Hình ảnh học trò vùng cao, tự tay làm cỗ Tết
Trước khi nghỉ Tết, các bạn học sinh trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Sủng Trái được gói bánh chưng, được tận hưởng thành quả lao động sau giờ học…
Mô hình trồng rau, nuôi lợn tại trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Sủng Trái (xã Sủng Trái, Đồng Văn, Hà Giang) được áp dụng nhiều năm nay và thu lại được nhiều hiệu quả rất tích cực.
Thầy giáo Đinh Văn An, Hiệu Trưởng trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Sủng Trái cho biết thực hiện ý kiến chỉ đạo của ngành giáo dục huyện Đồng Văn, cùng với các trường khác trên địa bàn huyện, việc triển khai mô hình trồng rau, nuôi lợn được trường Sủng Trái áp dụng rất bài bản.
Tại trường Sủng Trái, đối với trồng rau, chia đất cho từng lớp, ngoài giờ học các em và giáo viên chủ nhiệm cùng trồng, chăm sóc.
Với học sinh ngoại trú, huy động các em tham gia phong trào bằng cách góp phân bón, cùng chăm sóc vườn rau của lớp.
Đồng thời, làm chuồng để nuôi lợn và giao cho 1 thầy giáo cùng với một số học sinh tham gia nuôi, chăm sóc.
Thức ăn cũng được tận dụng từ cơm, canh thừa sau mỗi bữa ăn của học sinh.
Lợn khi được xuất và các loại rau sau khi thu hoạch sẽ được nhà trường mua lại bằng với giá ngoài thị trường để làm thức ăn phục vụ cho chính bữa ăn của các em hàng ngày.
Cũng như những năm trước, Tết 2019 này, thầy và trò nhà trường lại đón một cái Tết đầm ấm.
Trong không khí mùa Xuân cận kề, các em cùng với các thầy cô giáo gói bánh trưng, thịt lợn, thịt gà để chuẩn bị cho bữa cơm cuối năm trước khi nghỉ tết.
Càng vui hơn khi các em học sinh được hưởng chính thành quả lao động của mình và các bạn trong quá trình tăng gia sản xuất.
Theo thống kê của nhà trường, Tết Kỷ Hợi này, lượng thịt lợn học sinh nuôi được là 95 kg, học sinh và các thầy cô giáo gói 95 cái bánh chưng, rau xanh chuẩn bị cho bữa cơm cuối năm là 135 kg… tất cả đều xanh, sạch, đảm bảo an toàn thực phẩm.
Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam ghi nhận không khí ăn Tết đầm ấm của thầy và trò trường phổ thông bán trú Tiểu học Sủng Trái: