong khi người bị trục xuất không bị trao cho cơ quan có thẩm quyền của nước khác và về nguyên tắc, người bị trục xuất có thể chọn quốc gia đến.

Phương Nguyên

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/hieu-ve-cong-uoc-chong-tra-tan-quyen-va-nghia-vu-cua-nguoi-bi-truc-xuat-443543.html