Hình ảnh Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc mãi mãi trong ký ức, tâm hồn của dân tộc Việt Nam (*)
Báo Bình Dương trân trọng giới thiệu bài phát biểu của Hòa thượng Thích Huệ Thông, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Pháp chế Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bình Dương, tại buổi lễ khởi công Dự án xây dựng Khu lưu niệm Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc.

Hòa thượng Thích Huệ Thông
Cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc - thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, một nhà sĩ phu yêu nước, thương dân, một nhà học Phật uyên thâm, suốt cuộc đời vì Tổ quốc, dân tộc, quê hương ...
Cụ là người nổi tiếng thông minh, được vùng quê làng Sen ca tụng “Nam Đàn tứ hổ:
Uyên bác bất như San (Phan Văn San tức Phan Bội Châu),
Tài hoa bất như Quý (Dương Thúc Quý),
Cường ký bất như Lương (Trần Văn Lương),
Thông minh bất như Sắc (Nguyễn Sinh Sắc)”.
Năm 1901, Người đỗ Phó Bảng được hưởng các đặc ân bằng tiến sĩ, có lễ vinh quy bái tổ. Sau hai lần từ chối làm quan, Triều đình Nhà Nguyễn buộc cụ phải vào Kinh thành nhận chức Thừa biện Bộ lễ vào năm 1906. Bình sinh, Cụ thường nói: “Quan trường thị nô lệ, trung chi nô lệ, hựu nô lệ”.
Vào tháng 5 năm 1909, Hội đồng Nhà Vua và khâm sứ Trung kỳ bổ nhiệm cụ làm Tri phủ huyện Bình Khê.
Vào năm 1910, Cụ Sắc từ bỏ chốn quan trường, chu du vào Nam để truyền bá tư tưởng yêu nước trong nhân dân.
Cụ là người định hướng cho Nguyễn Tất Thành (Hồ Chí Minh) ra đi tìm đường cứu nước. Trong thời gian cụ Sắc và Nguyễn Tất Thành gặp nhau trước khi Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước, Nguyễn Tất Thành nói: “Cha, hồi này sức khỏe của cha suy sụp quá nhiều, cha đã hy sinh cho con suốt bao năm dài, nuôi dưỡng dạy dỗ, dìu dắt con từng bước đường đời. Nay đã từng tuổi này mà con chưa kịp báo đền, quả thật là bất hiếu, ra đi con chưa yên lòng.
Cụ nói: Nước mất thì lo mà cứu, con chỉ có mỗi một việc đó phải làm. Cứu nước là hiếu với cha. Con hãy mạnh dạn lên đường. Cha chỉ ở quanh quẫn đất Sài Gòn này để trông tin tức của con”.
Con không nên mềm lòng như thế. Đau khổ của cha đâu bằng đau khổ của dân ta. Cái nhục của cha con ta đâu bằng cái nhục đất nước. Không có cái nhục nào bằng cái nhục mất nước. Phải tìm con đường cứu lấy nước lấy dân. Chú Giải San và Phó bảng Trinh tuy nhỏ tuổi hơn cha nhưng đã làm những việc mà cha chưa làm được, dù chưa thành nhưng đã gây chấn động cả nước, thức tỉnh được mọi người. Cha kỳ vọng vào lớp trẻ của con có thể đi xa hơn nữa. Con hơn cha là nhà có phúc đó con. Con đường sang phương Đông, chú Giải San đã đi, nhưng người Nhật không thật tình giúp ta. Còn nước Tàu, việc họ lo chưa xong làm sao giúp ta được. Con nên tìm một hướng đi khác”.

Bàn thờ Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc và Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Chùa Hội Khánh
Trong suốt cuộc hành trình vào Nam, cụ Sắc chọn chùa làm nơi cư trú, thường xuyên đàm đạo với các bậc cao tăng, truyền bá tư tưởng yêu nước trong dân chúng. Vào năm 1923, Cụ Sắc đến vùng đất Thủ Dầu Một và chùa Hội Khánh cùng với Hòa thượng Từ Văn và cụ Tú cúc Phan Đình Viện cùng nhau thành lập Hội Danh dự yêu nước, mục đích của Hội là truyền bá tư tưởng yêu nước, dạy học, giúp đỡ người dân trong việc bốc thuốc trị bệnh...
Hiện nay, cụ để lại câu liễn đối tại chùa Hội Khánh: “Đại đạo quảng khai...” và sách, la bàn xem địa lý, dụng cụ bàn cà thuốc. Cụ Sắc là người uyên thâm Phật pháp, thường đàm đạo với các bậc cao Tăng và quan tâm đến phong trào chấn hưng Phật giáo. Cụ quy y Tam bảo, trở thành tín đồ Phật giáo với Hòa thượng Hồng Đại - Bửu Phước tại chùa Sùng Phước, Châu Hộ, Phnôm-Pênh vào ngày 24/8/1922 với pháp danh Nhựt Sắc tự Thiện Thành thuộc Lâm tế Gia phổ đời thứ 41.
Thấm nhuần tư tưởng Phật giáo, cụ từng viết thư về quê, khuyên bà con theo đạo Phật (Thư này đã lọt vào tay mật thám Vinh và chúng báo cáo cho Khâm sứ Trung kỳ ngày 08/9/1927)... điều này thể hiện rõ tư tưởng của cụ đến với đạo Phật, khi ông Phan Trọng Bình (con của Tú cúc Phan Đình Viện), nhà cách mạng từ Quảng Châu về đến gặp cụ, Cụ bảo: “Các cháu muốn giải phóng dân tộc, các cháu phải theo đạo Phật” (theo Hà Huy Giáp).
Tình cảm của cụ dành cho Phật giáo cho đến hơi thở cuối cùng, cụ cũng mong muốn được chết trong chùa và chôn cụ trong đất chùa (hiện nay lăng mộ cụ được nằm trong đất chùa Hòa Long, Cao Lãnh).
Thời gian ở Thủ Dầu Một, do mật thám luôn theo dõi cụ, cho nên cụ thường xuyên đi lại nhiều nơi như Tương Bình Hiệp, Tân An, Tân Khánh... Nơi đây, dân chúng đã ghi đậm hình ảnh của một ông Đồ xứ Nghệ thân thương, dễ mến với bộ bà ba đen gần gũi với dân chúng, bốc thuốc trị bệnh bất cứ khi nào dân chúng cần, trao đổi về y thuật với các lương y nổi tiếng vùng đất Thủ lúc bấy giờ.
Năm 1926, cụ Sắc bị nhà cầm quyền nghi ngờ làm chính trị, bắt tạm giam ba ngày tạm Khám đường Thủ Dầu Một. Chúng nêu những lý do: “Bí số A11377, Nguyễn Sinh Sắc cha Nguyễn Ái Quốc là đối tượng nguy hiểm đã từng tham gia các cuộc vận động ngầm của sĩ phu yêu nước trước đây”. Đó là mật điện của Chánh Mật thám Trung kỳ gửi đi các nơi để truy lùng. Sau khi rời khỏi Khám đường Thủ Dầu Một, cụ về chùa Hội Khánh cùng cụ Tú cúc Phan Đình Viện rời khỏi chùa để đảm bảo sự an toàn cho chùa Hội Khánh và Hội Danh dự yêu nước. Đó là phẩm chất cao quý của người sĩ phu yêu nước, luôn biết quý trọng sinh mạng của người khác cũng như sinh mạng của chính mình.

Tranh vẽ cụ Nguyễn Sinh Sắc kê toa bốc thuốc trị bệnh cho bà con. Nguồn: dongthap.gov.vn
Sau khi rời khỏi chùa Hội Khánh và vùng đất Thủ năm 1926, cụ thỉnh thoảng vẫn quay lại cùng với các vị Hòa thượng và những nhà yêu nước để luận bàn về những vấn đề cứu nước, cứu dân ra khỏi ách nô lệ thực dân Pháp.
Sự kiện cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc ở chùa Hội Khánh thành lập Hội Danh dự yêu nước đã được ngài Lê Mạnh Trinh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Nghiên cứu lịch sử Trung ương, một lần ông đến làm việc với Tỉnh ủy Sông Bé và có đến ngôi chùa Hội Khánh xưa, nơi mà ông Lê Mạnh Trinh đã từng đến chùa vào năm 1926 để gặp cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, ông có viết một bài báo được đăng trên tờ báo Sông Bé, thứ Năm ngày 09/3/1978, ông viết: “Trước đây, chùa Hội Khánh có một “danh dự đặc biệt” đó là hoạt động của nhà yêu nước cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc. Cụ Phó bảng đã qua lại ở địa phương này nhiều lần và rất gần gũi với quần chúng. Đến nay, còn nhiều người dân làng còn nhắc cụ với lòng tự hào và tôn kính. Đây còn là một danh dự đối với tỉnh nhà và chúng ta là những nhà nghiên cứu lịch sử Đảng cần chú ý sưu tầm để biên soạn thành trang sử tự hào cho địa phương”.
Một sự kiện vô cùng xúc động qua lời kể hồi ký của Bác sĩ Nguyễn Văn Nam (quê Tương Bình Hiệp), một bác sĩ đã trải qua hai cuộc kháng chiến, khi tập kết ra Bắc, Bác sĩ Nam làm việc ở Bộ Công an, sau đó được điều về bảo vệ chăm sóc sức khỏe cho các vị cán bộ của Bộ Chính trị. Vừa làm Bác sĩ, vừa làm cảnh vệ nên bác sĩ Nam có điều kiện gặp Bác Hồ tại nhà Sàn.
Có lần Bác hỏi Bác sĩ Nam: cháu ở đâu?
Bác sĩ Nam trả lời: cháu ở Tương Bình Hiệp, Thủ Dầu Một.
Bác hỏi: ở Thủ Dầu Một có biết Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc không, có biết chùa Hội Khánh không?
BS Nam thưa: Cháu có nghe ông nội cháu là Lương y Huấn Lam và ba cháu là thầy thuốc Nguyễn Tế Sanh có kể đã từng gặp cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc ở Tương Bình Hiệp và ở chùa Hội Khánh, với hình ảnh một ông Đồ, một thầy thuốc xứ Nghệ, thường mặc bộ đồ màu đen, cầm dù, gần gũi dân chúng, bốc thuốc trị bệnh cho bà con nhân dân.
Bác trả lời: Như vậy là tốt rồi, khi nào miền Nam được giải phóng, đất nước được thống nhất, bác sẽ đến Thủ Dầu Một và chùa Hội Khánh để thăm lại chốn xưa”.
Qua mẩu chuyện trên đã gợi cho chúng ta nhớ về Bác luôn luôn canh cánh bên lòng hình ảnh của người cha suốt đời tận tụy cho Tổ quốc, cho quê hương. Để tỏ lòng tôn kính, biết ơn sâu sắc đối với một vị sĩ phu yêu nước như cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, cũng là người cha sinh thành, nuôi dưỡng và định hướng cho Bác Hồ một con đường ra đi tìm đường cứu nước, để đem lại sự độc lập tự do cho dân tộc và để hôm nay dân tộc Việt Nam được ấm no, hạnh phúc, lãnh đạo tỉnh cùng toàn dân vùng đất Thủ Dầu Một, Bình Dương khởi công xây dựng công trình Dự án Chỉnh trang đô thị và xây dựng khu Lưu niệm cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, vừa để tri ân, tôn vinh cũng nhằm để giáo dục cho thế hệ con cháu mai sau biết đền ơn những gì mà các bậc tiền bối đã hy sinh cống hiến trong đạo lý “ẩm thủy tư nguyên”, một truyền thống nhân văn, tình người ngàn đời của dân tộc Việt Nam. Công trình này ngoài những ý nghĩa cao quý như trên, nó còn để cho toàn dân có nơi thưởng ngoạn, về nguồn, chiêm bái, học tập, một giá trị văn hóa tâm linh thiêng liêng của dân tộc Việt Nam.

Tượng cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc trong khuôn viên Khu Di tích Nguyễn Sinh Sắc tại thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Ảnh tư liệu
Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc đã hiện hữu trên cõi đời 68 mùa xuân và từ giã cuộc đời đến nay 96 năm. Dù thời gian có trôi qua, không gian có biến động, nhưng công đức, hình ảnh của Cụ vẫn mãi mãi còn ghi trong ký ức, tâm hồn của dân tộc Việt Nam và nhân dân Thủ Dầu Một, Bình Dương.
Hòa thượng Thích Huệ Thông
(*) Tựa do tòa soạn đặt