Dấu ấn Chủ tịch Hồ Chí Minh tại nơi thành phố mang tên Người

TP.HCM là trung tâm kinh tế sôi động nhất cả nước, nơi nhịp sống hiện đại luôn tràn đầy năng lượng và cơ hội. Hơn một thế kỷ trước, thành phố này đã tiễn chân người thanh niên Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước, mở ra một chương mới cho cách mạng Việt Nam.

Năm 1910, trong thời gian thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh – cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, làm quan tại tỉnh Bình Định, chàng trai Nguyễn Tất Thành rời Huế vào Nam, đến thăm cha và ở lại mảnh đất này.

Khi thấy con trai đến, cụ Nguyễn Sinh Sắc đã hỏi con: "Con đến đây làm gì?". Nguyễn Tất Thành đáp lời: "Con đến đây tìm cha". Nghe vậy, cụ Sắc trìu mến nói với con: "Nước mất không lo đi tìm, tìm cha phỏng có ích gì?". Lời nói ấy của cha như một lời hiệu triệu, hun đúc thêm ý chí và lòng quyết tâm, thôi thúc Người nhanh chóng dấn thân vào hành trình tìm đường cứu nước.

Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh phía trước trụ sở Ủy ban nhân dân Thành phố. Ảnh: Andrey X.

Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh phía trước trụ sở Ủy ban nhân dân Thành phố. Ảnh: Andrey X.

Việc chàng thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành chọn Sài Gòn làm điểm khởi đầu cho hành trình ra đi tìm đường cứu nước vào ngày 05/6/1911 là một quyết định mang tính chiến lược.

Dựa trên những phân tích thực tế sâu sắc từ các chuyên gia nghiên cứu lịch sử, lý do quan trọng hàng đầu chính là vị thế của Sài Gòn – thành phố cảng quốc tế lớn và sầm uất nhất Đông Dương lúc bấy giờ, đóng vai trò cửa ngõ giao thương trọng yếu với thế giới, đặc biệt là với Pháp và các nước phương Tây khác.

Chính tại cảng Sài Gòn (Bến Nhà Rồng), nơi các tàu buôn lớn của Pháp và quốc tế thường xuyên cập bến, đã mở ra cơ hội khả thi nhất để Người có thể tìm việc trên tàu, thực hiện mục tiêu xuất dương tìm hiểu văn minh thế giới và con đường giải phóng dân tộc.

Bên cạnh đó, với vai trò là trung tâm hành chính, kinh tế của Nam Kỳ và toàn Liên bang Đông Dương, Sài Gòn cho phép Nguyễn Tất Thành quan sát trực tiếp bộ máy cai trị thực dân, đời sống xã hội dưới ách đô hộ và tiếp cận thông tin về nước Pháp cũng như tình hình quốc tế.

Hơn nữa, sự nhộn nhịp, đa dạng của một đô thị lớn cũng phần nào giúp Người dễ dàng hòa mình, che giấu thân phận và tìm kiếm cơ hội lên đường hơn so với các địa phương khác. Vì vậy, lựa chọn Sài Gòn không chỉ là tìm một lối thoát, mà còn thể hiện rõ tầm nhìn xa trông rộng và ý chí quyết tâm của Người trong việc tìm đến đúng nơi có thể mở ra con đường học hỏi, chuẩn bị cho sự nghiệp cứu nước vĩ đại, giải phóng dân tộc khỏi ách áp bức.

Di chỉ lặng lẽ mang bóng hình Người

Ẩn mình trên con đường Châu Văn Liêm náo nhiệt giữa lòng Chợ Lớn, ngôi nhà số 5 trông có vẻ bình dị, nhưng lại là chứng nhân lặng thầm cho những ngày tháng sục sôi trước một bước ngoặt lịch sử.

Ngôi nhà số 5 đường Châu Văn Liêm hiện là Di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Phạm Nguyễn.

Ngôi nhà số 5 đường Châu Văn Liêm hiện là Di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Phạm Nguyễn.

Hơn một thế kỷ trước, nơi đây chính là cơ sở của Liên Thành thương quán – một tổ chức kinh doanh được các sĩ phu yêu nước Bình Thuận tâm huyết gây dựng từ năm 1906. Không chỉ là một địa chỉ kinh doanh, Liên Thành thương quán còn là nơi chở che, nâng bước người thanh niên Nguyễn Tất Thành trên hành trình từ Phan Thiết vào Sài Gòn đầy khát vọng.

Chính tại căn nhà này, khi đó mang địa chỉ số 1-2-3, đường Quai Testard (một trong những tên gọi cũ của đường Châu Văn Liêm), đã trở thành mái nhà của Người trong suốt quãng thời gian từ tháng 9/1910 đến ngày 04/6/1911.

Trong thân phận mới với cái tên "Nguyễn Văn Ba" và được hậu thuẫn bởi tổ chức Liên Thành thương quán, Người đã đi làm ở một trường thợ máy, bán báo ở thương cảng để kiếm sống, tìm hiểu đời sống của người dân và tình hình đấu tranh của các tầng lớp lao động Nam Kỳ.

Chín tháng ấy không chỉ là những ngày lưu lại, mà còn là khoảng thời gian Người nung nấu quyết tâm, chuẩn bị hành trang cho một chuyến đi lịch sử – chuyến đi tìm con đường giải phóng dân tộc.

114 năm đã trôi qua, thế nhưng, từng góc nhỏ của căn nhà dường như vẫn còn lưu giữ hình bóng và những suy tư của Người. Ngôi nhà hôm nay đã được trùng tu nhiều lần, gần nhất là vào năm 2019, nhưng vẫn bảo tồn nguyên vẹn lối kiến trúc Đông Dương xưa cũ. Tổng diện tích ngôi nhà khoảng 35m2, rộng 4m, dài 8,8m, giản dị với một tầng trệt và một tầng lầu, được nối với nhau bằng chiếc cầu thang gỗ mộc mạc. Trên lầu có ban công rộng 2m x 4m, cửa ra ban công cũng được làm bằng gỗ.

Tại tầng trệt có đặt bàn thờ cùng tranh ảnh, bản đồ về Sài Gòn xưa, các hoạt động và những trí thức có ảnh hưởng tới Người. Sang đến tầng một là khu trưng bày về hành trình tìm đường cứu nước của Người với điểm nhấn là bức tường được vẽ bến cảng Nhà Rồng, nơi Người ra đi tìm đường cứu nước.

Một số hiện vật về Bác Hồ được trưng bày tại đây. Ảnh: Phạm Nguyễn.

Một số hiện vật về Bác Hồ được trưng bày tại đây. Ảnh: Phạm Nguyễn.

Hình ảnh các sĩ phu yêu nước có ảnh hưởng lớn đến cuộc đời Bác. Ảnh: Phạm Nguyễn.

Hiện tại, các cơ quan quản lý văn hóa tại Thành phố vẫn đang tiếp tục sưu tầm, bổ sung tư liệu để đưa Di tích số 5 Châu Văn Liêm đến với đông đảo người dân hơn. Theo chia sẻ của Trung tâm Văn hóa Quận 5 – đơn vị trực tiếp quản lý di tích, vào các ngày lễ lớn, "Nhà Bác Hồ" thu hút đông đảo du khách đến tham quan, thắp hương tưởng niệm. Nhiều bạn trẻ cũng vinh dự được kết nạp Đảng ngay tại di tích này.

Bến Nhà Rồng: Nơi Người đi tìm hình hài đất nước

Bến Nhà Rồng, tên gọi thân thương mà người dân dành cho trụ sở Tổng Công ty Vận tải Hoàng Đế (Messageries Impériales) xưa, là một công trình kiến trúc mang dấu ấn lịch sử đặc biệt, tọa lạc bên bờ sông Sài Gòn.

Bến Nhà Rồng về đêm. Ảnh: Eternal Dragon/Wikipedia.

Bến Nhà Rồng về đêm. Ảnh: Eternal Dragon/Wikipedia.

Lịch sử của nó bắt đầu từ rất sớm trong giai đoạn Pháp thuộc, được xây dựng từ giữa năm 1862 đến cuối năm 1863 bởi thực dân Pháp với mục đích làm nơi ở cho viên Tổng quản lý và nơi bán vé tàu. Công trình mang phong cách kiến trúc phương Tây, nhưng điểm độc đáo nhất chính là trên đỉnh mái được trang trí đôi rồng lớn bằng đất nung, tráng men xanh, theo mô típ "lưỡng long chầu nguyệt" đậm nét Á Đông. Chi tiết này đã làm nên tên gọi "Nhà Rồng" quen thuộc cho đến ngày nay.

Trong suốt thời kỳ Pháp thuộc, Bến Nhà Rồng đóng vai trò là một thương cảng sầm uất, đầu mối giao thương đường biển quan trọng nối liền Việt Nam với thế giới. Tuy nhiên, sự kiện ghi dấu ấn sâu đậm nhất và đưa Bến Nhà Rồng đi vào lịch sử dân tộc lại không liên quan đến chức năng thương mại của nó.

Vào ngày 05/6/1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành – Nguyễn Văn Ba đã lên con tàu Amiral Latouche-Tréville từ chính bến cảng này, bắt đầu hành trình 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước.

Trong vai trò chân phụ bếp trên tàu, hằng ngày, Người phải làm việc từ 5h sáng đến 9-10h tối, với đủ thứ công việc như khuân vác than đốt lò, lấy thức ăn dưới hầm lạnh, nhặt rau, rửa nồi xoong... để đổi lại đồng lương 45 franc rẻ mạt. Mặc dù chịu nhiều vất vả, nhưng Người vẫn quyết tâm bám trụ với công việc này, bởi lẽ, chỉ trên chiếc tàu viễn dương, Người mới có điều kiện đến nhiều nước khác nhau. Hải trình vạn dặm đầy gian khó này cũng chính là khởi đầu cho một hành trình vĩ đại làm thay đổi vận mệnh cả một dân tộc.

Hình ảnh chàng thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành khi làm bồi bàn tại khách sạn Cát-tơn năm 1914. Ảnh: Phạm Nguyễn.

Hình ảnh chàng thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành khi làm bồi bàn tại khách sạn Cát-tơn năm 1914. Ảnh: Phạm Nguyễn.

Bến Nhà Rồng, nay là Bảo tàng Hồ Chí Minh – chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh, trầm mặc soi bóng thời gian bên dòng sông Sài Gòn, mãi là chứng nhân của buổi ra đi lịch sử.

Nơi đây không chỉ là một di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia mà còn là một "địa chỉ đỏ", biểu tượng cho lòng yêu nước và ý chí tìm đường giải phóng dân tộc của người Việt Nam.

50 năm qua, bảo tàng thực hiện tốt nhiệm vụ nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê, bảo quản, trưng bày, tuyên truyền về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng vĩ đại, tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến mọi tầng lớp nhân dân. Qua đó, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa mà Người đã để lại cho dân tộc.

Các học viên an ninh lắng nghe hướng dẫn viên của Bảo tàng Hồ Chí Minh giới thiệu về cuộc đời và sự nghiệp của Bác Hồ. Ảnh: Wikipedia.

Các học viên an ninh lắng nghe hướng dẫn viên của Bảo tàng Hồ Chí Minh giới thiệu về cuộc đời và sự nghiệp của Bác Hồ. Ảnh: Wikipedia.

Hiện nay, hệ thống trưng bày cố định của bảo tàng gồm 7 phòng, 8 gian trưng bày phản ánh đầy đủ và sinh động những sự kiện lịch sử trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trong số này, có 3 phòng nhấn mạnh đến sự kiện Người ra đi tìm đường cứu nước, tình cảm sâu nặng của Người đối với nhân dân miền Nam và tình cảm kính yêu của nhân dân miền Nam dành cho Người. Đặc biệt, Phòng tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh là nơi các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo Thành phố , các sở ban ngành, đoàn thể và nhân dân thành kính tưởng nhớ Người nhân các ngày lễ trọng đại của đất nước và mỗi khi đến tham quan bảo tàng.

Nguyễn Bảo

Nguồn Du lịch TP.HCM: https://tcdulichtphcm.vn/chuyen-hay/dau-an-chu-tich-ho-chi-minh-tai-noi-thanh-pho-mang-ten-nguoi-c17a97155.html