Hiểu về tài chính để làm chủ tương lai

Một khảo sát của NHNN chỉ ra rằng, kiến thức tài chính của sinh viên Việt Nam nhìn chung còn thấp. Nhiều người không thể tiết kiệm hoặc quản lý tiền bạc một cách hiệu quả. Việc thiếu nghiên cứu tập trung về kiến thức tài chính của giới trẻ, những người đặc biệt dễ bị tổn thương do mới bắt đầu tự chủ về tài chính, là điều cần phải quan tâm.

Không chỉ vậy, thiếu kiến thức về tài chính cũng sẽ khiến các bạn trẻ trở thành nạn nhân của các vụ việc lừa đảo với nhiều thủ đoạn tinh vi. Trong thời gian qua, liên tiếp các vụ việc lừa đảo liên quan đến tài chính đã xảy ra mà mục tiêu các đối tượng hướng tới lại là các bạn học sinh, sinh viên. Cụ thể, trên fanpage của Đại học Kinh tế Quốc dân mới đây đã đăng tải thông tin cảnh báo sinh viên toàn trường về tình trạng lừa đảo dưới hình thức yêu cầu chuyển khoản dưới dạng trúng tuyển học bổng. Các đối tượng phát đi thông báo về nội dung chương trình học bổng của Cộng hòa Liên bang Đức. Để tham gia chương trình, quỹ học bổng yêu cầu sinh viên phải chứng minh khả năng tài chính, chuyển khoản vào tài khoản của các đối tượng để lấy biên bản sao kê. Đại học Kinh tế Quốc dân khẳng định không có mối liên hệ, liên kết nào với các chương trình hoặc tổ chức như đã nêu ở trên.

Trước đó, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh cũng cho biết đã ghi nhận một số trường hợp sinh viên nhận được cuộc gọi hoặc tin nhắn từ các số điện thoại lạ, giả mạo danh tính nhà trường để đe dọa, yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân hoặc thực hiện các hành vi lừa đảo. Theo đại diện Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh, những đối tượng này có thể viện lý do liên quan đến học vụ, học phí, kỷ luật sinh viên... gây hoang mang và mục đích cuối cùng nhằm lừa đảo. Kẻ gian giả danh công an, viện kiểm sát, gọi điện hoặc nhắn tin thông báo sinh viên liên quan đến vụ án như rửa tiền, ma túy, lừa đảo; yêu cầu giữ bí mật, không chia sẻ với ai; ép cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng hoặc chuyển tiền để “chứng minh tài chính”...

Giới chuyên môn khẳng định, giáo dục tài chính đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện của quốc gia, đặc biệt đối với đối tượng là các bạn học sinh, sinh viên. Đây là thế hệ tương lai của đất nước, một thế hệ trẻ có kiến thức tài chính vững vàng sẽ đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế chung.

Ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng kiêm Trưởng Ban Đào tạo và Phát triển của Chứng khoán SSI cho rằng, việc giáo dục đầu tư cho giới trẻ là một trong những ưu tiên hàng đầu cho việc phát triển thị trường. Giáo dục tài chính đã không còn là một môn học tự chọn, tài chính cá nhân đã trở thành một kỹ năng sống cần thiết trong thời đại hiện nay.

Tại Học viện Ngân hàng, bà Đỗ Thị Thu Hà, Phó Trưởng Bộ môn Kinh doanh ngân hàng - Khoa Ngân hàng cho biết, Học viện luôn xác định giáo dục tài chính cho sinh viên là nhiệm vụ cần thiết. Đây là 1 trong 3 nhiệm vụ quan trọng nhất của việc giáo dục tài chính toàn diện. Học viện đã thực hiện nhiều giải pháp để giáo dục tài chính cho sinh viên, như trong tuần lễ công dân đầu năm học có nội dung nâng cao ý thức tài chính cá nhân cho tân sinh viên.

Trong quá trình giảng dạy, Học viện rất chú trọng đưa các nội dung giáo dục tài chính để tạo khung lý thuyết cơ bản cho sinh viên, để sau khi ra trường, mỗi sinh viên sẽ trở thành chuyên gia về tài chính và giúp lan tỏa kiến thức cho cộng đồng và xã hội.

Bà Đỗ Thị Thu Hà đánh giá, thế hệ gen Z rất thông minh, nhanh nhạy, trở thành người tiêu dùng trong tương lai. Vì vậy, Học viện thúc đẩy ứng dụng công nghệ trong thanh toán và trong các tất cả công tác tài chính, kế toán của Học viện, như tích hợp thẻ sinh viên với thẻ ngân hàng để sinh viên có thể sử dụng các phương thức thanh toán hiện đại mà không phải xếp hàng nộp học phí như trước đây; sử dụng nhiều phương thức hiện đại như chuyển khoản, ví điện tử hoặc các phương thức khác…

“Thông qua các hoạt động này, thời gian gần đây, nhận thức của sinh viên về tài chính cá nhân cũng như rủi ro của sinh viên nói riêng, người tiêu dùng nói chung về sử dụng thẻ đã cải thiện nhiều, qua đó minh chứng sự hiệu quả của các chương trình giáo dục tài chính trong nhà trường”, bà Hà cho biết.

Các chuyên gia cho rằng, không chỉ Học viện Ngân hàng mà tất cả các trường đại học nên phổ cập toàn diện về giáo dục tài chính. Đây sẽ là một việc làm thiết thực giúp mỗi sinh viên có thể nắm vững các kiến thức, kỹ năng tài chính để có thể hướng tới tự chủ về tài chính một cách thông minh trong tương lai.

Hạ Chi

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/hieu-ve-tai-chinh-de-lam-chu-tuong-lai-162096.html